Các tỉnh thành lên phương án tuyển sinh lớp 10 ra sao?

0

SSDH – Một số tỉnh thành đã lên các phương án cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 diễn ra đầu tháng 6 năm nay để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Trong khi đó, một số địa phương khác vẫn đang theo dõi chặt tình hình dịch bệnh và đưa ra các “kịch bản” sớm để thí sinh, phụ huynh chủ động.

phuong-an-thi-lop-10

Phụ huynh, giáo viên mong thi sớm

“Tôi rất lo lắng và mong đến ngày 2, 3-6 để con tôi thi tuyển vào lớp 10. Nếu có thể được, Sở GD-ĐT TP.HCM cho các cháu thi ngay trong tháng 5 vì sang tháng 6 tôi sợ dịch bệnh lại phức tạp hơn” – bà Nguyễn Thị Thu Uyên, phụ huynh học sinh lớp 9 ở TP Thủ Đức, TP.HCM, bày tỏ.

Bà Uyên phân tích: “Tôi không muốn kỳ thi bị dời vì kéo dài thêm ngày nào là thêm lo lắng cho học sinh và phụ huynh. Tôi cũng là người công tác trong ngành giáo dục nên tôi biết chúng ta không thể tổ chức thi trực tuyến nếu dịch bệnh bùng phát. Bởi trình độ, kỹ năng sử dụng máy tính của học sinh các quận, huyện là khác nhau. Các em thao tác chậm hơn bạn đã là thiệt thòi rồi. Do đó, tốt nhất là thi sớm và kết thúc sớm nhất có thể…”.
Tương tự, nhiều giáo viên lớp 9 cũng cho rằng kỳ thi vào lớp 10 nên tổ chức sớm để tránh dịch bệnh.

“Đây là kỳ thi nhằm tuyển chọn học sinh đủ năng lực vào học tiếp chương trình THPT nên không thể bỏ thi. Vì bỏ thi các trường THPT sẽ rất khó xét tuyển vào lớp 10. Việc tổ chức thi vào lớp 10 sớm hơn dự kiến tuy có hơi cập rập nhưng tôi cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kỳ thi. Bởi trước đó, học sinh lớp 9 đã được ôn tập chương trình học kỳ 2 để đáp ứng cho đợt kiểm tra cuối học kỳ.

Bắt đầu từ ngày 10-5, chúng tôi tiếp tục ôn tập chương trình lớp 9 cho học sinh, chủ yếu là hệ thống lại kiến thức cho các em chứ thời điểm này có luyện thi cũng không kịp” – thầy Q., giáo viên ở Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết.
Ngoài ra, một giáo viên môn văn ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: “Thời điểm này nếu ôn thi trực tiếp thì mới mong đạt hiệu quả cao. Việc ôn tập từ xa chỉ mang tính chất “được chăng hay chớ” và chỉ hiệu quả đối với những học sinh có tinh thần tự học cao. Tôi cho rằng muốn thi cử đạt kết quả tốt thì học sinh phải học nghiêm túc ngay từ đầu năm học. Bây giờ chỉ còn ba tuần nữa là thi, chỉ đủ thời gian hệ thống lại kiến thức chứ không thể học lại từ đầu”.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Bình – phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM – lại cho rằng: “Việc tổ chức thi ngày 2 và 3-6 vẫn có thể tiến hành nhưng cần đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch. Trong đó, các đối tượng học sinh thuộc diện F1, F2, F3 (nếu có) cần được cách ly và thi vào một thời gian khác sau ngày 3-6. Dĩ nhiên, ban ra đề cũng nên xem xét để tính toán ma trận đề đối với những học sinh này cho phù hợp bởi các em không được thi chung với các bạn mình là rất dễ bị xáo trộn tâm lý”.

Hà Nội: đang trình phương án

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Đại – phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội – cho biết sở đang báo cáo UBND TP xin ý kiến về phương án thi lớp 10 trong tình huống dịch COVID-19 phức tạp. Việc có điều chỉnh phương án thi hay không sẽ phải chờ UBND TP Hà Nội đồng ý.
Ghi nhận thực tế cho thấy hiện học sinh lớp 9 ở Hà Nội 100% vẫn ôn tập trực tuyến. Tâm lý đè nặng lên học sinh và nhiều phụ huynh khi Sở GD-ĐT Hà Nội chưa thông tin gì về phương án kỳ thi vào lớp 10 trong tình huống đặc biệt.

“Học sinh lớp 9 năm trước chỉ chịu ảnh hưởng của 1 đợt COVID-19. Các em phải học trực tuyến và vẫn có một khoảng thời gian trở lại trường trước khi thi nhưng TP đã điều chỉnh bỏ môn thi thứ 4 để giảm bớt gánh nặng khiến học sinh phải học dàn trải. Học sinh lớp 9 năm nay phải trải qua 3 đợt COVID-19, ngừng đến trường chuyển sang học trực tuyến.

Với tình hình hiện nay, rất có thể học sinh lớp 9 sẽ phải ôn tập trực tuyến cho tới ngày thi. Nếu Hà Nội không điều chỉnh phương án thi thì rất áp lực cho học sinh và cũng không công bằng giữa học sinh dự thi năm nay và năm 2020″ – ông Nguyễn Hoàng Hà, phụ huynh có con học lớp 9 Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng – một giáo viên có kinh nghiệm dạy học trực tuyến – cũng nói: “Học trực tuyến không thể bằng trực tiếp được giáo viên hướng dẫn, giảng giải. Trong khi đó, chất lượng dạy học online lại không đồng đều. Việc học tập của học sinh bị ngắt quãng do dịch chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia cũng đã gây xáo trộn đến kế hoạch ôn tập. Vì thế, nếu Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 trong tình thế này là hợp lý, giảm áp lực cho học sinh”.

Cùng với kiến nghị bỏ môn thi thứ 4, theo ý kiến nhiều phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở Hà Nội thì thời gian tổ chức kỳ thi này cũng nên tính toán đẩy lên sớm hơn dự kiến.
“Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nhưng chưa tới mức phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế nếu đẩy sớm lịch thi so với lịch đã định, đồng thời bỏ môn thi thứ 4 sẽ khả thi hơn là kéo dài. Cùng với đó, có phương án cụ thể tổ chức phòng thi riêng cho các thí sinh trong diện F1, F2, F3” – một hiệu trưởng ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) nêu ý kiến.

Đẩy tiến độ đăng ký dự thi

Ngày 10-5, đa số trường THCS đã thu nhận xong phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội. Trong đó, nhiều trường đã đẩy tiến độ đăng ký dự thi của học sinh lên sớm hơn lịch quy định vì lo ngại dịch bệnh phức tạp khó khăn cho việc hoàn tất thủ tục dự thi cho học sinh.

Năm nay là năm đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép học sinh được đổi nguyện vọng (sau khi công bố số lượng đăng ký dự thi của các trường). Vì thế học sinh sẽ chỉ được đăng ký 1 lần duy nhất cho các nguyện vọng 1, 2, 3 vào các trường THPT không chuyên cũng như các nguyện vọng vào khối THPT chuyên, chương trình song bằng tú tài… Nhiều phụ huynh cho biết do dịch COVID-19 ảnh hưởng nên đã giảm áp lực cho con bằng cách điều chỉnh nguyện vọng để đăng ký vào các trường vừa sức, chắc chắn đậu cao hơn.

“Mục tiêu của tôi là con đỗ nguyện vọng 1 luôn, không kéo dài nên đã điều chỉnh chọn trường vừa sức hơn. Tôi lo ngại tình hình COVID-19 học sinh phải học trực tuyến, tự ôn tập là chính nên sẽ khó khăn nếu phải cạnh tranh ở những trường quá “hot”” – một phụ huynh từ bỏ mục tiêu nguyện vọng 1 cho con vào Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) và chọn một trường ở tốp thấp hơn chia sẻ.

Một số phụ huynh có con lực học tốt, đã dự kiến tham gia thi vào nhiều trường chuyên trực thuộc các trường ĐH thì lại thay đổi, chọn cách tập trung ôn tập theo hướng ra đề của một trường chuyên và thi kỳ thi chung do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức để “giảm áp lực”, cũng là giảm bớt việc phải tiếp xúc đông người trong các đợt thi khác nhau do các trường chuyên tổ chức…

Bà Thanh Nga (phụ huynh học sinh Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội):
Kỳ thi quan trọng đầu tiên của con

Đây là kỳ thi mang yếu tố quan trọng đầu tiên của con nhưng con lại chỉ có thể học online. Việc học như thế không đảm bảo chất lượng và sát sao như ở trên lớp được. Kiến thức không đủ nên tôi phải thuê thêm gia sư kèm 1-1 cho cháu ở nhà. Giữa tình hình dịch bệnh như thế này cả phụ huynh chúng tôi và các cháu đều rất lo lắng, hoang mang.

Chất lượng tuyển sinh của các trường nên có sự hợp lý và tỉ lệ thuận với điều kiện học tập ôn luyện của các cháu trong tình hình dịch bệnh này. Tôi nghĩ không thể học thế này mà lại vẫn thi môn thứ 4 và ra đề có độ khó tương đương các năm không có dịch được. Việc bỏ môn thi thứ 4 vào lúc này tôi nghĩ là vô cùng cần thiết, thể hiện sự chia sẻ của Sở GD-ĐT Hà Nội đối với các em học sinh vào lúc này.

Thanh Hóa: 3 phương án dự thi

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT tỉnh này về 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 nhằm chủ động phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, phương án 1 vẫn thi theo lịch vào ngày 4 và 5-6. Nếu có thí sinh F2 thì sẽ được bố trí thi phòng riêng.

Phương án 2 sẽ lùi kỳ thi đến trước khi khai giảng. Phương án 3, chuyển thi tuyển thành xét tuyển (trừ Trường THPT chuyên Lam Sơn). Sau khi có kế hoạch của sở, các trường THCS và THPT đã chủ động chương trình ôn luyện thi vào lớp 10, cơ sở vật chất để tuyển sinh.

Ông Tạ Hồng Lựu – phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa – cho biết chủ tịch UBND tỉnh này đã thống nhất 3 phương án thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 như Sở GD-ĐT đề xuất. Đây là các phương án linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch COVID-19, không tạo áp lực cho giáo viên, học sinh, phụ huynh. Tùy diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối tháng 5, nếu chủ tịch UBND tỉnh đồng ý tổ chức thi vào lớp 10 bằng phương án nào, sở sẽ tổ chức theo phương án đó.

Đà Nẵng: dịch phức tạp thì nhất quyết không thi

Chiều 10-5, ông Mai Tấn Linh – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng – cho biết với quan điểm lấy sức khỏe của học sinh, người tham gia công tác thi và ưu tiên phòng chống dịch là trên hết nên việc thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng sẽ tùy thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19. Theo ông Linh, trong trường hợp nếu dịch được kiểm soát, sẽ xin ý kiến của UBND TP để an toàn mới tổ chức thi như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong trường hợp dịch còn nguy hiểm, phức tạp thì nhất quyết không tổ chức thi, dù có chậm cũng phải chấp nhận.

Ông Linh cũng cho biết các thủ tục về đăng ký dự thi lớp 10 đã sẵn sàng. Chỉ khi dịch được kiểm soát, việc thi là an toàn thì mới tổ chức thi. “Lấy an toàn cho học sinh là trên hết” – ông Linh cho hay. Ông Linh cũng cho biết đối với thi vào lớp 10 phải thi trực tiếp, không thể thi online. Các trường đã có hướng dẫn cho học sinh tự ôn tập tại nhà. Tổng số chỉ tiêu lớp 10 các trường THPT công lập là khoảng 10.700 chỉ tiêu.

Thừa Thiên Huế: tình huống xấu nhất sẽ thi nhiều đợt

Về phương án thi vào lớp 10, ông Nguyễn Tân – giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế – cho biết sở đã lên nhiều phương án để đảm bảo một kỳ thi an toàn. Theo đó nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì sở sẽ tổ chức thi như bình thường (dự kiến vào ngày 5, 6 và 7-6).

Nếu trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sở sẽ căn cứ vào từng tình huống để có thể lùi thời gian thi lại trước ngày khai giảng năm học mới. Tình huống xấu nhất dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, có trường hợp thí sinh dự thi là các F thì sở sẽ tổ chức thi vào nhiều đợt. Trong đó sẽ bố trí các phòng thi, hội đồng thi và đề thi riêng có từng nhóm thí sinh thuộc diện F1, F2…

Cần Thơ: dịch không phức tạp thì thi ngày 5-6

Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết sau khi cho học sinh tạm hoãn đến trường từ ngày 10-5 để phòng dịch COVID-19, sở lên kế hoạch ngay và hướng dẫn các trường về việc chuẩn bị cho học sinh cấp II và cấp III kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Theo đó, lãnh đạo trường sẽ tự chủ, quyết định lựa chọn hình thức tổ chức kiểm tra phù hợp theo quy định, bảo đảm việc tổ chức kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan. Do đây là hình thức kiểm tra mới nên sẽ chú trọng xây dựng đường truyền, hướng dẫn ôn tập kiến thức cho học sinh, quan trọng nhất là làm công tác tư tưởng để có sự đồng thuận từ các phụ huynh. Riêng những em học sinh khối 9 đang ôn tập tuyển sinh vào lớp 10 thì vẫn học theo thời khóa biểu, nhưng được chuyển đổi sang hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình mới.

Theo Sở GD-ĐT Cần Thơ, trên tinh thần nếu dịch không diễn biến phức tạp thì thi lớp 10 tại Cần Thơ bắt đầu ngày 5-6.

SSDH (Theo tuoitre)

Share.

Leave A Reply