Tăng học phí du học Pháp có đáng lo ngại?

0

Sẵn sàng du học – Việc tăng học phí du học Pháp và tình hình Gilets Jaunes những ngày gần đây đã gây không ít lo lắng cho các phụ huynh và các bạn đang có ý định sang Pháp học, nên mình muốn phân tích một số điểm chính để các bạn hiểu rõ hơn tình hình, hi vọng sẽ giúp các bạn bớt băn khoăn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của mình, về các vấn đề xã hội thì đúng sai rất khó khẳng định.

hoc-bong-du-hoc-phap-3

1) Tại sao học phí tăng ?

Theo mình không những học phí tăng mà tương lai CAF (hỗ trợ tiền nhà) cho người nước ngoài cũng sẽ giảm dần đều rồi bị cắt hẳn.

Thực ra chuyện tăng học phí không phải là mới vì từ những năm 2010 trường Dauphine và Science PO đã tăng học phí lên rất cao. Việc tăng học phí bắt nguồn từ cải cách từ thời Tổng Thống Sarkozy với luật LRU (libertés et responsabilités des universités) với mục đích nâng cao sức cạnh tranh của các trường Đại Học ở Pháp, vì xếp hạng các trường Đại Học của Pháp trên bản đồ thế giới không được tốt. Thời chính phủ Sarkozy, lý luận đưa ra để tăng học phí là do chỉ có khoảng 45% sinh viên nhận được bằng Đại Học mà không bị đúp.

Theo ước tính thì chi phí bỏ ra đào tạo cho mỗi sinh viên hàng năm tầm 10,000 Euros.

Như vậy nếu sinh viên đúp càng nhiều thì càng lãng phí nhiều tiền của nhà nước. Việc tăng học phí sẽ làm cho sinh viên quyết tâm hơn (tâm lý chung của con người). Học mà không thi thì coi như không học, học mà có pression (ở đây là học phí cao) chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn (trừ những bạn sk kém). Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nợ công của Pháp tăng dần đều (từ 12% PIB năm 1974 đến 97% PIB hiện nay), nên giảm chi được khoản nào thì tốt khoản đó. Hơn nữa lương giảng viên ở Pháp rất thấp, làm xong Phd (Bac+9) thành MC (Maitre de conferenece), lương net chỉ tầm 2,100euros/tháng cho nên là ngành giáo dục không thu hút được nhiều nhân tài, như vậy chất lượng sẽ giảm đi.

hoc-bong-eiffel-tai-phap

Thời mình làm Phd (Tiến sĩ), ông thầy của mình có gây áp lực với mình bằng việc nói vừa đùa vừa thật : lương của mày bằng lương của tao nên không có lý do gì mà mày làm việc ít hơn tao. Nhưng mình thấy đây cũng chính là cơ hội cho người nước ngoài đặc biệt là dân VN mình.

Nếu lương trong ngành giáo dục tại Pháp mà cao thì cơ hội cho anh em VN sẽ rất nhỏ !

Chính phủ hiện nay của Tổng thống Macron cũng chung quan điểm với thời Tổng thống Sarkozy về vấn đề cải cách nhưng có lựa chọn khôn khéo hơn vì biết nếu tăng học phí tất cả sinh viên không kể nước ngoài hay nước trong thì có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng như vụ Gilets Jaunes hiện nay hoặc vụ Contrat Première Embauche năm 2007 (dẫn đến cuộc biểu tình chắc lớn nhất lịch sử của sinh viên Pháp).

2) Nước Pháp có còn hấp dẫn với sinh viên nước ngoài khi học phí tăng 3000E/năm?

Mình nghĩ khoản 3000Euros này không thấm vào đâu với tất cả những ưu đãi mà các bạn được hưởng ở Pháp so với các nước phát triển khác.

Các bạn phải nghĩ đến những thứ lớn hơn : quốc tịch Pháp !

Khi mà các bạn băn khoăn là nên đi Pháp, Đức, Úc, Sing, Canada… thì các bạn nên làm bảng so sánh những điểm chính :

(1) Tiền học phí +(2) Tiền sinh hoạt + (3) Khả năng ở lại xin việc CDI + (4) Khả năng xin quốc tịch + (5) Nếu ở lại định cư cuộc sống sẽ ra sao.

Nếu so sánh chỉ tính tiền học phí và tiền sinh hoạt thì với 3000E do tăng học phí mình tin rằng Pháp vẫn là nơi rẻ nhất trong các nước phát triển (khối G7), chưa kể khi học ở Pháp bạn có thể khám phá những địa danh mà nhiều người mơ ước và phải bỏ ra rất nhiều tiền mới thực hiện được. Nếu tính đến khả năng xin việc ở lại lâu dài và xin quốc tịch Pháp thì mình cũng tin Pháp là lựa chọn số 1. Hiện giờ trong các nước phát triển không đâu xin quốc tịch dễ như ở Pháp (Nói thêm: dạo gần đây thì Canada cũng mở rộng, Úc thì có khó hơn ngày trước).

Nói các bạn tưởng đùa, đối với nhiều người, thi bằng lái xe ở Pháp khó hơn rất nhiều so với việc lấy quốc tịch Pháp hoặc ngay cả lấy bằng Phd!

Còn điểm cuối cùng, ở lại Pháp liệu cuộc sống có tốt không ? Theo mình thì ở Pháp an sinh xã hội tốt, rất thích hợp cho ai quan tâm đến sức khỏe và muốn cuộc sống hưởng thụ theo kiểu ít tiền nhưng nhiều ngày nghỉ (nước Pháp cũng vô địch về khoản nhiều ngày nghỉ). Chuyện học phí thấp chỉ là 1 trong vô cùng nhiều thứ mà người thu nhập thấp ở Pháp được hưởng: hỗ trợ tiền nhà, miễn phí bảo tàng, giảm tiền ăn, hỗ trợ đi lại, bảo hiểm y tế & CMU cho người nghèo,… cho nên có mất đi một trong nhiều khoản hỗ trợ thì cũng không phải là vấn đề gì quá lớn.

Ở Pháp muốn làm giàu nói chung là khó.

Cái gì cũng có mặt được mặt không được: an sinh xã hội tốt có nghĩa là phải đóng thuế nhiều ; luật bảo vệ người lao động, có nghĩa là làm ông chủ, làm giàu rất khó. Cho nên tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người sẽ thấy cuộc sống ở Pháp ok hay không ok.

Nhưng ngay cả khi các bạn không muốn ở Pháp nữa thì khi có quốc tịch Pháp rồi các bạn cũng có thể sang các nước khác ở Châu Âu làm việc và sinh sống và vẫn có quốc tịch của 1 nước Châu Âu. Điều này rõ ràng thuận lợi hơn rất nhiều việc nếu các bạn học ở Thụy Sĩ, Anh, Đức… hay đâu đó rồi ở lại làm việc nhiều năm chỉ với cái visa vì việc có quốc tịch các nước khác ở Châu Âu hay Mỹ vô cùng khó.

Hiện nay ở Paris đang có biểu tình rất lớn, ở VN mọi người đọc tin chắc tưởng ở Pháp đang có bạo loạn….

nhưng các bạn yên tâm, đó là một phần của văn hóa, văn minh Pháp. Họ chỉ biểu tình cuối tuần thôi, không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của dân Paris.

Hơn nữa ngay cả khi có khủng bố, xác suất chết là vô cùng nhỏ so với tai nạn giao thông, ung thư, nhiễm bệnh hiểm nghèo, nên các bạn không có gì phải lo lắng. Nếu ngày nào đó loạn đến mức ngày nào cũng có khủng bố thì sau một thời gian chẳng ai để ý đến việc đó nữa, cũng như việc hằng năm cả chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông, hay vài chục ngàn người chết vì ung thư đó. Mình chỉ muốn nói là có nhiều thứ nguy hiểm hơn nhiều và cần để ý hơn thì có khi mọi người lại không để ý đến.

Nếu các bạn quyết định sang Paris học thì cũng nên biết là Paris hay các thành phố du lịch khác ở Châu Âu rất nhiều trộm cướp. Cũng không nên quá thất vọng, vì điều này cũng bắt nguồn từ sự nhân đạo và việc tự do đi lại trong Châu Âu. Xã hội càng nhân đạo, trợ cấp xã hội càng tốt thì sẽ càng nhiều người nghèo đến người không giàu như chúng ta và tất nhiên là cả trộm cướp muốn đến sống ở đó. Tự do bình đẳng bác ái mà. Như mình đã nói có quốc tịch Pháp rồi không thích nữa có thể đi nước khác ở Châu Âu sống.

Với những bạn muốn kiếm việc ở lại Pháp và xin quốc tịch sau khi tốt nghiệp thì nên phấn đấu xin học bổng, học grande ecole hoặc học những formation mà có công ty trả tiền. Dân mình thường bị hạn chế về ngại ngữ nên là chỉ có thể hơn các dân tộc khác ở sự cần cù chẳm chỉ cộng thêm chút thông minh nữa là ổn thôi. Nếu bạn nào học tốt về tự nhiên đặc biệt là Toán, Tin thì mình nghĩ khó mà có thể thất nghiệp được ở Pháp. Pháp cũng như các nước phát triển dân họ lười học những thứ mệt đầu, nên là kỹ sư và những thứ liên quan đến Toán Tin thiếu trầm trọng.

Với các bạn chưa biết hệ thống GE (Grande Ecole) ở Pháp thì mình giải thích thêm chút. Hệ thống GE là hệ thống trường lớn có từ thời Napoléon với mục đích tuyển những nhân tài (Elites) của nước Pháp để đào tạo trong trường quân sự (Ecole Polytechnique). Những sinh viên suất xắc nhất gọi là grands corps d’état sau khi ra trường thường sẽ giữ các vị trí rất quan trong. Thời đó Napoleon mời những bác học như Fourier, Ampere, Cauchy, Laplace… tham gia giảng dạy.

Nhân tài là nguyên khí quốc gia mà, một đất nước phát triển được hay không là nhờ hệ thống giáo dục.  Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… họ phát triển được như ngày nay cũng do họ có tầm nhìn xa về giáo dục.

Muốn vào được được GE phải qua giai đoạn chuẩn bị (Classe préparatoire) 2 năm rồi sau đó phải qua 1 kỳ thi (Concours) rất khó. Đối với các GE, vào rất khó nhưng ra rất dễ. Chuyện kể rằng thời đó Evariste Galois đã 2 lần trượt Concours vào X. Mình rất thích hệ thống GE của Pháp vì làm việc với các kỹ sư đã học GE nổi tiếng như (Polytechnique, Centrale Paris, Mines Paris, ENPC…) thấy có sự khác biệt rất lớn so với học UNIV bình thường. Cái gì cũng có giá của nó, học phí rẻ như bèo như hiện nay và đầu vào dễ thì không thể có chất lượng cao nhất được ở các trường UNIV bình thường ở Pháp. Nếu các bạn có khả năng thì nên tìm hiểu hệ thống GE của Pháp, vào được GE thì rất tuyệt vời, tốt nghiệp ra trường là có thể làm được việc lớn, không ít nhất cũng sẽ là những kỹ sư, nhà quản lý… giỏi.

Nước Pháp hay lắm các bạn ah, thế mới có bộ film (Vive la France) kể chuyện mấy anh khủng bố muốn đánh bom tháp Eiffel, nhưng rồi phải từ bỏ ý định sau khi đi từ miền Nam Pháp đến Paris vì : nước Pháp quá đẹp, rượu vin và đồ ăn Pháp quá ngon và hơn nữa gái Pháp quá nóng bỏng !

Túm lại là 3000euros không là gì cả, kiếm cái quốc tịch Pháp mới là thứ quan trọng nhất. Nhiều khi phải biết thả con săn sắt bắt con cá voi chứ. Trên con đường chúng ta đi bây giờ nhiều mây mù sương khói che lấp tầm nhìn, nên cần phải có tầm nhìn xa và rộng. Không biết các ngành khác thế nào chứ riêng ngành xây dựng của mình, người VN có mặt khắp nơi từ công trường xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đến vị trí giáo sư ở các trường nổi tiếng tại Pháp.

Hi vọng mấy dòng này giúp các bạn hết băn khoăn và có sự lựa chọn đúng.

Thái Hải (SSDH) – Theo: Viet Lecoq

Share.

Leave A Reply