Nên chọn khoá dự bị đại học hay A-level?

0
David_FewKhóa A-level hoặc Foundation (dự bị đại học) là bước đệm cho học sinh apply vào các trường đại học (ĐH) ở Anh. Vậy học sinh Việt Nam nên lựa chọn khoá học nào?

Trong dịp tuyển sinh tại Việt Nam, ông David Few (ảnh), giám đốc tuyển sinh khu vực châu Á của trường Bellerbys (Anh) có cuộc trò chuyện về vấn đề này.

Xin ông cho biết sự khác biệt giữa khoá học dự bị đại học và khoá A-level?

Khi các trường tuyển sinh vào hai khoá học này, yêu cầu đầu vào của A-level cao hơn so với dự bị đại học. Các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập, thông qua bảng điểm.

Về thời gian, học sinh học A-level mất tới hai năm, còn dự bị đại học chỉ một năm. Học sinh muốn biết kết quả thi A-level phải mất khoảng thời gian là ba tháng, trong khi chỉ mất ba ngày để có thể biết được kết quả thi dự bị đại học.

Đa số các trường ĐH danh tiếng tại Anh và trên thế giới như ĐH Oxford, Cambridge, Học viện Kinh tế Chính trị London, v.v… hay những trường mang tính đặc thù như nha sĩ, dược, kiến trúc, v.v… đều yêu cầu sinh viên phải trải qua khoá A-level.

Với khoá học dự bị đại học, chỉ có một số trường ĐH tuyển sinh diện này từ các trường đối tác. Ví dụ học sinh trải qua khoá học dự bị đại học tại trường Bellerbys có cơ hội vào 38 trường ĐH.

Với những học sinh có nhu cầu vào những trường ĐH có mức độ vừa phải, đều chọn khoá dự bị đại học.

Tại Trường Bellerbys, học sinh Việt Nam thường chọn khoá học nào?

Học sinh Việt Nam sang Anh, đa số thường chọn khoá A-level vì các em muốn được apply vào những trường ĐH danh tiếng, mở ra nhiều cơ hội cho các em.

Ví dụ trong năm 2006, có sáu học sinh tốt nghiệp khoá A-level tại trường Bellerbys apply vào được ĐH Cambridge (đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các trường ĐH tại Anh), 16 học sinh apply vào được trường Imperial College (đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các trường ĐH tại Anh) và 17 học sinh apply vào được Học viện Kinh tế Chính trị London (đứng thứ tư trong bảng xếp hạng các trường ĐH tại Anh), v.v…

Trong khi, không có học sinh khoá dự bị đại học nào tại trường Bellerbys apply vào được các trường trên.

Chương trình học A-level bao gồm một số môn học, trong đó học sinh Việt Nam thường lựa chọn những môn thiên về khoa học tự nhiên.

Với khoá A-level, học sinh phải chọn bốn đến năm môn học thuộc các lĩnh vực science/engineer (khoa học kỹ thuật), social (xã hội), medicine (y học), economics/business (kinh tế).

Thông thường có tới 98% học sinh được nhận vào các trường ĐH sau khi học các khoá A-level hoặc dự bị đại học.

Thưa ông, khoá học A-level ở trường công và trường tư có sự khác biệt gì không?

Đa số các trường công chỉ nhận một số lượng học sinh nhất định, trong khi sĩ số trong lớp học lại đông. Các trường công thường ưu tiên cho học sinh bản xứ. Các trường công chủ yếu tập trung vào khoá A-level, không có các dịch vụ giúp đỡ học sinh.

Còn các trường tư, ví dụ như trường Bellerbys, chỉ nhận ba đến chín học sinh vào một lớp. Các trường tư thường có đại diện giúp đỡ học sinh. Tất nhiên, với những lớp ít học sinh, giáo viên có điều kiện quan tâm hơn.

Về học phí phí, học sinh vào trường công chỉ mất 4.000 – 5.000 bảng/năm, còn trường tư tới 12.000 – 13.000 bảng/năm. Nhưng các trường thường có chính sách học bổng cho những học sinh xuất sắc từ 20-45% học phí. Các quỹ học bổng, quỹ tình bạn giảm 700 bảng/học kỳ (3 tháng).

Về nơi ở, đa số học sinh thuê nhà vì chi phí ở ký túc xá thường đắt gấp đôi phòng trọ. Thông thường, một học sinh thuê nhà khoảng 1.100 bảng/học kỳ, nhưng những vùng đắt đỏ như London thường có giá tới 1.700 bảng/học kỳ.

Chi phí ở ký túc xá hơi đắt, nhưng mỗi học sinh được ở trong một phòng độc lập, có công trình phụ khép kín.

Ông có lời khuyên gì đối với học sinh, sinh viên Việt Nam muốn du học ở Anh?

Khi muốn đi du học ở các nước, các em nên tìm hiểu kỹ thông tin qua các sinh viên đã và đang học tại các nước đó, đặc biệt cùng trường.

Khi có ý định học trường nào, học sinh, sinh viên cần phải xem xét chất lượng của trường đó. Nếu là những trường đào tạo A-level hoặc dự bị đại học, các em cần phải tìm hiểu đầu ra, cơ hội cho sinh viên vào các trường ĐH tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Thái (Thực hiện)
Share.

Leave A Reply