Phỏng vấn visa du học Mỹ: Nắm quyền chủ động là nắm chìa khóa thành công

0

Sẵn sàng du học – Phỏng vấn visa du học Mỹ là hành trình cam go nhất đối với những ai ước mơ muốn trải nghiệm nền văn hoá, hệ thống giáo dục Mỹ hay dành lấy tấm vé thành công dân Mỹ sau này.

Dù mục đích của bạn thực sự là học, hay vừa học vừa kiếm tiền, vừa học vừa chờ cơ hội, thì việc đầu tiên phải là có được visa. Đó là chìa khoá đầu tiên mở cánh cửa đến với nước Mỹ.

Làm thế nào để thành công trong cuộc phỏng vấn?

Nước Mỹ không xét hồ sơ như các nước khác, họ chọn cách phỏng vấn Face to Face (mặt đối mặt), nghĩa là coi như đã dành cho các bạn 50% cơ hội.

Với những hồ sơ yếu về tài chính hay học lực, hay có người thân, thậm chí người thân qua Mỹ trốn lại, vẫn còn cơ hội.

Khi phỏng vấn cùng viên chức lãnh sự, các bạn có cơ may cuối cùng thuyết phục lãnh sự, và lãnh sự sẽ ra quyết định cuối cùng có cấp visa hay không, điều này phụ thuộc rất nhiều và thái độ và một phần may mắn của bạn.

Vậy thái độ như thế nào để nắm quyền chủ động trong cuộc phỏng vấn?

1. Trang phục: không thời trang loè loẹt, cũng không quá rách rưới

Viên chức lãnh sự nam đều mặc áo sơ mi khi phỏng vấn để tỏ thái độ nghiêm túc. Vậy thì với cương vị người đi phỏng vấn, các bạn phải ăn mặc lịch sự để tôn trọng viên chức lãnh sự. Quần áo nên kín đáo.

Nữ nên hạn chế trang điểm quá nhiều có thể gây thiện cảm không tốt cho lãnh sự nghĩ rằng các bạn dành quá nhiều thời gian tô điểm bản thân hơn là việc học.

2. Chủ động cười và chào khi đưa hồ sơ

Hàng ngày các lãnh sự phải phỏng vấn cả 100 người. Họ đương nhiên sẽ áp lực, cáu gắt và mệt mỏi. Hãy chủ động cười chào lãnh sự, dù họ không nhìn bạn, vẫn hãy luôn luôn tập trung và đón ánh mắt họ, khi trả lời câu hỏi luôn nhìn thẳng mắt lãnh sự.

Nói to, rõ ràng, khi không hiểu câu hỏi hãy xin lỗi và nhờ lãnh sự lặp lại câu hỏi/ dịch qua tiếng Việt giúp bạn.

3. Không để thời gian chết khi phỏng vấn

Khi lãnh sự hỏi một câu, hãy khôn ngoan dẫn dắt người ta đến câu tiếp theo (ví dụ: bạn có người thân ỡ Mỹ không? Đừng chỉ trả lời có hoặc không, mà hãy khôn ngoan đưa ra điều họ muốn biết. "Tôi có một người thân đang sống ở Houston, nhưng tôi không sống cùng người thân, vì trường tôi học ở bang khác, thưa lãnh sự…).

Lúc lãnh sự tập trung gõ và ngừng hỏi, hãy chủ động xin lãnh sự cho tôi được trình bày về kế hoạch học tập, hay kế hoạch quay về của tôi.

Nếu lãnh sự ra hiệu giữ yên lặng, vậy nghĩa là kết quả cuộc phỏng vấn của các bạn đã được định đoạt, lúc đó hãy giữ yên lặng cho người ta tập trung.

Hồ Thu Hương - cựu du học sinh Việt tại University of Houston, bang Texas, Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn thành công visa Mỹ.

Hồ Thu Hương – cựu du học sinh Việt tại University of Houston, bang Texas, Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn thành công visa Mỹ.

4. Kết thúc cuộc phỏng vấn

Khi kết quả không như mong đợi, hầu hết các bạn đều thất vọng và bỏ về ngay. Điều này ít nhiều gây ấn tượng xấu. Hãy cám ơn vì lãnh sự đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn và chúc họ một ngày tốt đẹp. Điều này không thể thay đổi kết quả cuộc phỏng vấn của bạn, nhưng ít nhiều cũng gây ấn tượng tốt.

Nên biết mỗi cuộc phỏng vấn của bạn lãnh sự đều phải đánh máy và lưu lại lí do fail (trượt), sẽ ảnh hưởng đến cuộc phỏng vấn tiếp theo của bạn.

Nếu như gặp viên chức lãnh sự thân thiện, trước khi về hãy cố thành khẩn và xin lãnh sự cho em biết vì sao em rớt ? Em có thể cải thiện phần nào ?

Dù câu trả lời như thế nào cũng phải chấp nhận và vui vẻ ra về. Bạn tuyệt đối không nổi giận hay tỏ vẻ oán trách viên chức lãnh sự.

Thua keo này ta bày keo khác. Đi sẽ đến, tìm sẽ thấy, gõ hoài cửa sẽ mở.

Hồ Thu Hương (Cựu sinh viên Đại học Houston, Texas, Hoa Kỳ)

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí

Share.

Leave A Reply