SSDH – Đại học Sogang nằm trong top những ngôi trường đáng mơ ước tại Hàn Quốc. Hãy cùng xem cuộc sống của một sinh viên tại ngôi trường này như thế nào nhé!
Xin chào các bạn, lại là mình Hải My đây! Bài đăng về quá trình giành học bổng du học Hàn lần trước của mình đã được nhiều bạn trong group ủng hộ, điều đó khiến mình thực sự rất bất ngờ và cảm kích. Mình cũng nhận được nhiều inbox của các bạn hỏi về quá trình học tập tại trường mới. Vì vậy mình quyết định viết thêm một bài chia sẻ nữa để các bạn phần nào hình dung được những trải nghiệm của mình tại ĐH Sogang, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh, phải học trực tuyến như hiện tại.
Tham khảo: Chi phí du học Hàn Quốc
1, KỂ CHUYỆN MỘT CHÚT VỀ TRƯỜNG MÌNH
Có lẽ nhiều bạn trong group còn xa lạ với trường mình, tuy nhiên tại Hàn Quốc, Sogang có thể coi là một trường Đại học khá nổi tiếng. Có một danh sách các trường Đại học danh giá thường được người dân Hàn Quốc truyền miệng nhau, và những ngôi trường này là ước mơ của nhiều thế hệ sinh viên Hàn, lần lượt theo thứ tự là: 서고연 (ĐHQG Seoul – ĐH Korea – ĐH Yonsei) 서성한이 (ĐH Sogang – ĐH Sungkyunkwan – ĐH Hanyang – ĐH Nữ sinh Ewha) 중경외시 (ĐH Chungang – ĐH Kyunghee – ĐHNN Hàn Quốc – ĐH Seoul Sirip). Mọi người có thể thấy trường mình nằm ở vị trí thứ tư, tức chỉ xếp sau ba trường SKY. Ngoài ra Sogang cũng có biệt danh là “trung học Sogang” do trường nổi tiếng với chương trình đào tạo khắt khe và độ chăm chỉ của sinh viên. Vậy nên mình đã gặp một vài khó khăn và đã phải cố gắng rất nhiều trong quá trình học tập tại đây.
2, MÌNH ĐÃ HỌC ĐƯỢC NHỮNG GÌ?
Mặc dù mình đã ở nhà học online suốt kì vừa rồi (và có lẽ là cả kì này nữa), tuy nhiên mình vẫn cố gắng giữ GPA ở mức ổn (4.0/4.3 – khoảng 3.7/4.0) và đã có nhiều trải nghiệm mới mẻ tại Sogang cũng như đã rút ra nhiều bài học cho bản thân.
-Ngoại ngữ: Khác với nhiều sinh viên quốc tế, mình có chứng chỉ TOPIK 5 trước khi nhập học nên được chấp nhận cho học thẳng chuyên ngành (miễn học tiếng). Tưởng chừng đây là một lợi thế, hóa ra lại là thách thức không nhỏ, vì mình phải ngay lập tức làm quen với việc nghe giảng bằng tiếng Hàn. Dù vậy, việc học nhiều môn bằng tiếng Hàn trong kì 1 cũng giúp ngoại ngữ của mình cải thiện, đặc biệt là trong hoàn cảnh mình chỉ có thể học online và gần như không có môi trường giao tiếp trực tiếp. Các thầy cô tại trường cũng hiểu những khó khăn của một tân sinh viên như mình, nên khi mình gửi câu hỏi qua email thì lúc nào cũng được rep rất chi tiết. Thậm chí giáo sư dạy môn Lịch sử Hàn Quốc cận – hiện đại còn gửi những lời động viên bằng tiếng Việt cho mình, tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng đã khiến mình rất cảm động.
-Tìm cảm hứng học tập: Mình từng có khoảng thời gian cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì việc học online, vậy nên mình đã cố gắng tự thay đổi bản thân và tự tìm cảm hứng. Mỗi buổi sáng, thay vì tỉnh dậy sát giờ, mình sẽ dậy sớm ăn sáng, trang điểm và chuẩn bị quần áo như lúc đi học rồi mới ngồi vào bàn. Nhìn thấy bản thân trong gương chỉn chu và lịch sự là nguồn động lực cho mỗi ngày học tập của mình. Ngoài ra, mình cũng cố gắng tách biệt giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi để không có cảm giác như đang phải học 24/7.
-Làm quen bạn bè mới: Chương trình SSIA Mentoring của trường đã cho mình cơ hội để quen với các bạn và đặc biệt là các tiền bối học cùng khoa. Cũng khá may mắn khi Mentor được trường xếp cho mình là một chị người Việt, vì đều là du học sinh nên chúng mình có rất nhiều thứ để chia sẻ cùng nhau ngay cả khi mình đã học hết 1 kì tại trường. Ngoài ra kì vừa rồi mình có đăng kí chương trình Global Tutoring của trường và được gặp gỡ một tiền bối người Hàn rất giỏi, cũng được giúp đỡ tận tình, nên chất lượng các bài luận và báo cáo của mình đã tốt hơn khá nhiều. Mặc dù quen biết chưa lâu nhưng vì nói chuyện rất hợp nên đến giờ chúng mình vẫn nhắn tin qua lại thường xuyên ngoài giờ lên lớp.
3, NGHỈ HÈ RẢNH RỖI, MÌNH LÀM GÌ?
Tham khảo: Những địa điểm du lịch Hàn Quốc
Câu chuyện nghỉ hè của mình có thể chia làm hai chương: Làm thêm và hoạt động ngoại khóa. Mỗi chương đều là những trải nghiệm hết sức đặc biệt và đáng nhớ với mình.
-Làm thêm: Mình có hai công việc chính trong kỳ vừa rồi, đó là gia sư tiếng Hàn và công việc ngắn hạn (~3 tháng) tại một dự án về crowdsourcing. Với việc gia sư, mình không gặp nhiều khó khăn do đã từng đi dạy trước đây, nhưng công việc thứ hai thì khác hẳn, mình hoàn toàn không có kinh nghiệm gì. Deadline dồn dập cũng khiến mình bị stress, đổi lại mình đã học được cách quản lý thời gian hiệu quả hơn. Sang đến hè này, vì dịch bệnh nên mình chuyển sang mở lớp học tiếng Hàn online quy mô nhỏ, tuy việc soạn bài vất vả hơn khi học trực tiếp những công việc này đem đến cho mình khá nhiều niềm vui.
Tham khảo: Kinh nghiệm làm thêm tại Hàn Quốc
-Hoạt động ngoại khóa: Đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh viên, tuy nhiên với mình lại khá khó khăn (do mình có thể sẽ sang Hàn đầu năm sau, nên mình không thể tham dự nếu dự án tổ chức các hoạt động offline tại Việt Nam). Mình buộc phải hướng đến các dự án có tuyển tình nguyện viên khu vực châu Á/toàn cầu. Thực tế phũ phàng hơn mình tưởng rất nhiều: những lá đơn từ chối liên tục được gửi đến với lí do mình “không phù hợp”. Nhìn bạn bè xung quanh năng nổ với hàng loạt các dự án lớn càng khiến áp lực tâm lý trong mình lớn hơn. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo tuyển Global Supporter cho Văn phòng Quốc tế (Sogang Office of International Affairs – Sogang OIA) từ trường, mình vẫn quyết định đăng ký, xem như cho bản thân thêm một cơ hội nữa. May mắn thay, những cố gắng của mình đã được đáp lại bằng một email báo đỗ.
Nhận học bổng không phải là kết thúc cho hành trình của mình. Mình vẫn đang trải qua rất nhiều khó khăn và vẫn đang nỗ lực từng ngày để đạt được những kết quả tốt hơn. Dù vậy, mình trân trọng tất cả những gì mình đã và đang trải qua tại Sogang, mình cũng tin rằng bản thân đã có một lựa chọn đúng đắn.
Bài chia sẻ đã khá dài nên mình xin dừng ở đây. Chúc các bạn trong group sớm săn học bổng thành công và chọn được bến đỗ phù hợp với bản thân trong 4 năm ĐH nhé!
SSDH Team (tác giả Hải My, Scholarship Hunters)