Sẵn sàng du học – Các nền giáo dục tiên tiến như Nhật, Mỹ đã tiến hành áp dụng video game vào dạy tiếng Anh cho trẻ em như một phương pháp vừa học, vừa chơi hiệu quả.
Reader rabbit (1983-2013) là tựa game điển hình cho việc áp dụng trò chơi điện tử trong giáo dục ở Mỹ, được phát triển để dạy cho các em nhỏ kỹ năng về ngôn ngữ. Tại Nhật Bản, “Học tiếng Anh thông qua video” là khoá học tự chọn đã được một trường đại học về ngôn ngữ đưa vào chương trình từ năm 2011.
Theo nghiên cứu công bố năm 2013 của tiến sĩ Jared R. Baierschmidt thuộc Đại học Kanda (Nhật Bản), 100% sinh viên tham gia khoá “Học tiếng Anh thông qua video game” đều có phản hồi tích cực. Trong đó 90% cho biết sẽ tiếp tục sử dụng trò chơi điện tử để học tiếng Anh.
Từ smartphone, PC cho đến máy console, video game đều đã phổ biến và là cách giải trí được người trẻ yêu thích. Theo thời gian, các trò chơi được xây dựng với nền tảng đồ hoạ đẹp, nội dung ý nghĩa và cách chơi hấp dẫn. Nếu sử dụng đúng cách, chọn tựa game phù hợp lứa tuổi, video game không chỉ đơn thuần giúp giải trí mà còn là cơ hội để người chơi khám phá và học hỏi, trau dồi tiếng Anh.
Tuỳ theo thể loại, video game sẽ cải thiện tinh thần đồng đội, kỹ năng xã hội và kiến thức của người chơi. Trong đó có thể kể đến trò chơi Marvel’s Spider-man trên hệ máy PS4 có nhân vật chính là Người Nhện nổi tiếng, được nhiều em nhỏ yêu thích.
Những câu nói tiếng Anh của nhân vật ngắn gọn, dễ nhớ, kích thích người chơi tìm hiểu ý nghĩa và tập theo. Điều này tạo cảm hứng cho các em, giúp việc học tiếng Anh trở nên thú vị hơn. Ngược lại, việc tương tác với những yếu tố và nhân vật trong video game cũng là cũng cơ hội để người chơi áp dụng kiến thức về Anh ngữ đã học.
Là một trong những hoạt động giải trí sau giờ học, nếu ứng dụng đúng cách, video game có thể mang lại khoảng thời gian vừa học, vừa chơi thú vị và hiệu quả.
Thị trường game hiện nay rất phong phú, với nhiều thể loại để người chơi lựa chọn. Mặc dù hầu hết game tiếng Anh đều hỗ trợ việc học ngoại ngữ, nhưng phụ huynh cần cân nhắc nhiều yếu tố khác như: Chất lượng đồ họa, nội dung trò chơi phù hợp lứa tuổi. Đây cũng là điều khiến nhiều hãng sản xuất máy console và phát triển game quan tâm.
Điển hình có thể kể đến máy Sony PlayStation 4, tất cả game trên hệ này tại Việt Nam đều được xếp hạng theo độ tuổi. Điều này giúp người chơi có thể dễ dàng lựa chọn tựa game phù hợp nhất với mình. Đồng thời các máy console cũng luôn có chế độ Parental Control, cho phép phụ huynh kiểm soát tránh cho trẻ tiếp cận những trò chơi chưa phù hợp với lứa tuổi.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News