Nguyễn An Khương chàng tiến sĩ của đại học Cambridge

0

SSDH – Nguyễn An Khương (1988) – Chàng sinh viên năm 2 của trường ĐH Cambridge Vương quốc anh vừa được nhà xuất bản Lambert của Đức mời xuất bản sách  “Tổng quát khảo sát Thẻ thông minh EMV” –  An EMV (Chip and PIN) case study.

 

 Nguyễn An Khương chàng tiến sĩ của đại học Cambridge

 

Liên tục đạt thành tích trong và ngoài nước

 

Khi còn ở Việt Nam, An Khương đạt giải Nhất 3 năm liên tiếp thi Tin học thành phố, Huy Chương Bạc Olympic 30-4, giải Nhất Phần Mềm Sáng Tạo toàn quốc với phần mềm “Xây Dựng Hệ Thống Tra Cứu Bản Đồ Đà Nẵng Trên Điện Thoại Di Động”. An Khương là một trong 8 thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng CNTT do Thủ Tướng Việt Nam trao tặng tại tòa nhà chính phủ – Hà Nội năm 2006.

 

Đầu năm 2007, An Khương nhận Học bổng du học toàn phần sang Vương quốc Anh du học, và hoàn thành khóa dự bị đại học 9 tháng (International Foundation Year) chỉ trong 4 tháng với bằng Giỏi. Trong kỳ kiểm tra thi đầu vào, An Khương vượt qua nhiều hồ sơ khác để là sinh viên duy nhất được ĐH Royal Holloway cấp học bổng Donald Davies cho 3 năm đại học.

 

An Khương đạt giải Nhất và giải Nhì với hai “Robot giải trò chơi Rubik“ và “Robot chơi Tic-Tac-Toe” trong cuộc thi sáng tạo Robot của ĐH London. Trong thời gian này An Khương được chọn làm đại diện trường ĐH Royal Holloway tham gia Hội nghi sinh viên toàn Vương quốc Anh do tập đoàn Google tài trợ. Tốt nghiệp đại học loại Xuất Sắc chuyên nghành “An Toàn Thông Tin” (Information Security) với điểm số trung bình 89%, An Khương được ĐH Cambridge nhận vào học Thạc sĩ CNTT chuyên sâu. Sau khi tốt nghiệp, An Khương tiếp tục nhận học bổng £45,000 (tương đương $75,000) để tiếp tục dự án ở bậc Tiến sĩ.

 

Nguyễn An Khương chàng tiến sĩ của đại học Cambridge

Chàng tiến sỹ tương lai xuất sắc này chia sẻ nhiều kinh nghiệm du học để đạt được nhiều giải thưởng của mình.

 

Chào An Khương,  mình được biết bạn đã hoàn thành khoá học dự bị ĐH chỉ trong 4 tháng thay vì 9 tháng với bằng giỏi. Bạn có thể chia sẻ về khoá học này không?

 

Theo mình, khóa dự bị đại học không khó, với kiến thức lớp 12 ở Việt Nam có thể dễ dàng tiếp thu. Trở ngại duy nhất của khóa học là sử dụng tiếng Anh để trình bày lưu loát các vấn đề. Với các bạn học sinh Việt Nam có ý định sang Anh học, đây là khóa học không nên bỏ qua. Thứ nhất, bạn có thể dành điểm số cao trong một bằng cấp chính quy được 80/109 cơ sở tại Vương quốc Anh công nhận, mở ra cơ hội đến các trường đại học lớn. Thứ hai, bên cạnh vấn đề ngôn ngữ, khóa học trang bị những kiến thức văn hóa và xã hội, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hòa nhập sau này.

 

Được biết ĐH Cambridge là một trong những trường đại học đứng đầu thế giới bạn có thể chia sẻ làm thể nào nộp hồ sơ vào trường?

 

Một hồ sơ cao học tốt nên được chuẩn bị trước ít nhất 9 tháng. Cho dù hạn cuối các trường đại học tại Anh nhận hồ sơ là tháng 3, ‘cuộc chiến’ dành học bổng bắt đầu từ cuối tháng 12, và thông thường đến cuối tháng 1 năm sau các học bổng đều đã được sở hữu. Theo kinh nghiệm của mình, các trường học tại Anh không chờ đến khi hết hạn tiếp nhận hồ sơ mới xét tuyển, mà xử lý ngay hồ sơ lúc nhận được. Việc đăng ký sớm không những làm tăng khả năng gây ấn tượng với giám khảo ở vòng sơ loại, mà còn tránh hiện tượng ‘tắt nghẽn’ vào các ngày cuối hạn.

 

Tiến sĩ Ian Wassell – người trực tiếp quản lý hồ sơ đầu vào của Viện Khoa học máy tính – Đại học Cambridge, cho biết riêng năm 2010 số lượng hồ sơ nộp vào phút chót chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ của năm. Hàng năm có hơn 400 hồ sơ cao học nộp vào Viện Khoa học máy tính, nhưng chỉ có 30 sinh viên được chấp nhận. Vì vậy, một hồ sơ thành công không những phải được hoàn thành sớm, mà phải định hướng rõ ràng ý tưởng nghiên cứu trong các năm tiếp theo.

 

Bạn có thể chia sẻ về phương pháp học tập của ĐH Cambridge?

 

Phần lớn các khóa học tại Cambridge đều mới lạ và có khuynh hướng nghiên cứu cao. Để thành công tại đây, chỉ đọc sách và tìm hiểu các tài liệu có sẵn trên mạng là chưa đủ, mà cần phải tự tin áp dụng những kinh nghiệm riêng của cá nhân để giải quyết vấn đề. Rất nhiều bài tập, câu hỏi đặt ra đều chưa có lời giải đáp rõ ràng. Các tài liệu để tham khảo là những bài viết, bài báo cáo khoa học rời rạc của các Giáo sư, Tiến sĩ trong ngành. Theo mình, chỉ cần mạnh dạn áp dụng những kiến thức mà mình hiện có với những vấn đề như vậy. Bởi vì trong nghiên cứu không có đúng hay sai tuyệt đối. Những hướng giải quyết ban đầu chưa thật sự hiệu quả là nền tảng để những người nghiên cứu sau dựa vào đó tiếp tục cải thiện và mở rộng.

 

Nguyễn An Khương chàng tiến sĩ của đại học Cambridge

 

Bạn tham gia các hoạt động ngoài giờ của trường như thế nào?

 

Trong thời gian học đại học, mình một trong 6 sinh viên tiêu biểu được chọn để quay video quảng bá hình ảnh trường, cũng như được các học sinh trong khoa bầu chọn vào Ban đại diện sinh viên, làm cầu nối giữa sinh viên và các giáo sư trong khoa. Mình nhiều lần tham gia trình diễn Robot trước các học sinh đến tham quan trường, cũng như thường xuyên đến các trường tiểu học, trung học để khuyến khích các em học sinh tiếp cận với khoa học máy tính. Các hoạt động này không chỉ tạm thời “tránh xa” công việc nghiên cứu mà còn giúp mình củng cố hình ảnh sinh viên Việt Nam tại Anh.

 

Dự định trong tương lại gần của bạn là gì?

 

Là thành viên của Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng (CPHUD) đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các tài năng trẻ Việt Nam đã và đang nghiên cứu, học tập tại nước ngoài, mình mong muốn được đem những kinh nghiệm trong quản lý và nghiên cứu của nước ngoài vào thành phố Đà Nẵng sau này, cũng như giúp các bạn sinh viên mới lựa chọn đúng trong nghiên cứu khoa học. Bởi vì Việt Nam không thiếu những tài năng, nhưng chúng ta thiếu những con người với khả năng nghiên cứu khoa học và quản lý để lãnh đạo và hướng dẫn những tài năng này.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Báo Du Học

 

Share.

Leave A Reply