Sinh viên Ngoại thương tố bị ‘thực tập bóc lột’ ở Singapore

0

SSDH – Đặt chân đến Singapore, một số sinh viên xuất sắc của ĐH Ngoại thương Hà Nội ngỡ ngàng khi công việc thực tập tại sân bay Changi (Singapore) là đẩy xe lăn, giúp khách cởi quần đi vệ sinh… Nhiều bạn phải làm ca 1-9h sáng.

 

Đầu tháng hai, 48 sinh viên xuất sắc năm thứ ba và tư của ĐH Ngoại thương Hà Nội được đưa sang Singapore “thực tập và làm việc một năm” tại sân bay Changi (37 em) và chuỗi bán lẻ thời trang Wingtai (11 em). Theo nhà trường, đây là cơ hội thực tập trong “môi trường quốc tế chuyên nghiệp, hiện đại”, “nâng cao trình độ ngoại ngữ”, “mức lương hấp dẫn (tối thiểu 450 SGD một tháng)”…

 

Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, nhiều sinh viên đã gửi thư về trường phản ánh việc mình bị “bóc lột sức lao động”, “đối xử phân biệt” và điều kiện làm việc, sinh hoạt không đảm bảo đúng cam kết. Các sinh viên viết thư phản ánh đều đang làm tại SATS (công ty cung cấp dịch vụ mặt đất cho sân bay quốc tế Changi). Họ cho biết, công việc hàng ngày là đẩy xe lăn dành cho người khuyết tật, một số em “bị ép giúp khách cởi quần đi vệ sinh”, và thường xuyên bị xếp ca làm 1-9h sáng. 

 

Sinh-vien-Ngoai-thuong-to-bi-thuc-tap-boc-lot-o-Singapore

Sinh viên Ngoại thương trong bộ đồng phục nhân viên hỗ trợ đặc biệt ở sân bay Changi (Singapore). Ảnh: FTU.


“Công việc vất vả, đồng lương bèo bọt, phân biệt đối xử, đành chịu nhưng họ bắt bọn em làm ca 1-9h sáng, hại sức khỏe kinh khủng, nhất là con gái. Nhiều lúc nghĩ đến phát khóc…”, một nữ sinh viên chia sẻ.

 

Theo một số sinh viên, đến khi đi huấn luyện ở sân bay, họ vẫn không biết rõ tính chất công việc, nội dung hợp đồng với SATS ra sao. Hơn nữa, phía đối tác trả lương, trợ cấp chậm, đồ dùng sinh hoạt chất lượng thấp, Internet ì ạch… “Trường mình là đại học hàng đầu của Việt Nam, dạy chúng em làm ăn với đối tác nước ngoài sao cho không bao giờ bị thua thiệt. Nhưng em cứ có suy nghĩ là trường mình đã bị lừa”, một nữ sinh viên bộc bạch.

 

Trong khi bức xúc của sinh viên khóa đầu đi thực tập và làm việc ở Singapore chưa được giải quyết, ĐH Ngoại thương tiếp tục tuyển khóa 2&3 sang đảo quốc sư tử và khẳng định đây là sự nối tiếp “thành công của đợt 1”.

 

Chiều 23/4, trao đổi với VnExpress.net, thạc sĩ Đào Thị Thu Hà, Phó phòng Hợp tác Quốc tế (ĐH Ngoại thương) cho biết, vài tháng trước khi đưa 48 sinh viên sang Singapore thực tập, đích thân Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và đoàn cán bộ phòng đào tạo đã có chuyến tiền trạm, kiểm tra địa điểm sinh viên sẽ làm việc.

 

Do đây là đợt đầu tiên gửi sinh viên sang Singapore nên trường đã mời công ty môi giới tuyển dụng Interisland (Singapore) phối hợp tổ chức hội thảo thông tin. Interisland cho hay, sẽ giới thiệu lao động cho công ty SATS và Wingtai – các đối tác lần đầu hợp tác của ĐH Ngoại thương.

 

Theo bà Hà, phía môi giới đã phỏng vấn sơ tuyển để kiểm tra trình độ sinh viên, đồng thời giải thích với sinh viên về công việc cũng như chế độ, tiền lương… “Lúc phỏng vấn, khi được hỏi có sẵn sàng đẩy xe giúp đỡ hành khách đặc biệt không, tất cả đều trả lời có. Vấn đề ở đây là giao tiếp tiếng Anh, có bạn nghe rõ, có bạn nghe không rõ lắm gây ra tình trạng các em tưởng tượng”, bà Hà chia sẻ.

 

Sân bay vận hành 24/24h, nên bà Hà cho hay, việc làm ca đêm không tránh khỏi và thời gian làm việc đã được thông báo trước tới các em. Nhưng trước bức xúc của sinh viên, SATS đã bỏ ca 1-9h sáng. Còn những ca 12 tiếng được rút ngắn và bố trí thời gian nghỉ hợp lý hơn. 

 

Sinh-vien-Ngoai-thuong-to-bi-thuc-tap-boc-lot-o-Singapore2

Thông báo tuyển thực tập sinh đợt 2&3 tại Singapore.


Dù cho rằng, sinh viên kêu ca là do chưa quen với cường độ làm việc thực sự nên bị sốc, nhưng bà Đào Thị Thu Hà cũng thừa nhận, Interisland đã cung cấp Internet muộn và chậm tiền hỗ trợ cho sinh viên. Vấn đề này đã được đối tác giải quyết sau khi có sự can thiệp của trường.

 

Trước phản ánh của sinh viên về việc phải đẩy xe lăn, thậm chí bị ép giúp hành khách cởi quần đi vệ sinh, bà Hà cho rằng, công việc các em đang làm “ít nhiều liên quan tới ngành học”. Thông qua công việc, sinh viên có kiến thức thực tế ngoài những gì được học trong sách vở.

 

Về khoản hoa hồng Interisland trả cho trường, bà Hà cho biết, khoản tiền này “không đáng kể, khoảng 100 USD một em” bởi trường không làm thương mại mà chỉ là tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập ở nước ngoài.

 

Đầu tháng 5 tới, ĐH Ngoại thương Hà Nội sẽ cử một đoàn công tác sang Singapore để giải quyết sự việc và trấn an tâm lý sinh viên.

 

Bình Minh

Share.

Leave A Reply