SSDH – Ngọc Bách, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương chia sẻ kinh nghiệm cải thiện điểm số của phần khó tự học nhất trong IELTS.
Bách từng nâng điểm IELTS từ 5.5 lên 8.0 trong vòng 6 tháng tự ôn, trong đó phần viết đạt 8.0. Dưới đây là kinh nghiệm của Bách dành cho các bạn đang có nền tảng viết yếu.
Nên đi học ở trung tâm có giáo viên bản ngữ hay học thầy cô giáo người Việt?
Mình từng đi học cả 2 chỗ và có nhận xét như sau:
Giáo viên bản ngữ thường cho các bạn thảo luận với nhau bằng tiếng Anh, làm bài tập theo giáo trình của trung tâm, sau đó mới chữa và chỉ ra mẹo làm bài. Trong mỗi buổi, giáo viên phân tích một bài và học viên sẽ tự viết lại theo nhóm trên giấy trong thời gian ngắn hơn thi thật (15 phút cho task 1 và 35 phút cho task 2), sau đó giáo viên sẽ thu bài và dùng máy chiếu để chữa luôn trên lớp. Cả khóa chỉ có khoảng 2 buổi như vậy.
Ưu điểm: Làm bài tập, thảo luận rồi mới cung cấp bí quyết, bạn sẽ nhớ hơn nhiều là được gợi ý ngay từ đầu. Ngoài ra, không chỉ kỹ năng viết, mà 3 kỹ năng còn lại của bạn cũng được cải thiện khi học với người bản ngữ. Nghe thầy bản xứ dạy, cũng chính là lúc bạn luyện nghe, luyện giao tiếp. Thiết bị, điều kiện học tập tốt giúp bạn tiếp thu dễ dàng hơn.
Nhược điểm: Học phí cao hoặc rất cao. Ngoài ra, do tất cả mẹo làm bài trình bày bằng tiếng Anh nên những bạn tiếng Anh chưa tốt (mức độ thấp hơn hoặc bằng 5.5) sẽ khó tiếp thu 100%. Khi đăng ký khóa học, bạn không biết được thầy dạy là ai, gặp phải thầy dạy không hay, bạn cũng không thể phàn nàn. Một vấn đề nữa là khi học viết họ thường không phân dạng cụ thể. Ví dụ, task 1 không được phân cụ thể thành dạng bar chart, line chart, table, column, mixed… Nhiều khi học hết khóa mà vẫn chưa biết làm thể nào viết một bài task 1 IELTS hoàn chỉnh.
Với giáo viên Việt Nam, tùy phong cách dạy, nhiều người sẽ cung cấp các mẹo cho bạn, sườn mẫu câu, các từ vựng cần thiết cho từng chủ đề, thoải mái áp dụng vào bài viết.
Ưu điểm: Học phí rẻ hơn, mọi thứ được trình bày bằng tiếng Việt nên dễ hiểu (đặc biệt với các bạn tiếng Anh chưa tốt).
Nhược điểm: Lớp rất đông và phòng học không tiện nghi như các trung tâm (vì thường dạy ở nhà riêng). Với giáo viên nổi tiếng thì thậm chí bạn phải ngồi ghế nhựa, đứng mé mà chép bài. Ngoài ra, một số thầy cô khi dạy chỉ đọc cho bạn chép, không chữa bài khiến buổi học diễn ra khá nhàm chán.
Tuy nhiên, cá nhân mình thấy riêng phần viết thì nên học giáo viên người Việt, đỡ tốn kém tiền bạc lẫn thời gian. Giáo viên bản ngữ thường dạy kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nếu sợ đông, có thể tìm lớp ít người mà giáo viên tốt, chưa có tiếng cũng không sao, miễn là đảm bảo. Học 1-2 khóa để lấy sườn, mẫu câu, cách làm từng dạng rồi ở nhà tự luyện thêm.
Tài liệu gì bổ trợ cho phần viết IELTS tốt nhất?
Tìm trên mạng, bạn có thể thấy rất nhiều lời khuyên như đọc báo tiếng Anh, BBC, CNN, New York Times (US), The guardian (UK), đọc truyện tiếng Anh, một số trang web về debates, bộ social issues ở thư viện của ACET, BC…
Kinh nghiệm của mình là mọi thứ trên đều tốt, nhưng nếu bạn đã xác định muốn tìm nguồn đọc để có ích cho phần Viết của IELTS thì cứ tìm và đọc bài mẫu trên 8.0 từ trang web ielts-simon.com của simon (giám khảo IELTS), A Solution to score 8.0, IELTS – Write Right, High-scoring Ielts Writing model answers. Giọng văn báo chí có nhiều câu không hợp với yêu cầu của phần Viết trong IELTS.
Nên viết theo khuôn mẫu hay phong cách tự do?
Thứ nhất, bạn nên lưu ý là giám khảo chỉ đánh giá cao nếu cấu trúc, từ bạn sử dụng liên quan đến chủ đề của đề bài. Ví dụ với chủ đề “health” là một số từ như: a major cause, poor health, manual jobs, physical activity, outdoor sports; chủ đề “technology” là: the latest innovations, revolution, major advance, progress…
Nếu bạn dùng các các câu hoặc từ mà bài nào cũng dùng được, giám khảo sẽ biết ngay bạn học thuộc và đương nhiên sẽ không đánh giá cao. Ví dụ: “One of the most controversial issues today relates to… In this essay, I am going to examine this question from both points of view….
In this essay, I will present both sides and also my own view on this subject. / Before airing my opinion, I will elaborate this controversial issue from diverse perspectives.On one side of the argument there are people who argue that the benefits of considerably outweigh its disadvantages. The main reason for believing this is that…”
Thứ hai, với những bạn trình độ 7+ thì mình không có ý kiến gì nếu viết theo phong cách tự do. Tuy nhiên, với các bạn trình độ thấp hơn, mình nghĩ các bạn nên đi theo một kiểu viết, tránh việc mỗi hôm viết một kiểu (điểm viết của bạn theo đó sẽ mỗi lần một khác). Ví dụ, bài viết gồm 4 đoạn: mở bài, 2 khổ thân bài, kết luận. Một đoạn văn bao giờ cũng bắt đầu bằng câu chủ đề. Triển khai các ý tưởng theo cấu trúc “ý tưởng – ví dụ – giải thích”.
Có người nói viết theo giám khảo Simon điểm thấp hơn, Matclark điểm cao hơn hoặc ngược lại. Nên học viết theo phong cách thầy nào? Thực ra kỳ thi IELTS thực chất chỉ là kỳ kiểm tra khả năng ngoại ngữ của người học không phải bản xứ và mức 9.0 của phần Viết IELTS chỉ là giống với người bản xứ. Với những người bản xứ được đào tạo để làm giám khảo IELTS như Mat Clark hay Simon thì tất cả bài viết của họ đều xứng đáng được 9.0 hoặc hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là bạn bắt chước phong cách của ai thì dễ hơn? Cá nhân mình thích hợp với cách viết của Simon.
Tại sao luyện viết rất nhiều (ngày nào cũng viết 2-3 bài) mà mãi không tiến bộ?
Mình luôn khuyên các bạn mới học viết IELTS nên bỏ thời gian vào việc chuẩn bị một bài viết như thế nào cho chuẩn thay vì cố gắng viết càng nhiều càng tốt. Ví dụ, với một bài task 2, bạn cần tìm hiểu bài đó thuộc dạng gì, chủ đề gì, bạn sẽ áp dụng cấu trúc gì, sử dụng các liên từ nào. Nên có người chữa bài cho bạn. Biết được lỗi sai ở đâu, sau đó sửa, bạn mới có thể tiến bộ nhanh. Đây cũng là lý do riêng với phần Viết thì mình nghĩ các bạn nên đi học 1-2 khóa cho biết nếu thấy tự học là quá khó.
Học theo văn mẫu thế nào cho hiệu quả? Bạn có thể rất háo hức khi tải được một file nén chứa hàng trăm bài mẫu trình độ trên 8.0, hoặc tìm được tuyển tập mấy trăm bài văn mẫu và nghĩ rằng đọc hết chúng bạn sẽ đạt được điểm cao hơn. Rất tiếc là đa số bạn đọc xong đều không thấy trình viết khá hơn chút nào. Tại sao lại thế? Đơn giản mỗi bài được viết theo một phương pháp riêng bởi những người viết khác nhau, sẽ rất khó cho bạn theo dõi và học hỏi được gì từ đó (ngoài vài từ mới). Do đó, bạn chỉ nên xem văn mẫu của một tác giả và học theo phương pháp, cách tiếp cận tác giả này áp dụng. Ví dụ bạn thích Mat Clark, hãy xem các bài văn mẫu của Mat Clark và học theo cách viết đấy, các bài mẫu người khác viết chỉ học hỏi lấy từ vựng thôi. Đừng ham hố tải các file nén chứa hàng nghìn bài luận về làm gì vì chúng thực sự không có ích như bạn tưởng.
Vậy tóm lại phải học và bắt chước theo cách viết của một tác giả. Nhưng bắt chước kiểu gì? Không cách nào khác là bạn phải bỏ thời gian ra tìm hiểu từng bài xem tác giả đấy viết thế nào, cách tiếp cận ra sao, dùng các cách triển khai ý, cấu trúc gì. Tất nhiên là sẽ mất thời gian và khá khó khăn cho các bạn mới bắt đầu.
Nguồn: Đất việt