SSDH – Cho con du học từ cấp III đang là lựa chọn của nhiều phụ huynh, nhưng liệu bước đi này có thật là bước đi chiến lược để tìm được chiếc vé vào các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài hay không thì vẫn còn là một ẩn số.
Nỗi lòng tuổi vị thành niên
Gặp Trần Bá Khôi Nguyên, người vừa được 11 trường đại học ở Mỹ nhận vào với những ưu đãi lớn về mặt học bổng, tại TP.HCM. Mùa Thu năm nay, Nguyên sẽ sang Mỹ nhập học nhưng trước đó, Nguyên đã rời gia đình từ năm lớp 9, khi còn là học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, sang Singapore học cấp III.
“Quá trình hòa nhập ở xứ người lâu, không toàn màu hồng như mình nghĩ”, Nguyên chia sẻ về chặng đường du học đầu tiên của mình như thế. Vẫn biết đi du học từ cấp III là quá sớm, phụ huynh cũng hết sức lo lắng, nhưng Nguyên đã phải cố gắng thuyết phục. Sang Singapore, điều khó khăn nhất với Nguyên là thái độ phân biệt đối xử với học sinh nước ngoài của sinh viên bản xứ.
“Khi cho con đi nước ngoài sớm, cha mẹ thường lo lắng con mình ăn ở thế nào nhưng thực tế, vấn đề này rất đơn giản, học sinh có thể tự lo được. Điều khó khăn nhất là khi không có người thân bên cạnh, không có người để thổ lộ những bức xúc của mình, gọi điện thoại về gia đình thì cũng chẳng chia sẻ được vì cha mẹ không có trải qua những chuyện tương tự”, Nguyên kể.
Ngoài vấn đề về tâm lý, việc hòa nhập ở xứ người khi đi du học sớm cũng chẳng dễ dàng, bởi bạn bè quốc tế thường có sự chênh lệch về mặt đời sống.
Khôi Nguyên kể, học sinh quốc tế theo học phần lớn là tầng lớp thượng lưu, học sinh Việt Nam sang lại nhờ học bổng là chính nên khoảng cách này cũng là một trở ngại. “Ngay cả trong nội dung trao đổi với nhau, dù học cùng nhưng cũng có sự khác biệt”, Nguyên chia sẻ.
Đứng ở phía phụ huynh, ông Lê Tấn Phước, phụ huynh của bạn Lê Tấn Việt, du học sinh tại Mỹ, cho biết, sự khác biệt văn hóa chính là nỗi lo khi chấp nhận đưa con đi học từ năm cấp III. “Thời gian đầu, cho con đi một mình, chúng tôi rất là lo lắng. Thậm chí, tôi đã dùng kinh nghiệm của mình ở Mỹ, viết bản hướng dẫn 4 trang giấy, đi lại thế nào, ăn uống ra sao… để hướng dẫn con. Vấn đề truyền cảm hứng và quyết tâm cho con mình rất quan trọng”, ông Phước chia sẻ. Tuy nhiên, ông vẫn chấp nhận để con đi sớm, và đi một mình để có thể tự chủ và đứng trên đôi chân của mình.
Nền tảng vững chắc
“Với tôi, đây là một quyết định đúng đắn”, ông Lê Tấn Phước nhận định về việc cho con đi du học sớm như vậy. Bởi, điều mà con ông nhận được chính là khả năng hòa nhập, nền tảng mà những du học sinh sang nước ngoài học đại học sẽ phải mất nhiều thời gian hơn. “Du học sớm, dù xét về mặt kiến thức lý thuyết với các bạn học sinh trong nước nhưng bù lại, chúng tôi có thời gian hoạt động ngoại khóa nhiều hơn.
Các trường ở nước ngoài cũng vun đắp phát triển khả năng cho học sinh hơn”, Lê Tấn Việt chia sẻ. Từ lớp 11, Việt đã lên đường du học. Tuy nhiên, hai năm học trung học ở Mỹ nhưng Việt cũng mập mờ về việc xin học bổng khi bước vào đại học, trong khi tài chính vẫn là vấn đề lớn nhất của phụ huynh Việt Nam.
Đồng quan điểm, Đoàn Nguyễn Duy Anh, du học sinh tại Mỹ từ cấp III, cho biết, dù học phổ thông ở Mỹ trước, nhưng mình vẫn khó khăn khi đại học vì vẫn là người nước ngoài. Thầy cô cũng không hướng dẫn. Duy Anh tiết lộ: “Không phải học giỏi là được các trường đại học nhận vào, mà phải tổng hòa tất cả những khả năng ngoại khóa, hoạt động xã hội, năng khiếu…
Đặc biệt, sự hòa hợp của sinh viên và trường cũng rất quan trọng. Do đó, muốn vào được trường hỗ trợ tài chính tốt 90%, học sinh phải tham gia các diễn đàn để có chiến thuật tìm trợ cấp phù hợp”.
Rõ ràng, học cấp III ở nước ngoài vẫn có những bất cập. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là những người đi trước đã biết những điều cơ bản, tham gia được những hoạt động ngoại khóa và nhất là có điều kiện tiếp xúc với người bản xứ.
Như lời bạn Lê Tấn Việt: “Bước khởi đầu, những người sang sớm đã đi xa hơn, nhưng trong cuộc đua dài ấy, không biết cố gắng thì cũng sẽ bị bỏ lại”.
NAM KHUÊ