Du học sinh năm cuối có gì?

0

SSDH – Dù cho năm cuối (năm ba hoặc năm tư tùy chương trình học) hứa hẹn nhiều bài vở và áp lực, nhưng thực tế nó cũng không quá tệ như bạn nghĩ.

 

du%20hoc%20sinh%20nam%20cuoi.jpg

 

Biết cách chối từ các cuộc vui

 

Cuối cùng thì bạn cũng biết nếm trải cảm giác khó chịu khi đến hộp đêm và những chốn vui chơi khi không thể “tập trung chuyên môn” được, giữa hằng hà sa số những bài vở còn ngổn ngang trong đầu. Năm đầu và năm thứ hai là khoảng thời gian bạn chẳng phải lo nghĩ khi đi hộp đêm vào… mỗi cuối tuần, nhưng những năm cuối thì tình hình đã đổi thay đi rồi. Chỉ cần một môn (hay một nhóm môn – module) điểm xấu, bạn có thể sẽ không qua được kì học, đành thi lại, thậm chí là học lại. Vì thế, không thể phủ nhận là sinh viên năm cuối biết lo nghĩ hơn cho việc học của mình là những tân binh mới còn mải mê làm quen, kết bạn sau những chầu vui.

 

Chỗ ở tiện nghi hơn

 

Càng du học lâu năm, bạn sẽ càng có nhiều kinh nghiệm trong tìm kiếm và các yêu cầu cũng cao hơn trong vấn đề nhà ở. Cùng một số tiền để chi cho vấn đề chỗ ở như hồi năm một, nhưng giờ bạn có thể tìm được những căn hộ ở khu vực tốt hơn vì đã biết đường sá trong thành phố, hay đơn giản là được ở cùng với những người bạn chia nhà thú vị hơn vì có sự cân nhắc sau rất nhiều kinh nghiệm chia nhà trước đó. Việc thỏa thuận, trao đổi với chủ nhà về các điều khoản thuê nhà tất nhiên cũng được quan tâm hơn. Nói tóm lại là chỗ ở của bạn vào năm học cuối bao giờ thường cũng rộng lớn hơn, tiện nghi hơn vì bạn hiểu biết hơn và quan trọng là bạn cần cho mình một không gian sống thoải mái để phục vụ cho việc học được tốt hơn.

 

Nhanh nhẹn hơn trong việc “chạy tiến độ”

 

Đây là thời điểm nước rút và bạn không chỉ có duy nhất một bài luận với số lượng chữ cần viết mỗi tháng. Giờ là lúc phải vừa làm bài luận, vừa chuẩn bị hồ sơ xin thực tập năm cuối, làm bài tập nhóm, viết luận cá nhân và thậm chí là còn phải bắt đầu âu lo cho vấn đề xin việc làm, xin giấy tờ ở lại nước sở tại (nếu được phép) sau khi ra trường. Với những kĩ năng “chạy deadline” đã được tôi luyện trong những năm trước, cộng thêm khối lượng công việc khủng khiếp của năm cuối, tự thân bạn sẽ nhanh nhẹn hơn trong việc sắp xếp thời gian biểu của mình.

 

Tìm được công việc làm thêm tốt hơn

 

Ở những năm đầu có thể bạn sẽ gặp những khó khăn về ngôn ngữ khi đi xin việc làm thêm. Vào năm cuối, đây có lẽ là một trong những vấn đề nhỏ nhất mà bạn phải đương đầu. Kinh nghiệm sống vài năm trước đó đã giúp cho kĩ năng ngoại ngữ của bạn tốt hơn và bạn cũng tự tin hơn trong vấn đề giao tiếp. Hơn nữa, việc đã từng kinh qua nhiều việc làm thêm khác nhau trong suốt thời kì đi học cũng đã tích lũy cho bạn những kĩ năng làm việc (giao hàng, giữ trẻ, phụ bếp, chạy bàn…), giúp bạn xin việc làm thêm được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Thậm chí, với mạng lưới bạn bè được gầy dựng trong những năm tháng qua, bạn có khi còn được chọn lựa việc làm thêm cho mình, thay vì cuống cuồng đi gõ cửa từng cửa hàng một như sinh viên năm một.

 

Tâm lý “sắp tốt nghiệp rồi”

 

Cuộc đời du học thật đẹp nhưng cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy nản lòng vì nhiều thứ: tài chính, tâm lý, nhớ nhà, thời gian học (đối với những chương trình kéo dài lê thê)…  vì thế niềm vui sắp lấy được bằng là điều có thật, tồn tại đâu đó trong nếp nghĩ mỗi du học sinh. Và bởi vì cái suy nghĩ “chỉ còn vài tháng nữa thôi” mà bạn dường như càng có thêm động lực mỗi khi chùng lòng.

 

Nguồn: US News

Share.

Leave A Reply