Sinh viên giúp việc cho Tây để cày tiếng Anh

0

SSDH – Ngoài mức lương ổn, công việc này còn mang lại cơ hội giao tiếp tiếng Anh hàng ngày với người bản xứ.

 osin.jpg

 

Ban đầu, nghe bạn rủ làm osin cho Tây, Hải Ninh, sinh viên năm 3 Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội từ chối vì không thích lao động chân tay. Tuy nhiên, khi bạn đưa dẫn chứng chỉ sau một thời gian làm công việc này, khả năng giao tiếp ngoại ngữ đã tăng đáng kể, Ninh quyết định thử làm một thời gian chỉ với mục tiêu duy nhất – nói tốt ngoại ngữ.

 

Ninh chia sẻ: “Công việc không quá khó, những ngày cuối tuần, tôi tới lau dọn nhà cửa, chơi với hai em bé. Lúc mới làm, tôi ngại lắm nhưng giờ quen lại hào hứng vì mỗi câu chuyện với bọn trẻ vô cùng thú vị”. Để có thể trò chuyện nhiều hơn với hai bạn Tây xinh xắn, Ninh dành nhiều thời gian học từ mới, và cách đoán từ nếu chưa hiểu. Theo cô nàng sinh viên năm 3, mỗi lần “trông cô lơ ngơ”, bọn trẻ lại tìm cách diễn tả rất dễ thương.

 

Mỗi giờ giúp việc cho gia đình người nước ngoài được trả 8-10 USD, tính ra một tháng các cô gái nhận lương hơn 7 triệu đồng. Ảnh: Minh họa

 

Không xuất phát từ ý định muốn nâng cao khả năng tiếng Anh như Ninh, Mỹ An, Đại học Bách Khoa, Hà Nội tìm tới nghề làm thêm này vì thu nhập tốt. 400 USD mỗi tháng từ nghề osin cho người nước ngoài giúp An trang trải mọi chi phí ăn học. Ngoài ra, cô còn gửi về phụ bố mẹ một ít tiền giúp nuôi em nhỏ.

 

Một tuần 5 buổi, An sẽ tới việc giúp cho vợ chồng người Mỹ trong thời gian bốn tiếng. Ngoài tiền công thỏa thuận ban đầu (8 USD một giờ), nếu làm tốt, cô còn được chủ nhà thưởng thêm một USD vào cuối mỗi buổi làm. Công việc của An là dọn dẹp, giặt đồ và nấu ăn.

 

An thú thật, dù mục đích ban đầu là kiếm tiền nhưng điều tốt nhất công việc mang lại cho cô lại là vốn sống và ngoại ngữ. Từ một người ngại nói tiếng Anh, sau nửa năm, giờ cô rất tự tin giao tiếp. “Tôi may mắn được làm cho gia đình rất hòa nhã. Thời gian rảnh, họ thường trò chuyện, giúp tôi bạo dạn hơn trong giao tiếp. Tôi biết thêm văn hóa, phong tục đất nước xứ cờ hoa. Ngược lại, họ hiểu thêm về Việt Nam”, An hào hứng kể.

 

Dù chỉ là giúp việc, nhưng khi làm cho người nước ngoài, An, Ninh và nhiều bạn trẻ khác đều phải học cách thích nghi văn hóa phương Tây. Theo đó, Ninh từ một cô nàng không biết nấu nướng, phải mày mò làm đạt yêu cầu spaghetti, bánh táo…

 

Hơn nữa, đối với người nước ngoài, giờ giấc làm việc vô cùng nghiêm ngặt. An kể, dù rất được nhà chủ quý vì chăm chỉ, chịu khó nhưng cô từng bị phạt tiền vì đến trễ. “Tôi giải thích mình tắc đừng nhưng họ cho rằng đó là lý do rất tồi vì tôi phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, chủ động cho công việc. Với tôi, đó là bài học rất tốt cho cuộc đời”, An cho biết thêm

 

Ngoài ra, theo nhiều bạn từng làm giúp việc cho người nước ngoài, văn hóa là yếu tố liên quan mật thiết đến một ngôn ngữ. Chính vì vậy, mỗi người cũng cần học cách giao tiếp phù hợp trong ngữ cảnh nhất định.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply