Kinh nghiệm xin việc từ Việt Nam và qua Pháp làm việc

0

SSDH – Bạn có biết rằng, dù bạn có biết tiếng Pháp hay không, hay dù bạn chưa từng học ở Pháp, thì bạn vẫn có thể xin việc trực tiếp từ Việt Nam và sau đó qua Pháp làm việc?  Làm thế nào? Hãy tìm hiểu cùng SSDH.

phongvanxinviec

Để sang Pháp làm việc nếu nộp hồ sơ từ Việt Nam bạn sẽ có một vài cách. Có bạn sẽ đăng kí vào một chương trình học tại Pháp (thường là Master), và sau khi hết thời gian học thì bạn ở lại xin việc như bình thường.

Tuy nhiên, vẫn có cách khác để sang Pháp làm việc mà không thông qua việc đi học. Trong phạm vi của bài viết này, mình sẽ đề cập đến hình thức trực tiếp nộp hồ sơ để sang Pháp làm việc với những câu chuyện từ những người thật việc thật và cả hai nhân vật đều đang làm việc tại Việt Nam trong quá trình xin việc tại Pháp.

  • Trường hợp 01: Quy trình quay trở lại Pháp làm việc cho người đã từng học tại Pháp và đang ở Việt Nam
  • Trường hợp 02: Quy trình sang Pháp làm việc của một người không biết tiếng Pháp, và không có bằng do Pháp cấp.

Lĩnh vực làm việc và một số ví dụ cụ thể được nhắc đến trong bài đều được lấy từ góc nhìn của ngành CNTT nhưng mình nghĩ với các ngành khác thì quy trình cũng sẽ chia sẻ nhiều điểm tương tự. Phần này sẽ viết về Trường hợp 01 dành cho những cựu du học sinh Pháp có mong muốn quay trở lại làm việc ở Pháp. Kinh nghiệm thì chính từ bản thân tớ luôn à.

1. Chuẩn bị hồ sơ

Trước khi bắt đầu quá trình tìm việc tại nước ngoài, bạn nên chuẩn bị cho mình một bộ hồ sơ online thật tốt. Vì bạn phỏng vấn xin việc từ xa nên vòng lọc hồ sơ là cực kỳ quan trọng. Một bộ hồ sơ online nổi bật sẽ là điểm cộng cực kỳ lớn giúp bạn khác biệt với các ứng viên khác. Một điểm quan trọng hơn nữa, việc luôn luôn có trong tay một bộ hồ sơ chỉn chu, sẵn sàng sẽ giúp bạn chủ động trong mọi tình huống và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội tìm việc nào trong bước 2 tiếp theo.

Nếu bạn làm trong ngành IT thì bạn có thể tham khảo bộ hồ sơ online của tớ tại thời điểm xin việc sang Pháp như sau:

  • 01 bộ hộ sơ chuẩn (tối giản về thiết kế, màu sắc) như đi xin việc bình thường. Hồ sơ lúc này chỉ bao gồm CV, thư xin việc (lettre de motivation), bằng cấp và các chứng chỉ được dịch ra tiếng Anh (tiếng Pháp thì càng tốt)
  • 01 hồ sơ trên trang web linkedin.com, trên đó có đính kèm CV cập nhật. Trên nền tảng này hiện có rất nhiều công ty hỗ trợ easy apply. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có một bộ hồ sơ cập nhật, và nếu công việc đó là phù hợp với bạn thì toàn bộ quá trình apply chỉ nằm trong 1 cú click chuột.
  • 01 tài khoản trên trang stackoverflow.com. Tại thời điểm làm hồ sơ, tài khoản của tớ đã có 5000 điểm và 6 huy chương vàng.
  • 01 tài khoản trên nền tàng freelancer (Freelancer, Fiverr, Upwork…) có rating và review tốt. Do đang làm freelancer tại Việt Nam nên ở thời điểm đó tớ có tài khoản rating rất cao trên freelancer.com.

Đối với ngành IT thì ngoài Linkedin ra, các tài khoản khác đều chỉ là điểm cộng. Bạn không bắt buộc phải có, nhưng nếu có thì xác suất mà nhà tuyển dụng chấp nhận hồ sơ của bạn từ xa là cao hơn.

Đối với các bạn ngoài ngành IT, một bộ hồ sơ chuẩn có thể phải tuân theo các đặc thù ngành khác nhau. Để có được bộ hồ sơ tốt nhất cho ngành mà bạn đang làm,  mình khuyên bạn nên tham khảo kinh nghiệm của các anh chị, bạn đi trước cùng ngành. Còn nếu bạn cũng làm trong ngành IT, thì bạn có thể inbox mình nhé!

2. Tìm Việc

Sau khi đã có một bộ hồ sơ tốt với CV đã được cập nhật, bước tiếp theo của bạn sẽ là đi tìm việc. Hiện tại, một số nền tảng để tìm việc từ xa tại Pháp bao gồm:

Nhiệm vụ của bạn là subscribe và nhận thông báo từ các nền tàng tìm việc trên. Trong lĩnh vực IT thì LinkedIn và Stackoverflow là hai nguồn tìm việc phong phú nhất. Tuy nhiên, dù có là ngành nào thì bạn cũng nên đặc biệt chú ý tới những công việc hỗ trợ relocation hoặc visa sponsor. Đây là những công việc mà nhà tuyển dụng sẵn sàng tuyển và đảm nhận việc làm hồ sơ cho bạn. Dưới đây là một thông báo tuyến dụng ngẫu nhiên mà mình mở ra tại thời điểm viết bài, bạn có thể thấy:

  •  Visa Sponsorship
  •  Relocation Assistance
  • Profile yêu cầu: Java Backend Engineer
  • Địa điểm: Amsterdam – Không sao, chỉ là ví dụ mà mình tìm nhanh thôi mà

Công việc có hỗ trợ Visa và Relocation

Nếu bạn chịu khó tìm kiếm, bạn có thể thấy vô vàn yêu cầu tuyển dụng tương tự như vậy xung quanh bạn mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra ở đây là – liệu bạn đã sẵn sàng ra nước ngoài làm việc ?

Hãy mở rộng phạm vi tìm kiếm công việc, bạn hãy tìm việc thông qua bạn bè và người thân. Nếu bạn có bạn đang đi làm bên Pháp, tại sao không thử nhờ liên hệ xem công ty bạn ấy có cần người không? Về cơ bản, các công ty tuyển dụng rất thích người ngoại quốc do quỹ lương thấpít yêu cầu hơn người bản xứ. Tuy nhiên họ cũng ngại tuyển vì các vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ.

Vậy thì làm sao bạn có thể tạo ra sự khác biệt? Hãy cho họ thấy được bạn là người:

  • Có năng lực (mà hồ sơ và các tài khoản online đóng vai trò rất lớn)
  • Có yêu cầu về lương thấp hơn người bản xứ (thông thường, để xin việc trực tiếp sang Pháp thì bạn sẽ phải chấp nhận việc này trong thời gian đầu)
  • Và quan trọng nhất, có thể qua Pháp trong vòng dưới 04 tháng thì họ sẽ không ngần ngại tiếp tục với hồ sơ của bạn đâu. 04 tháng – là khoảng thời gian trung bình ở Pháp để một người nghỉ việc ở công ty cũ và chuyển sang công ty mới.

Ngay khi tìm thấy một yêu cầu tuyển dụng phù hợp, chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo: (Rải) nộp hồ sơ đã chuẩn bị tốt trong bước 01.

3. Nộp Hồ Sơ và Phỏng Vấn

Nộp hồ sơ

Với job offer phù hợp trong tay, bước tiếp theo là nộp hồ sơ mà bạn đã chuẩn bị kỹ ở bước thứ 01. Do bộ hồ sơ đã sẵn sàng nên việc nộp hồ sơ tại bước này tốn rất ít thời gian. Với việc đã Subscribe và cài đặt nhận thông báo ở bước trước, công việc của bạn lúc này chỉ là quay vòng của ba bước:

  1. Nhận thông báo qua mail từ một nền tảng tìm việc
  2. Lọc và lựa chọn offer
  3. Chỉnh sửa lại và nộp hồ sơ.

Phỏng vấn

Nếu hồ sơ của bạn ổn, công ty sẽ liên hệ hẹn lịch phỏng vấn. Khi thử rồi bạn sẽ thấy, có rất nhiều công ty đang tìm bạn đó! Ngoại trừ việc phỏng vấn diễn ra online thì quy trình chẳng có gì thay đổi so với các buổi phỏng vấn bình thường khác, bạn vẫn phải chuẩn bị kỹ lưỡng và chứng minh mình phù hợp với yêu cầu của họ. Bên cạnh các kỹ năng ra, bạn luôn phải nhấn mạnh một điểm rất quan trọng, đó là bạn sẽ tự lo được phần lớn thủ tục hành chính và có mặt ở Pháp trong vòng 04 tháng – tất nhiên là nếu bạn được nhận

Do phỏng vấn từ xa nên bạn sẽ trải qua nhiều vòng phỏng vấn hơn với nhiều bên liên quan. Điều này cũng là dễ hiểu khi họ muốn kiểm tra bạn kỹ lưỡng hơn khi không được gặp trực tiếp bạn.  Một số hình thức phỏng vấn phổ biến sau có thể được sử dụng:

  • Làm bài test online – Thường được sử dụng trong vòng đầu, bên tuyển dụng sẽ cung cấp cho bạn một đường link để làm bài test. Nhiệm vụ của bạn là làm bài test với kết quả tốt nhất.
  • Phỏng vấn với phần mềm tự động – Thường được sử dụng trong vòng đầu. Phần mềm máy tính sẽ đưa ra các câu hỏi và nhiệm vụ của bạn là phải trả lời các câu hỏi trên trong thời gian quy định với Webcam được bật. Sau khi kết thúc các câu hỏi, hệ thống sẽ tự động lưu video của bạn và lưu vào bộ hồ sơ phỏng vấn. Tớ không thấy hình thức phỏng vấn này trong ngành IT. Tuy nhiên một số người bạn làm việc trong ngành kinh tế có kể đã trải qua hình thức này.
  • Phỏng vấn trực tiếp với người (qua điện thoại hoặc video) – Được sử dụng ở các vòng sau. Bạn sẽ nói chuyện với các bên liên quan như bên nhân sự, quản lý team mà bạn sẽ apply vào…. Bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ vì họ sẽ hỏi bạn rất nhiều câu hỏi chuyên môn sâu cũng như kinh nghiệm làm việc cụ thể đấy nhé.
4. Làm Hồ Sơ với đại sứ quán Pháp tại Việt Nam – Visa Passport Talent

Nếu trải qua phỏng vấn suôn sẻ và được nhận, bạn cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ nộp lên Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (ĐSQ). Thông thường với profile là cựu du học sinh, hồ sơ của bạn sẽ được xét duyệt dưới dạng Passport Talent. Bạn có thể tìm thấy thông tin khá đầy đủ về bộ hồ sơ làm Passeport Talent trên service-public.fr. Tuy nhiên, tớ khuyên bạn nên viết mail thẳng đến đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để có được thông tin đầy đủ và chi tiết hơn. Dưới đây là mail mà bên ĐSQ hướng dẫn tớ tại thời điểm tớ làm hồ sơ xin Passport Talent:

MailDsq-ink-ink

B4 – Chuẩn bị hồ sơ cho ĐSQ Pháp tại Việt Nam

Lưu ý: Trong hồ sơ xin việc thì tài liệu có thể bằng tiếng Anh, còn trong hồ sơ cho ĐSQ, tất cả giấy tờ cần phải được dịch sang tiếng Pháp. 

Nộp bộ hồ sơ này lên TLScontact cũng là lúc quá trình nộp hồ sơ bên phía Việt Nam đã hoàn thành. Nào mình cũng đợi kết quả bạn nhé!

Trung bình thì sau khoảng 2 đến 4 tuần làm việc bạn sẽ nhận được mail từ bên TLS lên lấy kết quả. Toàn bộ quá trình nộp hồ sơ xin visa của mình tại Việt Nam chỉ kéo dài 10 ngày. Có thể do trước đây hồ sơ làm nhanh hơn, nhưng mình nghĩ sẽ không có một sự thay đổi quá nhiều về mặt thời gian so với hiện tại. Hồ sơ được trả về là hộ chiếu được dán tem visa ngắn hạn 03 tháng. Sau khi sang Pháp, bạn cần phải tiếp tục lên Prefecture nơi cư trú để hoàn thành thủ tục cấp titre de séjour.

MaiDsq2-ink-1024x973

Thư hướng dẫn của ĐSQ

5. Sang Pháp và hoàn thiện hồ sơ – Carte de Séjour Passport Talent

Ngay sau khi sang Pháp và ổn định cuộc sống bạn cần phải liên lạc đặt hẹn với  Prefecture nơi sinh sống để làm thủ tục xin titre de séjour (thẻ cư trú). Tùy theo nơi bạn ở mà các yêu cầu về giấy tờ có khác nhau một chút, bạn nên viết mail hỏi họ để có thêm thông tin cụ thể. Trong trường hợp của tớ, bộ hồ sơ xin titre giống tới 90% bộ hồ sơ trong bước thứ ba, bạn có thể tham khảo những giấy tờ mà họ yêu cầu tớ nộp dưới đây. Ngoài ra, họ còn yêu cầu xem giấy khai sinh và bằng đại học bản gốc của tớ. Vì vậy, khi sang Pháp bạn nhớ mang theo hai giấy tờ này nhé.

Prefecture1-ink-ink-768x1024Những giấy tờ mà tớ phải nộp tại Préfecture

Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được récépissé trong thời gian chờ đợi titre. Đây cũng chính là bước cuối cùng trong toàn bộ quá trình xin việc từ Việt Nam sang Pháp của bạn. Với tớ, toàn bộ quá trình bên Việt Nam kéo dài 01 tháng, thời gian đợi titre bên Pháp là 03 tháng trước khi tớ nhận được titre de séjour 04 năm – Passport Talent.

6. Lưu ý lại các điểm quan trọng:
  • Hồ sơ cho công ty có thể bằng tiếng Anh, nhưng hồ sơ cho ĐSQ hay Prefecture bắt buộc phải bằng tiếng Pháp
  • Phải mang bản gốc của giấy khai sinh, bằng đại học
  • Và cuối cùng, bạn phải kiên thì và không được nản nhé. Mình xin để tấm ảnh huyền thoại của sân bay CDG này như là một lời động viên cho bạn nhé – Paris Vous Aime, comme toujours

SSDH (Theo wikiparis)

Share.

Leave A Reply