Nhân tài Việt hội ngộ bất ngờ trên “sân đấu” ISEF 2012

0

SSDH – Nhóm học sinh Việt Nam đã trải qua những ngày không thể quên tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) 2012. Các em đã có dịp gặp gỡ với hàng nghìn bè bạn đến từ khắp năm châu, trong đó có cả những người đồng bào mang dòng máu Việt.

 

nhan-t-viet-hoi-ngo-bat-ngo-tren-san-dau-isef-2012

Nhóm học sinh Việt Nam (từ trái qua: Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh, Trần Bách Trung) giới thiệu công trình cho khách tham quan tại ISEF 2012, đang diễn ra ở Mỹ.

 

Cùng nhau đối mặt thử thách

 

Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Vinh đã làm quen với Vũ Mai Anh, cô bạn đến từ bang Texas, Mỹ, người đoạt giải Nhất lĩnh vực Hóa học cùng hai giải phụ của năm ngoái (ISEF 2011); Bùi Ngọc Hân, đến từ bang Georgia, Mỹ; cùng một số bạn bè gốc Việt khác. Họ tíu tít hỏi han, chia sẻ với nhau về việc học, sự say mê và cả những thách thức gặp phải khi nghiên cứu khoa học, cũng như về cuộc sống ở Việt Nam và Mỹ…

 

Có thể nói, nước ngọt đang là một vấn đề hết sức cấp thiết của nhân loại, trong khi nguồn nước biển lại rất sẵn. Chính vì vậy mà tại ISEF 2012, ngoài công trình của nhóm Việt Nam còn có khá nhiều công trình khác cũng mang đề tài xử lý nước mặn thành nước ngọt. Tuy nhiên, Trung, Trang và Vinh tự tin khẳng định mình là những người đầu tiên tiếp cận việc này bằng kỹ thuật áp suất thấp và năng lượng mặt trời.

 

Thử thách dành cho các bạn chưa kết thúc, dù tất cả đã phải trải qua cả một ngày 16/5 mệt phờ để thuyết trình và giải đáp những câu hỏi mà ban giám khảo đưa ra. Trung cho biết, các em phải trả lời lần lượt tổng cộng hơn 10 vị giám khảo, trong đó có những vị đưa ra những câu hỏi khá hóc búa. Tuy nhiên, chính nhờ sự tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu như vậy mà các em đã vỡ ra thêm nhiều điều, và có thêm nhiều ý tưởng để phát triển công trình của mình tốt hơn.

 

Sang ngày 17/5, các thí sinh lại tiếp tục phải túc trực ở gian trưng bày của mình cả ngày để đón tiếp công chúng, giới khoa học, đại diện các ngành công nghiệp, nhà đầu tư, và báo giới. Quầy của nhóm Việt Nam liên tục đón khách tham quan đến từ nhiều nước, và thông qua những trao đổi ở nhiều khía cạnh, với những góc nhìn đa dạng như vậy, các em ngày càng trở nên tự tin hơn, nắm rõ vấn đề hơn, và hình thành thêm nhiều hướng đi mới cho tương lai. 

 

nhan-t-viet-hoi-ngo-bat-ngo-tren-san-dau-isef-20122

Vũ Mai Anh, người đoạt giải nhất lĩnh vực Hóa học năm 2011, tiếp tục dự thi năm nay.

 

Gặp lại Mai Anh

 

Vũ Mai Anh tỏ ra rất vui mừng khi gặp lại người đã phỏng vấn và đưa tin về em tại ISEF năm ngoái. Em cho biết lần này dự thi với tư cách cá nhân, do người anh họ – Nguyễn Quốc Bảo, đã tốt nghiệp trung học và vào đại học. Năm nay, Mai Anh tiếp tục mở rộng nghiên cứu mà hai anh em đã theo đuổi trước đó theo hướng phát triển một kỹ thuật có hiệu quả cao và chi phí thấp để xác định giới hạn lượng tử của chất “siêu xúc tác” mà các em đã tạo ra, từ đó mang lại hiệu quả tuyệt đối cho chất này. Dựa vào sự đánh giá rất cao của ban giám khảo năm ngoái đối với công trình này, có thể dự đoán Mai Anh sẽ tiếp tục gây nên tiếng vang tại ISEF năm nay.

 

Người viết cũng gặp lại chị Nguyễn Nghiêm, mẹ của Mai Anh, và lần này được gặp thêm cả anh Vũ Lân, chồng chị, một người đã lấy bằng Tiến sĩ Vật lý tại Mỹ và sau đó mở công ty phần mềm riêng. Niềm tự hào cũng như sự quan tâm, chăm sóc tận tình của anh chị dành cho cô con gái thật đặc trưng truyền thống Việt, dù giữa nước Mỹ sôi động và bộn bề công việc.

 

Anh Lân “bật mí” rằng chính mình, khi còn là học sinh trung học tại Mỹ cách đây hơn 20 năm, đã dự thi ISEF hai lần và cả hai lần đều đoạt giải. Với kinh nghiệm đó, anh đã nhiệt tình góp ý, đưa ra những lời khuyên bổ ích cho nhóm học sinh Việt Nam trong việc dự thi ISEF cũng như trong bước đường phát triển sự nghiệp sau này. Theo anh Lân, ISEF đem lại những giá trị hết sức thực chất và quý giá cho tất cả những người tham gia, dù đoạt giải hay không, vì đại đa số những người lọt tới vòng chung kết sau đó đều theo đuổi thành công con đường nghiên cứu để lấy bằng tiến sỹ, trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, hoặc vận dụng những kiến thức, phát minh của mình vào các ngành công nghiệp, tạo ra giá trị kinh tế cho bản thân và toàn xã hội. 

 

nhan-t-viet-hoi-ngo-bat-ngo-tren-san-dau-isef-20123

Bùi Ngọc Hân, cô gái có sự quan tâm đặc biệt tới lúa gạo.

 

Những người Việt đầy tài năng

 

Tham dự ISEF lần này còn có những cái tên Việt Nam khác như Nguyễn Cao Thùy Duyên đến từ bang Arizona, Kevin Anh Nguyễn từ Texas, Vanna (Nga) Hovanky từ Texas… Một công trình có chủ đề rất “dân dã” là “Dùng gạo để thúc chín củ, quả”, với một cái tên cũng rất thuần Việt: Bùi Ngọc Hân, đã thu hút sự chú ý của không ít người Châu Á.

 

Hân cho biết em cùng gia đình sang Mỹ từ năm 2 tuổi và hiện sống ở bang Georgia. Em cho biết ý tưởng đến từ chính việc quan sát mẹ mình thường cho củ quả xanh vào thùng gạo để chúng chín nhanh hơn, và mẹ bảo đó là cách làm truyền thống dựa trên kinh nghiệm dân gian từ nhiều đời nay. Hân rất thích thú và đã bỏ công nghiên cứu những phản ứng hóa học của cách làm này, bước đầu tạo ra một phương pháp làm chín củ quả một cách tự nhiên, rẻ tiền và an toàn, thay thế các chất hóa học độc hại. Em hy vọng sẽ có thể hoàn thiện nghiên cứu của mình và được tạo điều kiện để đưa phát kiến này vào ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở những nước có sẵn nguồn gạo.

 

Tối 17/5 (giờ địa phương, tức sáng 18/5 giờ Việt Nam), ISEF 2012 sẽ xướng tên hàng trăm giải đặc biệt do hàng chục cơ quan chính phủ các nước, các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp… trao tặng. Sau đó, sáng 18/5 (giờ địa phương, tức tối 18/5 giờ Việt Nam), lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Pittsburgh, Mỹ. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các giải thưởng.

 

Tuấn Anh

(Từ Pittsburgh)

Share.

Leave A Reply