Võ Thị Thùy Trang chia sẻ kinh nghiệm đoạt giải thí sinh Miss ITgo 2013 tại New Zealand

0

SSDH – Lọt vào Chung kết Miss ITgo – Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam 2013 và đang trong top đầu cuộc thi ảnh trực tuyến, bên lề cuộc thi, Võ Thị Thùy Trang có những chia sẻ thú vị về kinh nghiệm học tập tại quốc đảo New Zealand.

 

Miss ITgo – Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam 2013 là cuộc thi do Trung tâm đào tạo trực tuyến ITgo thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hai năm một lần.

 

Học tiếng Anh từ trẻ em bản xứ

 

Võ Thị Thùy Trang (SN 1995) sinh ra ở Hà Tĩnh. Em là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành marketing và kinh doanh quốc tế, Đại học Victoria, New Zealand.

 

Trang đã có 2 năm rưỡi đi du học tại New Zealand. Thời điểm bắt đầu đi du học, Trang vừa học xong lớp 9 tại Việt Nam. Không may mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ xíu, Trang được gia đình đưa ra Hà Nội sống cùng cậu mợ. Trang bắt đầu cuộc sống tự lập khi mới chỉ là cô bé học lớp 1. Vì vậy khi sang New Zealand, không khó để em thích nghi với cuộc sống mới.

 

Võ Thị Thùy Trang chia sẻ kinh nghiệm đoạt giải thí sinh Miss ITgo 2013 tại New Zealand

Võ Thị Thuỳ Trang

 

Trang chọn thành phố Nelson là điểm đến, đây là một thành phố nhỏ, yên bình, ít dân. “Người dân ở đây rất hiền lành, lịch sự, hàng ngày khi em đi học, có nhiều người thậm chí không biết em là ai vẫn chào hỏi rất thân thiện”, Trang kể về thành phố gắn bó suốt 2 năm trung học.

 

Với bài thi thử môn Toán và Tiếng Anh đầu vào, Trang được xếp vào lớp 11. Sau một năm học tập, nỗ lực, với điểm số đạt được Trang được nhảy cóc lên học lớp 13. New Zealand xét tuyển vào đại học dựa trên số điểm học sinh đã tích được ở bậc trung học, lên lớp 13, Trang được tư vấn chọn ngành nghề tương lai và học 5 môn theo đúng chuyên ngành mình định hướng sẽ theo đuổi ở bậc đại học, bao gồm: Kinh tế học cơ bản, 2 môn Toán, tiếng Anh, môn xã hội (tìm hiểu về văn hóa các nước). Với mô hình lớp học ít học sinh, thầy cô dạy mỗi ngày một lượng kiến thức rất ít, rải rác để học sinh thực sự hiểu bài.

 

Năm đầu tiên, nhà trường sắp xếp cho Trang ở cùng một gia đình bản địa. Gia đình đó có một em bé 9 tuổi, Trang thường trò chuyện với em, mỗi khi Trang phát âm tiếng Anh sai là cậu bé đó chỉnh sửa luôn. Cứ cuối tuần, hai chị em lại cùng nhau vào bếp, làm bánh, vừa trau dồi kĩ năng giao tiếp, vừa học được công thức nấu ăn vô cùng thú vị.

 

“Mỗi khi em cần tìm một món đồ ở xa, gia đình đều sẵn sàng chở em đi mua, những hôm mưa to lại đến tận trường đón em. Bà chủ biết em nhớ nhà đã cố gắng học nấu món Á cho em, phải thú thật những món bà nấu rất khó ăn, nhưng em rất biết ơn vì những quan tâm ấy. Rồi khi bà thấy em ít đi chơi quá thì đã giới thiệu cho em một lớp học tiếng Anh ở nhà thờ do người bản địa mở ra để giúp những người ngoại quốc nói tiếng Anh. Em tới đó trò chuyện, giao lưu với mọi người mỗi tuần một buổi. Thỉnh thoảng mọi người lại cùng nhau ra biển chơi, xem phim, nấu ăn, giao lưu văn hóa các nước. Năm thứ hai, em chuyển tới ở cùng một gia đình gốc Á để việc ăn uống thuận tiện hơn nhưng em vẫn rất nhớ quãng thời gian được gia đình bản xứ giúp đỡ nhiệt tình”, Trang kể.

 

Du học New Zealand – học cách mỉm cười

 

Lên Đại học, Trang sống chung nhà với một bạn người Việt ở thủ đô Wellington. Cả hai luân phiên thay nhau đi mua đồ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Siêu thị Yan’s và Asian Market là hai nơi có thể tìm được nhiều thực phẩm nấu món ăn Việt Nam. Ở đây rất khó tìm kiếm gia vị Việt Nam, rau củ cũng rất đắt đỏ nên mỗi khi nấu, Trang đều phải tự chế công thức nấu ăn theo cách của mình chứ không thể nấu giống như ở nhà. Gia vị nêm nếm thì chỉ có nước mắm chứ không có muối bột canh.

 

Nếu như cấp 3, mỗi lớp chỉ có từ 15-20 học sinh thì lên đại học, giảng đường có hàng nghìn sinh viên. Chính vì vậy, ngoài việc tập trung nghe giảng ở trường, về nhà Trang lại đăng nhập vào website của trường để xem lại tất cả các bài giảng đã được thầy cô ghi chú.

 

Có một điều rất thú vị là nếu như các buổi học trên lớp không mang tính bắt buộc thì giờ học ngoại khóa, sinh viên phải tham gia đầy đủ. Những cựu sinh viên có điểm số cao nhất môn học đó sẽ giải đáp tất cả thắc mắc của các bạn sinh viên đang theo học.

 

Võ Thị Thùy Trang chia sẻ kinh nghiệm đoạt giải thí sinh Miss ITgo 2013 tại New Zealand

Thuỳ Trang (thứ 2 từ trái sang) ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt.

 

Ngoài giờ học, Trang đi làm thêm. Sinh viên Việt ở New Zealand chủ yếu làm thêm ở siêu thị, nhà hàng, bưng bê đồ,… tối đa 20 tiếng 1 tuần. Để được nhận vào làm thu ngân ở siêu thị, Trang có một tháng học việc. Trong một tháng đó, Trang xếp đồ vào túi cho khách, quan sát cách mọi người giao tiếp với khách hàng, cách giúp đỡ khách hàng và cả cách mỉm cười, cách xử lý tình huống khi khách không hài lòng. Những lúc siêu thị vắng, Trang được đào tạo kĩ năng thu ngân.

 

“Em còn nhớ trong những ngày đầu, có một bà cụ cao tuổi vào mua hàng, giọng nói yếu ớt, hổn hển của cụ làm em không dịch được là cụ đang muốn tìm mặt hàng gì. Em hỏi lại cụ 2, 3 lần nhưng vẫn không nghe ra khiến cụ bực tức quát tháo: “Tao nghĩ mày nên về đi học lại tiếng Anh”. Em phải cố tiết chế sự tự ái, nói cảm ơn cụ và nhờ người quản lý ra giúp đỡ. Đó cũng là bài học giúp em trau dồi vốn tiếng Anh của mình hơn”, Trang nhớ lại.

 

Cuộc sống xa nhà khiến Trang đôi lúc tủi thân vì không có gia đình bên cạnh quan tâm, chăm sóc nhưng đổi lại, em rút ra được nhiều bài học hơn trong cuộc sống và trưởng thành hơn cả trong cách suy nghĩ.

 

Về Việt Nam tham dự Chung kết Miss ITgo – Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam 2013 cũng là cách Thùy Trang trau dồi thêm vốn sống và sự tự tin, tạo tiền đề thực hiện ước mơ trở thành một nữ doanh nhân thành đạt.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí

Share.

Leave A Reply