SSDH – Du học sinh thường được coi là một thế hệ người Việt mới năng động và hội nhập, thực hiện sứ mệnh “tầm sư học đạo” nơi nước bạn với đầy kì vọng, nhưng bức tranh về những người trẻ đi học xa xứ cũng không hẳn chỉ toàn gam màu sáng…
Kì 1: Chuyện hòa nhập
Để có thể học tốt ở xứ người thì chuyện hòa nhập vào cuộc sống, văn hóa và môi trường học tập ở nước bạn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt là ở những nước có sự khác biệt lớn về lối sống so với Việt Nam. Ấy vậy nhưng…
Suốt mấy năm học phổ thông, Mai Anh – một cô gái thế hệ 9X Hà Thành – luôn làm cho bố mẹ hết sức yên tâm và hài lòng với kết quả học tập của mình. Ngoài ra, cô bạn còn rất ngoan ngoãn, ngoài giờ học thì chỉ ở nhà và “cày” tiếng Anh. Vì vậy, việc Mai Anh giành một suất học bổng đi học ngành truyền thông tại một quốc gia tiên tiến tại châu Âu là điều không khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng chính Mai Anh và gia đình cũng không hề nghĩ được rằng, tính hiền lành, khép mình đã khiến giấc mơ du học của cô bạn không đẹp như mong đợi.
Dù có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt song sang nước ngoài rồi mà cuộc sống của Mai Anh cũng không khác hơn ở Hà Nội là bao nhiêu: cũng chỉ đến trường và về nhà. Không tham gia bất cứ một hoạt động sinh hoạt tập thể nào, không yêu, không đi xa khỏi thành phố nơi mình đang học tập… là “ba không” mà cô gái này tự đặt ra cho mình.
Hệ quả là cô bạn cứ lủi thủi một mình một bóng. Trong khi những sinh viên Việt Nam khác tổ chức sinh nhật chung, đi du lịch, dã ngoại thì Mai Anh lại ôm chiếc lap và… trò chuyện với mẹ ở Việt Nam. Cả những chuyến ngoại khóa, thực hành vốn rất thường gặp ở lớp đại học thì bạn bè vẫn bắt gặp hình ảnh một cô gái Việt lặng lẽ, chỉ chăm chăm hoàn tất nhiệm vụ được giao để nộp bài tập là đủ. Kể cả với những người bạn sống chung căn hộ (khác phòng), cô cũng hạn chế giao tiếp ở mức tối đa.
Sau hai học kì, nhận thấy con gái thường xuyên liên lạc về nhà trong tình trạng… u uất, có vẻ mệt mỏi, chán chường hơn thì bố mẹ Mai Anh mới tá hỏa, vội vàng bay sang ngay. Và nguyên nhân của tình trạng trên chỉ là dù đã “sang Tây” học, cô con gái rượu “vẫn ngoan như ở nhà”. Òa khóc trong lòng mẹ, Mai Anh nức nở: “Mẹ ơi, sao đã một năm rồi mà con vẫn không hòa nhập được!”
Nhiều bạn du học sinh cũng gặp những tình trạng tương tự khi mà họ quá sống khép mình, lo lắng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu không tốt như trên phim ảnh, có trường hợp, có bạn lại cho rằng, chỉ cần học tốt là đủ mà không nghĩ: để học tốt, thì trước hết phải sống tốt đã. Cũng lại xảy ra tình huống, nhiều chàng trai, cô gái Việt cũng cố gắng tỏ ra mình đang hòa nhập, nhưng lại “độc” chơi, nói chuyện với… người Việt mà thôi.
Điều kéo theo dễ hiểu là thầy cô, bạn bè nước ngoài, thậm chí là cả người Việt cũng không thể nào “ưa” hay sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ họ (lúc cần), trong khi chính những du học sinh này đang tự “nhóm” mình lại và cho rằng, thế là đủ, dẫu cho mình đang ở nơi xứ người!
(Còn tiếp)
Đông Đức (SSDH) – Theo Dân trí