SSDH – Muốn thành thạo tiếng Anh, bạn cần phải học tốt cả 4 kĩ năng đọc, viết, nghe, nói. Sau đây là một số phương pháp giúp bạn cải thiện 4 kĩ năng trên:
Đọc hiểu
Đọc tiếng Anh thường xuyên là cách mà bạn có thể tự học một mình ở nhà hoặc ở bất kì đâu. Luôn mang theo từ điển bên mình (tốt nhất là từ điển Anh-Anh) để tra từ mới và viết từ mới vào một quyển sổ tay. Cố gắng dùng các từ mới trong giao tiếp càng nhiều càng tốt!
Với những bạn có trình độ tiếng Anh tương đối tốt rồi thì nên đọc các bài báo tiếng Anh, còn các bạn trình độ kém hơn thì hãy đọc các mẩu chuyện hoặc sách tiếng Anh dành cho trẻ em. Bạn sẽ không tiến bộ nếu như không chọn sách phù hợp với trình độ. Nên chọn những nguồn tài liệu nào mà bạn cảm thấy không quá khó không quá dễ mà nội dung lại thú vị.
Khi đọc đừng cố gắng hiểu nghĩa từng từ một, đừng cứ thấy từ mới là tra từ điển. Hãy tập trung đọc để hiểu nội dung chính toàn bài đã, sau đó hẵng đọc lại để hiểu nội dung chi tiết. Nếu có từ nào không biết, hãy đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh của câu, của bài.
Mạng internet chính là nguồn tài liệu phong phú mà bạn có thể tìm tòi và học hỏi nhiều thứ.
Viết
Hãy tập thói quen viết tiếng Anh hàng ngày, viết những câu đơn giản thôi cũng được. Nên tập viết từ những câu ngắn rồi dần dần viết những đoạn dài hơn. Học viết qua mạng cũng là một phương pháp rất hữu dụng, bạn có thể chat tiếng Anh, tham gia vào diễn đàn, làm quen với các bạn nước ngoài, viết các bình luận bằng tiếng Anh trên blog hoặc facebook.
Viết giúp bạn ôn lại những từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp đã học. Hãy tìm các bài luận tiếng Anh của bạn hồi xưa lúc trình độ tiếng Anh còn kém để đọc lại, tìm, sửa lỗi sai và rút kinh nghiệm.
Hãy thử viết các truyện ngắn hoặc làm thơ bằng tiếng Anh, sau đó nhờ giáo viên đọc và kiểm tra lỗi sai!
Nói
Nói càng nhiều càng tốt, đó là cách học nói tiếng Anh tốt nhất! Không có gì giúp bạn cải thiện kĩ năng nói tốt hơn việc bạn giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh. Các kĩ năng đọc, viết, nghe thì bạn có thể tự luyện một mình nhưng nói thì nên tìm bạn để luyện cùng. Bạn nên tìm một môi trường nói tiếng Anh nào đó để tiếp xúc hàng ngày.
Phương pháp nhanh nhất để học tốt kỹ năng này là gặp gỡ, nói chuyện với những người nói tiếng Anh bản địa. Ngoài ra, bạn còn cần phải tạo thói quen suy nghĩ, tư duy bằng tiếng Anh chứ đừng cố dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Khi nói chuyện bằng tiếng Anh, hãy sử dụng những câu vốn đã có sẵn trong đầu hay những câu mà bạn nghĩ đến đầu tiên, đó thường là những câu đúng. Nhiều bạn học tiếng Anh qua trực giác, bạn cũng nên thử và tin vào cách học như thế!
Hãy ghi âm lại những gì bạn nói và nghe lại từng từ mà bạn phát âm, lúc đầu thì có vẻ hơi ngại và lạ lẫm nhưng đây thực sự là một phương pháp học có hiệu quả vì bạn sẽ tự phát hiện được lỗi sai để rút kinh nghiệm.
Và một phương pháp nữa là hát tiếng Anh, rất thú vị phải không? Tìm các bài hát mà bạn yêu thích rồi học thuộc và hát thường xuyên.
Nghe
Đây là một kĩ năng đòi hỏi bạn phải luyện tập hàng ngày. Cũng như kĩ năng nói, bạn cần phải ở trong một môi trường 100% nói tiếng Anh.
Nghe tiếng Anh qua các chương trình truyền hình hoặc xem phim cũng là một phương pháp học. Nội dung nghe trên các chương trình này sẽ hơi khó đối với những bạn mới học tiếng Anh nhưng bạn yên tâm vì càng nghe nhiều thì càng thấm. Cứ nghe đi nghe lại nhiều lần cũng tốt. Lúc đầu nghe xem nội dung chính là gì rồi nghe lại những thông tin chi tiết lần 2.
Học cách nghe và nhắc lại những gì bạn nghe được. Nên nhớ rằng một người nói tiếng Anh bản địa không nhắc lại 10 lần cho đến khi nào bạn hiểu đâu, nên hãy cố gắng tập nghe và hiểu ngay từ lần nghe đầu tiên.
Có 2 vấn đề mà bạn nên suy nghĩ khi học tiếng Anh như sau:
Lỗi sai
Không ai trong chúng ta muốn mình mắc lỗi trước mặt người khác, tuy nhiên, lỗi sai sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc học tiếng Anh. Điều quan trọng là đừng sợ hay lo lắng khi mắc lỗi. Đừng lãng phí cơ hội nói tiếng Anh chỉ vì bạn quá tự ti. Các giáo viên nước ngoài họ rất muốn nghe bạn nói sai, vì có nói sai họ mới có cơ hội để sửa cho bạn. Vì thế, đừng nhút nhát, hãy mạnh dạn, thể hiện thái độ rằng “mình có thể làm được!” Một khi bạn cảm thấy hứng thú trong việc học, thì bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.
Mục tiêu
Hãy tự đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu. Ví dụ như nghĩ về lý do tại sao bạn học tiếng Anh, để vượt qua kì thi, để phục vụ cho nghề nghiệp hay để đi du lịch, xem phim,…bất kể là lý do gì thì nó cũng là động lực giúp bạn học chăm hơn. Sau khi có mục tiêu để phấn đấu, bạn nên soạn thời gian biểu cụ thể cho việc học tiếng Anh và lập kế hoạch những gì có thể làm được với trình độ tiếng Anh của mình trong năm sau hay 6 tháng sau. Cho dù dự định của bạn là gì đi nữa, hãy thực sự kiên nhẫn và đừng dễ dàng từ bỏ!
Hoàng Hiền (SSDH) – Theo www.ecenglish.com