Nỗi khổ của trợ giảng Việt chấm bài cho sinh viên Mỹ

0

SSDH – ‘Biết đâu chỉ vì một điểm A của bạn, học sinh sẽ được nhận vào Harvard? Nhưng cũng có thể chỉ vì một điểm B bạn chấm, người học sẽ mất đi cơ hội được nhận vào nơi làm việc họ khát khao?’, Ngô Di Lân, trợ giảng tại Đại học Brandeis (Mỹ) chia sẻ.

 

Nói ra thì hơi xấu hổ nhưng ngày còn nhỏ, mỗi khi bị giáo viên phạt hay cho điểm kém, tôi chỉ mong có một ngày trở thành người thầy để “trù” lại con của các cô. Tôi thầm nghĩ, sự trả thù này sẽ ngọt ngào lắm đây. Giờ đến lúc được lên lớp, được giảng bài, chấm bài, với tư cách là trợ giảng cho giáo sư môn Quan hệ quốc tế đại cương, Đại học Brandeis (Mỹ), tôi mới thấy ngày xưa mình ngây thơ và nực cười làm sao. Nắm “quyền sinh sát” không sướng như thế.

 Ngô%20Di%20Lân.jpg

Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tại Đại học Brandeis, Mỹ. Ảnh: NVCC.

 

Quyền lực đi đôi với trách nhiệm. Chấm bài, đồng nghĩa với việc bạn sẽ quyết định điểm số của học sinh. Biết đâu chỉ vì một điểm A của bạn, học sinh sẽ được nhận vào Harvard? Nhưng cũng có thể chỉ vì một điểm B bạn chấm, người học sẽ mất đi cơ hội được nhận vào nơi làm việc họ khát khao? Có khi chỉ nhờ một điểm A bạn cho, học sinh có động lực để tiếp tục theo đuổi ước mơ làm bác sĩ? Nhưng biết đâu chỉ vì một điểm C của bạn mà người học nhụt chí, huỷ bỏ giấc mơ trở thành luật sư? Đương nhiên chẳng ai trả lời được những câu hỏi này. Nhưng tôi biết rằng, đôi khi những thứ rất nhỏ lại có hệ quả rất lớn. Vì thế đừng bao giờ đánh giá thấp bất kỳ thứ gì, dù là những thứ nhỏ bé và tầm thường nhất.

 

Điều tôi thích ở bộ môn Toán, đó là hết sức chính xác. 1+1 phải bằng 2, không thể nào khác được. Vì thế nên việc chấm điểm sẽ không mấy khó khăn. Giáo viên được giao barem, cứ nhìn theo đó mà chấm. Nếu học sinh làm tắt, không trình bày đầy đủ hay sạch đẹp thì trừ bớt điểm tuỳ theo mức độ. Nếu kết quả sai thì trừ điểm tiếp. Còn ra kết quả đúng, trình bày đầy đủ các bước mà lại sạch đẹp thì đương nhiên là 10, không có gì phải bàn cãi. Giá môn Văn cũng như vậy.

 

Mỗi lần chấm tiểu luận hay bài thi của sinh viên, tôi đều nhận được barem chấm điểm từ giáo sư. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ, cứ chiếu theo cái khung đó mà chấm thôi, mọi việc rất đơn giản mà. Nhưng không hề bởi trong các môn khoa học xã hội làm gì có đúng, có sai. Điều này càng đúng ở các nước phương Tây, nơi tư duy phản biện được khuyến khích ở mức độ tối đa. Tôi vẫn nói với sinh viên rằng “các em đừng lo, không có luận điểm nào đúng, luận điểm nào sai, chỉ có luận điểm nào thuyết phục hơn mà thôi”. Chính vì thế cuối cùng barem cũng chỉ là thứ để tham khảo, còn người chấm bài vẫn phải tự quyết định nên cho sinh viên bao nhiêu điểm câu này, tự đánh giá dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục của luận điểm này đến đâu. Những lúc đó chỉ có mình bạn với cây bút, không ai có thể giúp bạn cả.

 

Chấm một mình đã khó, chấm “nhiều mình” còn khó hơn. Mỗi lớp có đến gần trăm sinh viên nên cả giáo sư và mấy trợ giảng đều phải xắn tay vào cùng chấm bài. Nghịch lý nằm ở chỗ mỗi người chắc chắn sẽ chấm một kiểu nhưng giáo sư lại muốn mọi người chấm đều tay để đảm bảo sự công bằng cho sinh viên. Nói cách khác, không được phép có chuyện người chấm chặt, người chấm lỏng.

 

Và khi bạn là người duy nhất trong 4 người chấm chặt thì cảm giác thật là đáng sợ. Đây cũng là lúc tôi nhận thức được sự xung đột giữa hai nền văn hoá một cách mãnh liệt nhất. Một người bạn từng nói với tôi rằng: “Giáo viên Mỹ luôn khiến cho phụ huynh cảm thấy con cái họ như thiên tài còn giáo viên Việt thì khiến phụ huynh cảm thấy con cái họ như đồ bỏ đi”. Có lẽ nói như vậy hơi ngoa nhưng tôi nghĩ cũng phần nào phản ánh sự thật.

 

Ở Mỹ, nếu con bạn không học giỏi, giáo viên sẽ tìm bằng được một cái gì đó để khen, động viên. Còn các thầy cô giáo ở Việt Nam, theo trí nhớ của tôi, có vẻ họ không ngại tuôn ra một tràng như “cháu nhà anh chị lười làm bài tập rồi hay nói chuyện riêng trong lớp lắm”. Giáo viên Mỹ thường tìm mọi cách để nâng điểm cho học sinh. Nếu câu trả lời không thật sự chính xác nhưng học sinh thể hiện rằng mình đã nỗ lực thật sự và “đang đi đúng hướng” thì giáo viên sẽ trừ điểm rất nhẹ tay để động viên. Thậm chí họ sẽ đọc đi đọc lại câu trả lời của bạn để tìm xem có gì hay để cho điểm. Ở Việt Nam, nếu bạn làm sai, thiếu ý, giáo viên sẽ trừ điểm. Đơn giản là vậy, sai là sai mà đúng là đúng, trắng – đen phải rõ ràng.

 

Thế nên nhiều lúc tôi thấy rất khó chịu với những người chấm điểm cùng mình. Tại sao họ cứ phải cố “bới móc” ra những điểm hay trong câu trả lời của học sinh trong khi cái duy nhất tôi nhìn thấy là những câu trả lời dài dòng, lòng vòng và thiếu chính xác? Tại sao họ cứ phải lo là điểm trung bình của lớp thấp quá rồi giáo viên chấm điểm thế này là khắt khe quá? Tôi sẽ không bao giờ cho điểm cao một câu trả lời mà tôi thấy không xứng đáng, làm ngược lại điều đó là làm trái với lương tâm của mình. Cứ rõ ràng, trắng đen như ở Việt Nam có phải tốt hơn không?

 

Thế rồi tôi cũng hiểu rằng tất cả chỉ là sự khác biệt giữa hai nền văn hoá, hai nền giáo dục. Tôi vốn được tôi luyện trong một nền giáo dục chuyên đào tạo ra các “chiến binh”, “cỗ máy” săn thành tích và huy chương. Vì thế, tôi quen mọi thứ phải khắt khe, chính xác. Triết lý giáo dục của phương Tây, của người Mỹ hoàn toàn khác. Cái họ quan tâm là sau này, khi học sinh đã trưởng thành thì làm được điều gì cho đời. Họ luôn quan niệm rằng học sinh có thể kém cái này, giỏi cái kia, đấy là chuyện vô cùng bình thường. Và rốt cuộc thì học sinh là những con người chứ không phải là cỗ máy. Thế nên lúc chấm điểm, giáo viên phải dùng cả cái đầu, lẫn trái tim. Đối với tôi đây không phải là một sự thích nghi dễ dàng. Tuy nhiên giờ đã đến lúc tôi phải nhập gia tuỳ tục.

 

Ngô Di Lân

Nghiên cứu sinh Đại học Brandeis, Mỹ

Share.

Leave A Reply