Tết buồn của du học sinh Việt ở Melbourne

0

SSDH – “Năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc giao thừa, là nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân cha mẹ lại dâng lên da diết. Vào dịp Tết, giao thừa bên Việt Nam là bên đây đã 4 giờ sáng. Nhiều du học sinh gọi điện thoại đường dài chúc Tết gia đình, họ hàng rồi lại phải tức khắc đi ngủ”.

 tết.jpg

Dù không được đón Tết cùng với gia đình ở Việt Nam, nhưng các du học sinh

cố gắng tự tạo cho mình một cái Tết thật ấm cúng trên đất Australia.

 

Tết là ngày lễ quan trọng nhất của truyền thống dân tộc Việt Nam ta. Một năm có 12 tháng, một tháng 30 ngày, 365 ngày mới có được vài ngày để gia đình gác bỏ công việc trên tay để đoàn tụ, ăn chung bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên, là dịp để thử giãn, nghỉ xả hơi sau một năm làm việc vất vả.

 

Thế nhưng, những du học sinh Việt Nam không cha, không mẹ, không gia đình bên cạnh như chúng tôi thì ăn Tết như thế nào?

 

“Tủi thân và nhớ nhà lắm!”, Lan Phạm, chị kế bên nhà tôi, du học sinh Việt Nam từ Hải Dương vừa gạt nước mắt vừa chia sẻ. Đây là lần đầu tiên chị ăn Tết xa quê. Còn tôi, một du học sinh từ Sài Gòn, đã có ba năm “thâm niên” ăn Tết một mình nơi đất khách.

 

Tết của du học sinh chúng tôi không vui, không nhộn nhịp, dù Melbourne là một trong những thành phố lớn của Australia. Là nước phương Tây nên ở đây không có Tết.

 

Những ngày Tết cổ truyền Việt Nam là ngày bình thường của bao người dân Melbourne, vẫn sáng đi làm rồi chiều tối về. Những du học sinh chúng tôi đa phần có hoàn cảnh giống nhau, đều không có người thân gia đình bên cạnh vào những dịp lễ Tết, thường tìm đến với nhau, cùng gom góp tiền mua vài hộp bánh, vài loại mức, bánh chưng để cho có không khí Tết.

 

Và bên đây, rất ít nhà có bàn thờ tổ tiên, vì đa phần du học sinh ở nhà thuê hoặc homestay (dạng người bảo lãnh) nên đa phần chủ nhà không cho để bàn thờ, càng không thể thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên. Nhà bên Australia bắt buộc phải gắn thiết bị báo cháy, nếu thắp nhang sẽ sinh ra khói và hệ thống báo cháy sẽ hoạt động, và những người cứu hoả sẽ tìm đến tận nhà.

 Chùa%20Quang%20Minh.jpg

Chùa Quang Minh, ngôi chùa của cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì Melbourne do khách thập phương quyên góp ủng hộ, đa phần là kiều bào Việt Nam. Đây là điểm đến đón giao thừa lý tưởng của các bạn du học sinh xa quê hương.

 

Du học sinh, được rảnh giờ nào là đi làm giờ đó, để trang trải chi phí đắt đỏ bên này. Nhiều năm, Tết nhất nhằm vào ngày trong tuần, vẫn phải xách cặp đi học, rồi chiều về đi làm quần quật tới 10, 11 giờ đêm. Nếu nhằm vào cuối tuần thì đi làm từ sáng sớm tới trời tối mịt mới được về. Thành ra, Tết về Việt Nam để đoàn tụ, chung vui, và ăn bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên và cười nói vui vẻ là niềm mơ ước của biết bao nhiêu thế hệ du học sinh chúng tôi.

 

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc giao thừa, là nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân cha mẹ lại dâng lên da diết. Vào dịp Tết, múi giờ Melbourne hơn Việt Nam 4 tiếng, nên giao thừa bên Việt Nam là bên đây đã 4h sáng. Nhiều du học sinh gọi điện thoại đường dài chúc Tết gia đình, họ hàng rồi lại phải tức khắc đi ngủ, không thì sáng hôm sau sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập.

 

Nhiều du học sinh khác thì tụ tập thành một nhóm nhỏ dẫn nhau đi chùa, cầu lộc tài may mắn cho năm sau. Hoặc các bạn đi các hội chợ Tết diễn ra tại những khu người Việt với đầy đủ các loại món ăn dân gian đường phố và trò chơi phong phú.

 

“Có những hội chợ như thế này cũng giúp em đỡ phần nào nỗi nhớ quê hương.”-Minh, bạn cùng phòng tôi, du học sinh đến từ Hải Phòng, lần đầu tiên ăn Tết xa quê cho hay.

 

“Xa nhà dịp Tết, đều nhớ nhất là buổi cơm tất niên với cả gia đình vì đó là buổi quây quần, đầm ấm và hạnh phúc nhất”, Phúc Trương, du học sinh đến từ Cần Thơ, qua Australia được ba năm bùi ngùi chia sẻ.

 

Về nước ăn Tết, nói dễ, khó làm

 

Nhiều năm Tết nhằm ngày đi học, hoặc ngày khai giảng, học sinh chúng tôi không thể vắng mặt, bởi du học sinh nếu vắng mặt quá số ngày cho phép sẽ bị Bộ di trú cắt visa. Hoặc nhiều bạn sợ không thể bắt kịp bài nên không dám về. Hoặc Tết nhất trùng với lịch làm, mà công việc không thể nghỉ lâu, nên đành ngậm ngùi lủi thủi đón xuân trên đất khách.

 

“Thà đừng Tết, chứ Tết mà lủi thủi một mình, buồn thúi ruột”, Tuấn Lê, du học sinh đến từ Bảo Lộc, đã hai năm không được ăn Tết tại quê nhà với gia đình, chia sẻ.

 

Thế nên, ông bà ta mới có câu, dù có đi tha hương thập phương thì Tết nhất cũng phải về nhà đoàn tụ, chung ăn bữa cơm và quây quần bên nhau. Những ai đi du học hoặc đi làm xa nhà mà không có điều kiện về ăn Tết với gia đình hẳn đều trải qua những cảm giác này. Thế nên, nếu có thể hoặc điều kiện cho phép, cứ về đoàn tụ ăn Tết với gia đình, bởi không có gì quý giá bằng cái Tết cổ truyền với sự góp mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply