SSDH – Hãy cùng tìm hiểu các bạn du học sinh Việt nhận xét gì về những giáo viên ngoại quốc của họ nhé.
Cùng lắng nghe những câu chuyện, những kí ức về tình thầy trò của các học sinh Việt nhận được từ các giảng viên nước ngoài nhé!
Nguyễn Quang Huy và thầy giáo sư người Nhật đáng kính
Quang Huy là du học sinh tại Học viên Trung ương Aomori, Nhật Bản. Những ngày đầu đặt chân đến đất nước Mặt trời mọc, Huy đã gặp phải không ít khó khăn. Người thầy đã giang rộng vòng tay chào đón, mang đến cho Huy cảm giác ấm áp là giáo sư Sakai.
Huy nhớ lại: “Ngày đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản, tôi tình cờ gặp thầy tại thang máy trong khuôn viên trường, biết là sinh viên mới thầy hỏi thăm và quan tâm rất tận tình. Về sau, các anh chị khóa trên kể lại, tôi mới biết thầy là giáo sư lớn tuổi nhất tại học viện và rất quý sinh viên Việt Nam”.
Quang Huy và giáo sư Sakai
Tuy không phải là học sinh do thầy chủ nhiệm, nhưng những ngày đầu còn luống cuống với bài vở, Huy luôn nhận được từ thầy sự nhiệt tình giúp đỡ những khi không hiểu bài hay còn bí với mấy câu chữ tiếng Nhật khó nhằn. Huy ngưỡng mộ thầy vì sự tận tụy, thương yêu học trò.
Vì ở Nhật không có ngày Hiến chương các nhà giáo, nên nhân dịp 20-11 này, Huy muốn gửi đến thầy lời tri ân sâu sắc nhất: “Con chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe và tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ sinh viên tiếp theo bằng tấm lòng nhiệt thành và nụ cười hiền hòa mà tụi con rất thương!”
Nguyễn Ngọc Minh và kí ức về sự tận tình của cô hiệu trưởng
Với Ngọc Minh, nữ sinh được Tổng thống Mỹ tặng bằng khen thì kỉ niệm về cô hiệu trưởng Margaret Broad sẽ không bao giờ có thể lãng quên. Ngọc Minh cho biết, cô Margaret Broad từng là giáo viên dạy môn Phụ nữ và Lãnh đạo lớp 12, giờ cô đã nghỉ hưu.
Kí ức về cô Margaret Broad được Ngọc Minh kể lại như sau: “Tuần đầu tiên nhập học, bức tranh thêu mẹ mình đưa sang tặng trường bị vỡ kính, mình bối rối và không biết nên làm gì. Tuần đầu tiên trôi qua trong mệt mỏi và nỗi cô đơn, nhớ nhà khiến mình thường xuyên bật khóc khi đi đường một mình. Rồi hôm đó, cô Margaret Broad xuất hiện, cô gọi mình vào phòng làm việc của cô và đề nghị được mang bức tranh đi sửa. Cũng từ ngày đó, cô luôn là người động viên, chia sẻ với mình khi mình gặp khó khăn”.
Du học sinh Nguyễn Ngọc Minh
Với Ngọc Minh, cô Margaret Broad như một bà mẹ thứ 2, một người bạn lớn tuổi có thể chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Dù thời gian hiện tại, 2 cô trò ít gặp mặt nhau hơn nhưng trong lòng Ngọc Minh không bao giờ quên được sự dìu dắt đầu tiên ấy. Ngọc Minh hy vọng rằng, cô giáo đáng kính sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và thoải mái sau 23 năm công tác tại St.margaret’s không ngừng nghỉ.
Ngọc Minh cũng mong muốn trong chuyến đi chu du khắp thế giới mà cô Margaret Broad đang thực hiện, cô sẽ dừng lại ở Việt Nam. Khi ấy Minh sẽ có cơ hội giới thiệu hai người mẹ mà cô bạn yêu quý nhất với nhau.
Chàng trai nghịch ngợm và món quà sầu riêng tặng thầy
Nguyễn Kim (Kevin Socola) là chàng trai siêu quậy trong clip học trò gây “sốt” – “Bạn ơi”. Cũng như nhiều du học sinh khác, Nguyễn Kim luôn ấp ủ trong mình những kỉ niệm đáng yêu về những giảng viên nước ngoài từ dạy dỗ mình.
Cậu bạn siêu quậy Nguyễn Kim
Kim chia sẻ: “Vào ngày nhà giáo Việt Nam năm 2012, khi ấy mình muốn giữ truyền thống tri ân tốt đẹp nên đã chuẩn bị một món quà tặng cho thầy Ralph Nicastri, dạy ESL (English as a second language), trường Cao đặng cộng đồng Northern Virginia. Khi mình mang quà vào phòng thì thầy hỏi có chuyện gì, mình giải thích hôm nay, ở Việt Nam là ngày tri ân thầy cô và mình cũng muốn cám ơn thầy vì công lao dạy dỗ thời gian qua. Khi mình đặt món quà lên bàn thì thầy… lấy tay bịt mũi và chạy ra ngoài”.
Thì ra, chàng sinh viên này tặng thầy trái sầu riêng, là món mà chàng ta thích ăn nhất và cũng tin chắc rằng thầy Ralph Nicastri chưa từng nếm qua. Thật thú vị là từ sau ngày ấy, sầu riêng trở thành món ăn yêu thích của thầy dù mỗi lần ăn, thầy đều phải nhắm mắt và bịt mũi để thưởng thức.
Phan Anh Thư và kỉ niệm về nụ cười của cô phụ trách
Sang Úc du học từ năm 14 tuổi, Anh Thư đã gặp không ít khó khăn với nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết; và sự khó thích nghi với môi trường học tập, bạn bè, thầy cô mới. Vốn dĩ khi còn ở Việt Nam, Anh Thư luôn mặc định khoảng cách giữ thầy và trò, đó cũng là lí do khiến cô nàng e dè khi tiếp xúc với giáo viên dạy mình.
Anh Thư nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của cô giáo ngoại quốc
Tuy nhiên, khi sang Úc, Anh Thư đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn phiến diện này, đó là thời điểm Thư nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cô giáo R.Zull. Thư kể: “Cô Zull phụ trách khối 10 tại Taylors College. Thời gian đầu mới sang, mình hay khóc nhè vì nhớ ba mẹ, cô Zull thường gọi mình vào văn phòng để uống nước và trò chuyện. Sự cởi mở, thân thiên của cô làm cho mình thay đổi cách suy nghĩ trước đây. Mình nhận ra rằng: thầy cô, bạn bè cũng là nơi mình có thể nương tựa và tâm sự”.
Dù chỉ là một kỉ niệm be bé, không phải lớn lao; chỉ là những hành động nhỏ nhưng đối với Thư, nó còn hơn cả một vòng tay lớn, sưởi ấm cô khi đang bị hoang mang giữa những bỡ ngỡ và xa lạ. Và cũng nhờ đó, Thư có thêm chỗ dựa để phấn đấu và hoàn thành tốt việc học tập của mình.
Vũ Quân (SSDH) – Theo Tiin