Tất tần tật chuyện tiền nong du học Mỹ bậc cử nhân (phần 1)

0

SSDH – Giữa muôn vàn thông tin về chi phí du học Mỹ bạn đang tìm kiếm trên mạng, SSDH tin rằng 3 phần bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được toàn bộ chuyện tiền nong du học ở Mỹ bậc cử nhân. Đây là phần 1 với tựa đề “Du học Mỹ tốn khoản gì và số liệu tìm ở đâu?“, mời các bạn cùng đón xem chi tiết dưới đây.

 Ảnh: broadenourhorizon

Ảnh: broadenourhorizon

Độc giả hãy google tên trường mình muốn học, sau đó cộng thêm vào chữ “COA” hoặc “Cost of Attendance.” Cost of Attendance nghĩa là tổng chi phí khi học, bao gồm tất cả mọi thứ: Học phí, phí ăn và ở, phí sách vở, bảo hiểm, phí vận chuyển, và phí sinh hoạt cá nhân. Ví dụ, mình google “?????????? ?? ????? ???? ???,” ấn vào cái nguồn đến thẳng từ Notre Dame (https://bit.ly/3jHsPju), chứ đừng dùng các trang web thứ ba, để xem số liệu chính xác nhất. Các bạn sẽ thấy Notre Dame liệt kê các khoản chi phí cho năm học 2021-2022 như sau: học phí (tuition), phí ăn ở (room and meals), phí sách vở (books and supplies), phí sinh hoạt (personal expenses), phí vận chuyển (transportation). Tổng cộng lại tất cả, con số này lên đến 78,347 USD/năm. Tương tự, bạn có thể thử làm việc này với Duke University và Vanderbilt University.

Phí trực tiếp (Direct costs) và phí gián tiếp (indirect cost)

Đại học Mỹ chia các loại học phí này thành 2 loại: phí trực tiếp (Direct costs) và phí gián tiếp (indirect cost). Direct cost nghĩa là gia đình đóng phí này thẳng cho trường, indirect cost là số tiền gia đình đưa cho con để tự chi trả, chứ không gửi thẳng cho trường.

Vì vậy, direct cost gồm 3 thứ: học phí, phí ăn, và phí ở. Đây là 3 chi phí lớn nhất, thường chiếm hơn 95% tổng số tiền gia đình phải chi trả một năm cho con cái. Vì đây là tiền gia đình đóng thẳng cho trường, bạn có thể (nhờ công ty tư vấn của mình) thương lượng với ban tuyển sinh hoặc văn phòng hỗ trợ tài chính để giảm nó trong quá trình tuyển sinh. Mình muốn nhấn mạnh rằng khi du học bất kì đâu, bạn phải cân nhắc cả phí ăn ở.

Người Việt mình có quan điểm tiền ăn ở rẻ như ở Việt Nam, nên chỉ nghĩ đến học phí. Ví dụ ở VinUniversity, một trong những trường mắc nhất ở Việt Nam, phí ăn ở chỉ là 2,400 USD/năm. Nhưng ở Mỹ, con số này có thể cao gấp 6 hoặc 7 lần, dao động từ 11,000 USD – 20,000 USD/năm, tùy vị trí của trường. Ở Notre Dame, phí ăn ở nằm ở mức 16,000 USD/năm, mặc dù trường nằm ở một thành phố nhỏ vừa. Học sinh có thể chuyển ra ở ngoài khuôn viên trường, nhưng đa số đại học Mỹ buộc học sinh năm nhất và năm hai sống trên khuôn viên trường. Và nếu bạn chuyển ra ngoài ở, bạn thường tiết kiệm được 5,000 USD hoặc 6,000 USD/năm. Trong trường hợp của Notre Dame, phí ăn ở có thể giảm xuống còn 9,000 USD hoặc 10,000 USD/năm. Nhưng đấy vẫn là một khoản tiền rất lớn đối với mức thu nhập trung bình ở Việt Nam.

Indirect cost gồm phí dành cho sách vở, bảo hiểm sức khỏe, vận chuyển, và sinh hoạt cá nhân. Đây là những phí học sinh khi qua Mỹ sẽ tự trả, chứ không phải ba mẹ gửi thẳng cho trường như direct cost. Ví dụ, mặc dù Notre Dame nói rằng phí sách vở là 1,250 USD/năm, đấy chỉ là ước tính không phải con số thực. Nếu học sinh chỉ mua sách mới và phiên bản mới nhất, một năm bạn có thể tốn khoảng 1,250 USD/năm. Nhưng chẳng ai bắt bạn làm thế cả. Bạn luôn có thể mua sách cũ, thuê sách trên Amazon, mượn sách từ thư viện, và tải sách trên mạng để giảm chi phí này. Ngày xưa mình không bao giờ tốn hơn 200 USD/năm cho tiền sách vở nhờ vào việc dùng các chiến lược trên. Tương tự, đối với bảo hiểm sức khỏe, nếu bạn mua bảo hiểm xịn nhất, nó có thể tốn hơn 2,000 USD/năm, nhưng nếu dùng loại cơ bản nhất, nó có thể thấp hơn nhiều. Về phí vận chuyển, trường ước tính phí được dùng cho phí máy bay và di chuyển nội địa. Nếu học sinh bay về VN 1 lần 1 năm hoặc 1 lần 2 năm, và chỉ dùng phương tiện công cộng, phí này sẽ thấp. Nhưng nếu học sinh mỗi năm về VN 3 lần và mua một chiếc Mercedes mới thì có thể bỏ ra khoảng 40.000 USD/năm cho loại chi phí này. Nói chung, indirect cost gồm các loại phí học sinh tự kiểm soát, chứ không đóng thẳng cho trường. Bạn sống tiết kiệm thì phí thấp, bạn sống xa xỉ thì phí cũng xa xỉ.

Một số cách khác để tìm tổng chi phí

Bạn có thể dùng US News để xem nhanh tổng chi phí. Tuy nhiên, mình đối mặt với 2 hạn chế sau: thứ nhất, US News chỉ trình bày direct cost, tức học phí và phí ăn ở thôi. Thứ hai, đây là nguồn thứ ba, và như các nguồn thứ ba khác, số liệu có thể chưa được cập nhật thường xuyên và nhiều lúc không chính xác, hãy coi là nguồn tham khảo. Theo kinh nghiệm của mình, con số được trình bày trên US News thường thấp hơn con số trên trang web của trường từ 2,000 USD – 5,000 USD/năm. Đây là ví dụ của Notre Dame trên US News: https://bit.ly/37AYHkj

tat tan tat ve hoc phi du học my bac cu nhan

Đại học Mỹ mắc thế thì ai học?

Thực ra Notre Dame, Vanderbilt, và Duke dù mắc nhưng cũng là những đại học cho học sinh quốc tế nhiều tiền nhất. Năm vừa rồi, 40% học sinh quốc tế ở Notre Dame được nhận đủ học bổng và hỗ trợ tài chính để đóng một mức trung bình 19,465 USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với cái giá gốc 78,347 USD/năm ở trên. Đây là một trong những sai lầm lớn nhất đối với không chỉ học sinh/gia đình Việt Nam, mà kể cả học sinh/gia đình Mỹ. Nhiều người thấy giá gốc cao quá, không nộp, nhưng không biết rằng mức đóng thực thấp hơn rất nhiều. Thay vào đó, họ chọn các trường với giá gốc rẻ hơn như chỉ ở mức 50,000 USD/năm, nhưng cũng cho tiền ít hơn. Nên nhiều lúc học ở trường mắc thực tế lại rẻ hơn trường rẻ. Phần 2 sẽ tiếp tục gửi tới các bạn sớm, các bạn chú ý đón xem nhé.

SSDH (tác giả Khuong Nguyen)

Share.

Leave A Reply