Sẵn sàng du học – Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng quyền lực mềm khi sử dụng giáo dục làm công cụ chính để tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài, đặc biệt là ở các quốc gia có tầm quan trọng địa chính trị.
Theo đó, Trung Quốc trao nhiều học bổng giá trị cho sinh viên nước ngoài cũng như mở các viện giáo dục trên khắp thế giới. Đại sứ Trung Quốc tại Uganda Zheng Zhuqiang hồi năm ngoái cho biết Bắc Kinh sẽ cấp 99 suất học bổng cho sinh viên Uganda theo học tại các trường đại học Trung Quốc. Ngoài những sinh viên được hỗ trợ về mặt tài chính, nhiều sinh viên Uganda cũng có thể theo học ở Trung Quốc bằng cách tự trả chi phí.
Ngoại giao giáo dục
Học tập ở nước ngoài là một lựa chọn hấp dẫn đối với sinh viên Uganda, nơi hệ thống giáo dục đại học ngày càng xuống cấp do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất thì quá tải trong khi không đủ số lượng giảng viên. Đối với những sinh viên này, Trung Quốc nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng, bởi chi phí học tập tương đối thấp, có nhiều học bổng hấp dẫn, cũng như dễ dàng có được thị thực du học. Đổi lại, họ trở thành cầu nối trong việc thúc đẩy ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, đóng vai trò như là các chủ thể xã hội ảnh hưởng đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn cũng như tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở Uganda.
Bộ Giáo dục Trung Quốc từng tuyên bố, vai trò của sinh viên quốc tế là “kể câu chuyện về Trung Quốc và truyền bá tiếng nói Trung Quốc”. Trong đó, các nước châu Phi được xem là mục tiêu cho việc thúc đẩy ngoại giao giáo dục của Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, 81.562 sinh viên châu Phi theo học tại nước này trong năm 2018, nghĩa là Trung Quốc hiện là điểm đến phổ biến thứ hai đối với sinh viên lục địa đen muốn đi du học, chỉ sau Pháp. Trung Quốc cũng cấp rất nhiều học bổng dành cho sinh viên châu Phi. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2018, Bắc Kinh cam kết cấp 50.000 suất học bổng dành cho sinh viên châu Phi theo học tại Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2021.
Trong nỗ lực thu hút càng nhiều sinh viên nước ngoài càng tốt, Chính phủ Trung Quốc cấp hơn 10.000 học bổng cho sinh viên đến từ các quốc gia muốn học tập tại Trung Quốc thông qua chương trình Học bổng Con đường Tơ lụa. Trong đó, 65% suất học bổng được dành riêng cho các nước tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Đáng chú ý là Bắc Kinh gần đây còn triển khai chương trình Học bổng Đại sứ Trung Quốc dành riêng cho sinh viên đến từ Romania.
Truyền bá tư tưởng
Không những vậy, Trung Quốc không ngừng thành lập các viện giáo dục trên khắp thế giới mà điển hình là Viện Khổng Tử hiện đang hoạt động tại khoảng 120 quốc gia, với khoảng 500 trung tâm. Các viện này được thành lập với mục tiêu giúp người nước ngoài làm quen với hệ tư tưởng và văn hóa Trung Quốc khi mang đến nhiều dịch vụ khác nhau, như mở các khóa dạy tiếng Quan thoại, nấu các món ăn Trung Quốc, viết thư pháp…Mặt khác, Trung Quốc không ngừng tăng cường năng lực của các trường đại học trong nước để có thể cạnh tranh với các viện giáo dục tầm cỡ quốc tế thông qua 2 sáng kiến, gồm Dự án 211 và Dự án 985 nhằm tạo cơ hội cho sinh viên nước ngoài học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Ước tính cho thấy gần nửa triệu sinh viên nước ngoài đang học tập tại Trung Quốc.
Trên thực tế, điều này rất phổ biến đối với các quốc gia hùng mạnh, là một phần trong chiến lược tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế. Cách đây khoảng một thế kỷ, Anh đã triển khai chương trình Học bổng Rhodes nhằm thúc đẩy giá trị đế quốc Anh trên thế giới. Còn Mỹ hồi năm 1946 đã phát động chương trình học bổng Fulbright nhằm phổ biến các giá trị của Mỹ ra nước ngoài.
Ngày nay, mở cửa giáo dục còn là cách để các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc… có thêm nguồn thu ngoại tệ, bởi mức học phí của sinh viên nước ngoài thường cao hơn sinh viên trong nước. Tuy nhiên, Trung Quốc chủ yếu cấp học bổng rất hấp dẫn cho sinh viên nước ngoài vì yếu tố chính trị.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Cần Thơ