SSDH – “Đạp” lên mọi sự logic, suy đoán và những siêu anh hùng kiểu mẫu, các Siêu Chiến Binh Nga sẽ khiến bạn phải… cười lăn cười bò vì độ “ảo” chả kém phim Ấn Độ là bao.
Cảnh báo: Bài viết có thể tiết lộ một số nội dung phim.Guardians (Siêu Chiến Binh) là bộ phim về siêu anh hùng đầu tiên của năm 2017, mang theo nhiều hy vọng của khán giả khi xem trailer lẫn poster chỉnh chu và đẹp mắt nhưng cũng vì thế mà thất vọng khá nhiều cho đến khi tác phẩm chính thức trình chiếu.
Đầu tiên xét về phần nhìn, 4 siêu chiến binh được tạo hình không tệ từ trang phục, đạo cụ lẫn đầu tư kỹ xảo, tất cả hỗ trợ cho 4 diễn viên trẻ, vô danh thành hữu danh hữu thực. Ít ra nó còn bắt mắt và lôi cuốn người ra rạp tìm xem Guardians hơn là “thảm họa” Fantastic 4 của nhà Fox năm nào. Một điểm cộng lớn cho phần nhìn đến từ trailer và poster.
Điểm cộng thứ hai đó là tư liệu kịch bản dày dặn, có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, vẽ ra trong đầu fan của các anh chàng có cơ bắp lẫn siêu năng lực về một series siêu anh hùng mới dài hơi và có nhiều điểm khai thác.
Cụ thể, Guardians lấy bối cảnh hậu thế chiến thứ II khi mà Joseph Stalin đóng vai trò là lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô viết, một tổ chức nghiên cứu quốc phòng tối mật mang tên Patriot được thành lập. Với mục đích tạo ra các siêu cường nhân cho Stalin, 18 phòng thí nghiệm đặt trên nhiều quốc gia thuộc Liên Xô liên tục cạnh tranh với nhau không từ thủ đoạn.
Mãi cho tới khi Beria đề xuất xóa sổ Patriot vì những thiệt hại kinh tế mà nó mang lại thì phòng thí nghiệm ở Matxcova đã thực hiện thành công trong việc tạo ra 4 chiến binh là Khan, Ler, Arsus và Xenia. Họ cũng chính là thành phần chủ lực của đội quân Guardians do Kazachansky lãnh đạo.
Sẽ khá là khó hiểu cùng với hơi “hẫng” một chút nếu bạn chưa kịp liếc qua phần nội dung mà vội xem phim. Cách vào đề của biên kịch Andrey Gavirlov hẳn sẽ làm nhiều khán giả phải “ba chấm” trong vài phút và đặt hàng loạt dấu hỏi như “4 người này là ai, chui ra từ đâu?”, “nguồn gốc sức mạnh của họ?”, “chuyện gì xảy ra khiến họ ở ẩn?”, “họ có thù oán gì với phe phản diện?” v.v
Kiểu vào đề đột ngột để mau chóng tiến đến phần phô diễn sức mạnh biến Guardians trở thành gã “trưởng giả học làm sang”, “lính mới ti toe” nếu so với các tác phẩm siêu anh hùng quen thuộc của Mỹ. Cả 4 chiến binh xuất hiện thì hoành tráng mà chưa đầy 5 phút sau là đã cáng nhau vào “trại giam” của kẻ địch một cách lãng xẹt. Đặc biệt là cảnh anh chàng Arsus có khả năng hóa thành một “super gấu” mà cuối cùng bị bắt chỉ vì không thoát được bẫy lưới ngớ ngẩn mà bất kỳ một con gấu bình thường nào cũng dễ sập bẫy.
Đồng đội Xenia cũng chẳng khá hơn, ngoài khả năng tàng hình, thích nghi với mọi môi trường ra thì chỉ cần một viên đạn là cô nàng chết không kịp ngáp ấy chứ. Nhưng đúng kiểu nguyên tắc phim Ấn Độ là tên có bay, đạn có lạc như nhất định không bao giờ trôi vào diễn viên chính. Siêu Chiến Binh của Nga áp dụng rất “thành công” nguyên tắc này.
Sự logic theo kiểu chỉ-có-ở-phim-hoạt-hình đầy rẫy trong Guardians. Như là Siêu nhân Gấu Arsus với chiếc quần thần kỳ hơn cả khố của gã khổng lồ xanh Hulk, bung rách khi hóa gấu, và lại trở về lành lặn khi hóa người. Hay như Ler – có khả năng điều khiển được đất đá, được sắm cho một chiếc roi điện, chỉ một cú vung đầy tính chất biểu diễn, màu mè, kiểu “Ấn Độ hóa” là giết chết hàng chục người, thế chẳng nhẽ những người ý chỉ đứng im chờ anh ta vung roi sao?
Không khó để nhặt ra hàng trăm shoot hình đẹp trong Guardians bởi kĩ xảo phim làm khá ổn trừ “super gấu”. Chính vì đầu tư vào phần hình ảnh khá nhiều mà các nhà làm phim quên mất kịch bản cần có sự gắn kết, kịch tính, giật gân đúng thời điểm và diễn xuất cần một, hai trụ cột để dẫn dắt cả đoàn phim chứ không phải một dàn diễn viên bán chuyên ngang tầm.
Nếu ngừng so sánh và chỉ nhìn vào thực chất thì với kinh phí làm phim, kinh phí đầu tư quảng cáo, Guardians đã làm tốt phần hình ảnh, thiếu điều là một kịch bản chắc tay hơn mà thôi.
Đánh giá: 3,5/10
Băng Tâm (SSDH) – Nguồn: stereo.vn