SSDH – Kiến thức thực tế và lý thuyết sách vở khác xa nhau. Bạn hãy tập cho mình thói quen thu nhận kiến thức bằng mọi giác quan, tìm hiểu thế giới bên ngoài và cảm nhận để việc học trở nên thú vị hơn.
Tạo hóa đã ban tặng cho con người các giác quan là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác để cảm nhận thế giới xung quanh. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, đứng nhìn chăm chú một vật gì đó gần như là một việc “lãng phí” thời gian. Dường như, chúng ta đã lãng quên những công cụ học tập hữu hiệu nhất để dành hết thời gian ngồi trong phòng học làm bài tập hoặc vùi đầu vào sách vở, tài liệu. Kiến thức thực tế và lý thuyết sách vở khác xa nhau.
Bạn hãy tập cho mình thói quen thu nhận kiến thức bằng mọi giác quan, tìm hiểu thế giới bên ngoài và cảm nhận để việc học trở nên thú vị hơn.
Học tập bằng thị giác
Hãy bắt đầu quan sát sự vật xung quanh bằng đôi mắt. Những người giỏi giang thường biết cách quan sát sự vật xung quanh. Bạn không thể trở thành một nhà động vật học được cả thế giới biết đến nếu bạn không yêu thích quan sát động vật. Bạn không thể biết được tắc kè có thể đổi màu, cá heo có thể hiểu được tiếng người,… Tất nhiên, bạn có thể đọc được những thông tin đó từ sách vở, nhưng mọi kiến thức đều được xuất phát từ thực tế.
Nếu từ trước đến nay bạn không giành thời gian quan sát thì làm sao có thể hiểu được những sự vật xung quanh một cách đúng đắn. Tại sao bạn phải gò bó bản thân trong những trang sách khô khan mà không mở rộng tầm mắt để tận hưởng niềm vui thích học tập.
Nếu bạn muốn viết văn tốt thì đầu tiên phải học cách quan sát. Nếu cả ngày nhốt mình trong phòng mà không tiếp xúc với tự nhiên, bạn sẽ không có kinh nghiệm đồng thời cảm hứng sáng tạo ngày càng thui chột. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đi chơi, ngắm đường phố, tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tiếp xúc với nhiều người để rèn luyện khả năng quan sát. Tham gia nhiều hoạt động đó, dần dần bạn sẽ có cảm hứng sâu sắc với sự vật xung quanh.
Đôi mắt giống như một chiếc máy ảnh nhỏ giúp bạn khắc ghi những gì bạn nhìn thấy vào trong não. Vì thế bạn hãy học cách sử dụng đôi mắt để ghi lại thật nhiều kiến thức.
Lắng nghe để thu nhận kiến thức
Lắng nghe là một cách quan trọng để thu nhận kiến thức. Đôi khi tự đọc và quan sát thực tiễn không có được tác dụng nếu như bạn không nghe. Bạn cần học cách lắng nghe để nắm bắt được tư tưởng và quan điểm của người khác cùng với các thông tin mà họ muốn truyền đạt. Có như vậy việc nghe giảng của bạn mới đạt hiệu suất cao.
Một cách để nâng cao khả năng lắng nghe của bạn đó là chăm chỉ ghi chép trong khi nghe giảng. Hãy tập trung nghe giảng và ghi chép những thông tin thu nhận được bằng lời văn của chính bạn. Rèn luyện để thu được những điều cốt lõi trong bài giảng.
Học bằng các giác quan khác
Vị giác, khứu giác, xúc giác đều có thể giúp bạn học tập hiệu quả. Bạn hãy vận dụng triệt để mọi giác quan trên cơ thể để làm sống động thông tin. Bạn có thể dùng mũi để ngửi mùi vị của các chất hóa học mỗi khi làm thí nghiệm. Bạn có thể dùng đầu lưỡi nếm vị ngọt của đường, vị mặn của muối. Dùng xúc giác để cảm nhận mọi vật xung quanh.
Trong khi học, chúng ta cần sử dụng cả năm giác quan để có hiệu quả tốt nhất. Sau khi đọc cẩn thận nội dung của bài viết này, chắc hẳn bạn đã tự tìm cho mình một cách để vận dụng cả năm giác quan để việc học trở nên hiệu quả và thú vị hơn. Hãy học tập giống như Helen Keller: “Hãy sử dụng đôi mắt, giống như ngày mai sẽ bị mù. Lắng nghe âm nhạc huyền diệu mà các âm thanh phát ra, tiếng hót của chim non, âm hưởng của đội nhạc, giống như ngày mai sẽ bị điếc. Hãy sờ vào những đồ vật mà bạn muốn sờ, giống như ngày mai sẽ mất đi cơ hội được chạm vào đó. Ngửi hương thơm của các bó hoa, hưởng thụ mùi vị của thức ăn thơm phức, giống như khứu giác và vị giác ngày mai không còn tồn tại nữa.”
Mỗi giác quan đều giúp ta tiếp thu kiến thức bằng những cách khác nhau, quan trọng bạn phải xác định được các giác quan đó nó thực hiện vào những lúc nào, hoạt động như thế nào, chủ động hay bị động và sử dụng chúng như thế nào để đạt được kết quả cao.
Hồng Hà(SSDH) – Theo Dtu