SSDH – Khung giờ chuẩn để bắt đầu một ngày mới dành cho các lứa tuổi ví dụ như trẻ 10 tuổi nên bắt đầu đi học vào lúc 8h30 hay sinh viên nên bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng.
Ảnh minh họa
Tiến sỹ Paul Kelley làm việc tại đại học Oxford (Anh) là một chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về giấc ngủ. Ông cho biết nếu những người dưới 55 tuổi đi làm từ sớm (trước 9h sáng) thì họ sẽ phải chịu đựng tình trạng căng thẳng và mệt mỏi không khác gì bệnh thiếu ngủ.
Thậm chí, ông còn nhấn mạnh là thanh thiếu niên trong nhóm tuổi 14 đến 24 đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc đi làm, đi học từ quá sớm.
Tiến sỹ Kelley đã chỉ ra những khung giờ chuẩn để bắt đầu một ngày mới dành cho các lứa tuổi ví dụ như trẻ 10 tuổi nên bắt đầu đi học vào lúc 8h30 hay sinh viên đại học 18 tuổi nên bắt đầu ngày mới vào lúc 11 giờ sáng.Lý do của việc điều chỉnh khung giờ hoạt động này là chúng ta ngày càng thức muộn hơn để làm việc.
Lấy bản thân làm dẫn chứng, ông cho biết mình thường thức khuya để làm việc tới tận 2-3 giờ sáng nên sáng hôm sau không thể dậy sớm để bắt đầu đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều được. “Vì sau khi bộ não hoạt động căng thẳng thì nó cũng cần nghỉ ngơi và việc dậy sớm sẽ ngăn cản việc này, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu ngủ”, ông nói.
Để chứng minh cho lý thuyết này, ông thực hiện một cuộc thử nghiệm có tên Teensleep.
Paul Kelley và các đồng nghiệp cũ trường trung học Monkseaton – nơi ông từng công tác chọn ra 100 học sinh 16 tuổi có thành tích học tập tương đương nhau và chia làm 2 nhóm: nhóm đi học sớm như giờ chuẩn quy đi lúc 8h30 và nhóm đi học vào khung giờ mới: 10h sáng.
Các học sinh được học một số môn nhất định, giống nhau trong vòng 1 tháng trước khi tham gia một kỳ thi sát hạch.
Kết quả thu được đã khiến nhiều người bất ngờ: toàn bộ nhóm học sinh đi học vào lúc 10h sáng có kết quả kiểm tra tốt hơn khoảng 10% so với nhóm còn lại, ngoài ra các em cũng không có những biểu hiện bị thiếu ngủ hay căng thẳng khi làm bài như các em đi học sớm.
Sau đó, chương trình sinh hoạt Teensleep đã được áp dụng ở hơn 20 trường khác nhau và kết quả thu được đã chứng minh lý thuyết của tiến sỹ Kelly và các đồng nghiệp là hoàn toàn đúng đắn.
Trước đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng từng chỉ ra rằng thức dậy sớm không đồng nghĩa với việc sẽ có một sức khỏe tốt. Những người thành đạt sống có tổ chức nhất cũng không nghĩ rằng việc dậy sớm là một yếu tố quyết định cho sự thành công.
Bác sĩ Leng Poh Hock, một chuyên gia tư vấn thuộc Khoa Y của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng chất và lượng của giấc ngủ quan trọng hơn giờ giấc thức dậy.
Bác sĩ Leng nói rằng chất của giấc ngủ chỉ tốt hơn khi nó tuân thủ theo một ngày sinh hoạt mẫu mực, nghĩa là ngủ vào ban đêm và thức dậy vào ban ngày.
Giấc ngủ tốt nhất là giấc ngủ không bị gián đoạn và được hợp thành từ giấc ngủ chủ động (hoạt động của não bộ giảm đi, người ta có những giấc mơ) và giấc ngủ sâu (não bộ được nghỉ ngơi và sự trao đổi chất trong cơ thể ở mức thấp).
Nghiên cứu cho thấy, đối với những người phải ngủ ban ngày (như những công nhân làm việc ca đêm), chất lượng của giấc ngủ không tốt bằng giấc ngủ ban đêm. Trong khi thực tế cho thấy giờ giấc thức dậy không quan trọng lắm thì sự trường thọ có liên quan đến giấc ngủ dài.
Theo bác sĩ Yap Hwa Ling tại Bệnh viện Đa khoa Changi, Singapore, người trưởng thành nói chung cần ngủ sáu hoặc tám tiếng. Trẻ em dưới bảy tuổi ngủ nhiều hơn. Trẻ sơ sinh có thể ngủ đến 15 tiếng hay nhiều hơn nữa.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng việc sống lâu liên quan với giấc ngủ kéo dài bảy hoặc tám tiếng. Những người ngủ ít hơn bốn tiếng hay nhiều hơn chín tiếng có nguy cơ tử vong cao hơn vì đột quỵ, ung thư hay đau tim.
Tất cả những điều trên có nghĩa là việc thức dậy sớm khi bạn ngủ chưa đủ thì có hại hơn là có lợi cho sức khỏe. Song cá biệt cũng có những người “sống” tốt hơn vào những giờ giấc khác nhau trong ngày.
Nguồn: Khám phá