SSDH – 20 tuổi lấy bằng tốt nghiệp loại giỏi của 2 trường ĐH lớn tại 2 quốc gia, 21 tuổi tốt nghiệp Thạc sĩ loại giỏi, từng phiên dịch cho Tổng thống Ukraine là những thành tích đáng nể của Diệu Linh.
16 tuổi, Lê Hoàng Diệu Linh đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT. Cùng năm ấy, cô bạn nhận được Học bổng du học của học viện Luật Odessa, TP.Odessa, Ukraine đồng thời được tuyển thẳng vào trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Lúc này, Diệu Linh đã chọn ở lại Việt Nam, cùng lúc theo học ĐH Ngoại thương và hệ đào tạo từ xa học viện Luật Odessa.
Tưởng chừng như việc cùng lúc học 2 trường với 2 chuyên ngành khác nhau sẽ khiến cô bạn nhanh nản chí và bỏ cuộc. Thế nhưng, vào tháng 8/2012, Diệu Linh xuất sắc tốt nghiệp với 2 tấm bằng loại giỏi. Ngay sau đó, Diệu Linh sang Anh học tiếp chương trình thạc sĩ, chuyên ngành Phát triển và Toàn cầu hoá tại trường ĐH Nữ hoàng Mary, London (Anh). Tháng 10 vừa qua cô bạn xinh đẹp một lần nữa xuất sắc tốt nghiệp loại giỏi ở tuổi 21.
Diệu Linh có thể sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ là Anh, Nga, Pháp, Ukraine. Cô từng vinh dự được làm phiên dịch cho tổng thống Ukraine trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống tại Việt Nam.
Cùng trò chuyện với cô bạn cực giỏi và xinh đẹp này nhé.
Lê Hoàng Diệu Linh – 9X xinh đẹp có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ
16 tuổi vào hai trường đại học lớn
Sinh ra và lớn lên tại Ukraine, 2 tuổi đã phải rời xa cha mẹ để về Việt Nam sống cùng ông bà, bạn có thấy bị thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ?
Mình chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm gia đình vì ông bà nội rất quý mình. Vả lại mình là cháu gái đầu tiên của ông bà nên ông bà càng cưng.
Học vượt so với các bạn cùng trang lứa đến 2 lớp, bạn cảm thấy thế nào?
Mình luôn là em út của lớp nên rất được các anh chị chiều. Việc học thì cũng không quá áp lực vì mình luôn cân bằng cả chơi và học.
16 tuổi bạn vào học tại hai trường đại học lớn, động lực từ đâu giúp bạn đưa ra lựa chọn này?
Đơn giản bởi mình rất thích nghề luật sư. Mình được chính phủ Ukraine trao học bổng vì điểm thi đầu vào cao. Tuy nhiên, mình và gia đình đã chọn Việt Nam để học đại học. Ở Việt Nam mình học chương trình tiên tiến liến kết với Colorado, Mỹ, ngành kinh tế quốc tế, chuyên ngành kinh doanh quốc tế của ĐH Ngoại Thương và học từ xa của trường Luật Odessa.
Việc chọn thi ĐH vào học viện Luật Odessa là do bạn tự quyết định hay do gia đình định hướng?
Cả hai. Mình có những sở thích và định hướng riêng của mình nhưng lúc thi vào đại học mình mới 16 tuổi nên mình phải nhờ đến sự giúp đỡ và những lời khuyên bảo của gia đình nhiều.
Diệu Linh thường ngày rất phong cách, trẻ trung
Tại sao bạn lại chọn ở Việt Nam học mà không phải là ngược lại?
Mình cũng không chắc là ở Đại học Ngoại Thương có chương trình học từ xa như thế. Và về Việt Nam học cũng là để không quên gốc của mình. Mình cũng muốn dành nhiều thời gian bên cạnh gia đình ở Việt Nam nữa.
Cùng lúc học hệ ĐH ở 2 quốc gia chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém, bạn có thể chia sẻ về những khó khăn của mình?
Việc học cùng một lúc hai trường luôn làm mình căng thẳng. Mình đã thầm nghĩ là việc học hành sẽ dễ hơn và mình sẽ thích nghi được nhưng quả thực là mỗi năm việc học một khó. Nhưng nhờ có gia đình hỗ trợ nên mình cuối cùng cũng đã tốt nghiệp được cả hai chương trình.
Mình tự học với thầy cô bên HV Odessa qua mạng và mỗi năm phải bay qua đó hai lần để học trực tiếp với các thầy cô.
Tốt nghiệp ĐH với 2 tấm bằng giỏi rồi lại sang Anh học và giành luôn tấm bằng thạc sĩ loại giỏi nữa, không biết bạn có tính học lên cao nữa không?
Học cao lên nữa khéo mình ế mất!
Diệu Linh trong ngày tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương Hà Nội
Vậy là bạn được trải nghiệm 3 môi trường học tập của 3 nước Việt Nam, Ukraine và Anh quốc. Bạn thấy môi trường học tập ở Việt Nam khác gì so với các nước bạn?
Mỗi một nước có phương pháp dạy khác nhau. Như ở Việt Nam chẳng hạn, một giảng đường có 1 thầy và rất nhiều sinh việc, có lúc số lượng lên đến 100 sinh viên. Ở nước ngoài thì khác, một giảng đường có tầm 20-30 sinh viên. Vì thế, mình thấy là việc tiếp cận giáo viên ở nước ngoài dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mình cảm thấy là các giảng viên ở Việt Nam luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên trong việc học hành.
Phiên dịch chính cho nhiều đoàn ngoại giao
Nghe nói bạn đã từng làm phiên dịch cho Tổng thống Ukraine, bạn có thể chia sẻ kỉ niệm đặc biệt đó?
Mình được vinh dự gặp Tổng thống vào tháng 3/2011, trong khung chuyến thăm Việt Nam chính thức của ngài. Để được phiên dịch cho Tổng thống, mình đã phải học thêm lớp tiếng Việt chuyên ngành về ngoại giao. Ngoài ra mình đã được giao rất nhiều giấy tờ liên quan đến chuyến thăm của ngài trước đó để nắm hết thông tin của chuyến đi.
Bạn cảm thấy thế nào khi được tháp tùng cho một nguyên thủ quốc gia như thế?
Mình sẽ hơi trẻ con một chút khi trả lời câu hỏi này nhưng đợt đó, phóng viên và vệ sĩ theo ngài Tổng thống trong tất cả các cuộc gặp làm cho mình cảm thấy mình cứ như là người nổi tiếng vậy (cười).
Diệu Linh (ngoài cùng bên phải) với vai trò phiên dịch cho Đoàn đại biểu Quốc Hội Ukraine trong chuyến thăm tại Việt Nam.
Bạn có dự định theo nghề phiên dịch trong tương lai dài sắp tới?
Mình sẽ rất hạnh phúc được sử dụng các ngoại ngữ mà mình biết trong công việc của mình.
Đã học xong thạc sĩ vậy bạn đang làm gì và thu nhập của bạn thế nào?
Mình đang làm tạm trong một nhà hàng tại London. Mình cũng kiếm tiền đủ để chi tiêu ở đây thôi.
Bạn có dự định về Việt Nam làm việc chứ?
Hiện tại, mình còn trẻ và có nhiều cơ hội trước mắt nên mình cũng không biết sau này mình sẽ gắn bó với đất nước nào. Nhưng mình tin rằng dù ở đâu, mình sẽ vẫn luôn hướng về Việt Nam.
Cám ơn bạn vì những chia sẻ thú vị vừa rồi. Chúc bạn thành công hơn nữa trong cuộc sống nhé!
Cùng ngắm thêm những hình ảnh xinh đẹp của Lê Hoàng Diệu Linh.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Tiin
Thục Uyên (SSDH) – Theo Tiin