SSDH – Ngôn ngữ là cuộc sống, và việc chúng ta phải hít thở, phải sống với nó như với chính tâm hồn mình, lúc đó mới là quốc tế.
LTS: Là một nghiên cứu sinh giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ câu chuyện về việc học ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ của mình.
Qua đó, tác giả gợi ý cho những ai muốn học ngoại ngữ hãy thử tìm hiểu về ngôn ngữ đó qua phim ảnh, âm nhạc, con người và lịch sử… để gợi dậy tình yêu với ngoại ngữ mình muốn học.
Khi đó, bạn sẽ say mê học ngoại ngữ mà không hề biết chán.
Trong một thời gian dài thủa nhỏ, bố mẹ tôi đã nỗ lực cho tôi được học tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga từ những năm 1980.
Bác Nguyễn Văn Huyên, nhà giáo ưu tú là người thầy đầu tiên dạy tôi tiếng Anh lúc đó, và lớp học ở nhà như một cái chợ mà đến học vui là chính.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nhìn lại, tôi mới thấu hiểu việc học ngoại ngữ không chỉ là học nói, học đọc, học viết hay học nghe như bây giờ mọi người phân định ra thành các kỹ năng học ngoại ngữ.
Tôi vẫn nhớ đến những chia sẻ bên ngoài của bác Huyên về văn học, âm nhạc và cách thụ hưởng tinh thần của ngôn ngữ.
Sau đó, tôi được học và biết đến Thầy Hùng – người Thầy của cả nước khi Thầy dạy tiếng Anh trên truyền hình suốt hơn thập kỷ.
Lúc đó, những câu chuyện, những bài hát, những ước mơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp bắt đầu nhen nhóm trong tôi ở tuổi mới lớn.
Thơ ca và những cuốn truyện dày nhiều tập của Nga, những tên tuổi của Tolstoi, Sê khốp, cùng với việc học tiếng Nga là bắt buộc lên tới đại học cũng giúp tôi yêu thích văn hóa Nga.
Rồi đến khi ra trường, tất cả các ngoại ngữ đều không được dùng, trừ tiếng Anh.
Tôi đã phải đứng giữa lựa chọn hoặc ở lại trường Tổng hợp Hà Nội làm giảng viên hoặc ra ngoài làm tư nhân với cơ hội được dùng tiếng Anh, vì nơi tôi vào làm phục vụ các công ty đầu tư nước ngoài.
Vào năm 1994, một cô gái không biết gì về định hướng nghề nghiệp và cuộc đời, đã quyết định đi theo tiếng gọi của “tiếng Anh”.
Trong khi đó, cả lớp đại học thời đó của tôi chỉ có duy nhất tôi và một cậu bạn (hiện giờ là đại diện cho Ngân hàng lớn nhất của Nhật ở Việt nam) là ra làm cho tư nhân và phục vụ nước ngoài.
Sau 8 năm làm để học cách làm việc, để học tiếng Anh, tôi quyết định làm việc cho tập đoàn nước ngoài ở Việt nam, với mục tiêu duy nhất là học làm việc như người nước ngoài.
Thực sự, không có thời gian nào đã ảnh hưởng đến tôi nhiều bằng thời gian tôi làm việc ở tập đoàn đa quốc gia.
Tôi hiểu tôi chỉ là hạt cát trong thế giới này, và vì vậy, tôi cố gắng là hạt cát có ích.
Những năm tháng ra tự lập làm việc và phục vụ cho các công ty nước ngoài vào Việt Nam giúp tôi hiểu thêm được giá trị của những nghề “kinh doanh quốc tế”.
Chúng ta có thể có những học thuyết thật vĩ đại, nhưng nếu vào thị trường địa phương mà không thành công, chúng ta đành chấp nhận là “thành nhân” với kinh nghiệm xương máu.
Bôn ba hơn 20 năm trong và ngoài nước, khi tôi cắp cặp sang Mỹ học, lòng đầy tự tin vì tiếng Anh mình đã dùng nhiều năm “chinh chiến”, câu chuyện tiếng Anh được bắt đầu lại từ đầu.
Tôi lại được học lại ngôn ngữ tiếng Anh dùng trong hệ thống “academia” (học thuật) ở Mỹ rất khác với tiếng Anh sử dụng trong kinh doanh mà tôi đã dùng.
Tôi học được là dù là Anh – Mỹ, ở Mỹ, với ngôn ngữ đời thường khác với ngôn ngữ báo chí, khác với ngôn ngữ tôi làm bài luận hàng tuần như thế nào.
Sẽ không bao giờ hiểu “cross-finger” nếu không biết tập tục của dân Mỹ về việc này, hoặc cũng chả thể lý giải tại sao gặp nhau ở đâu đấy trên đất Mỹ, mọi người kêu ầm lên “Hoody!”
Ngôn ngữ là cuộc sống, và việc chúng ta phải hít thở, phải sống với nó như với chính tâm hồn mình, lúc đó mới là quốc tế.
Việc phân định các kỹ năng như giao tiếp, nghe nói, đọc viết chỉ giúp cho chúng ta học chuyên sâu vào một khía cạnh của ngôn ngữ, nhưng không giúp chúng ta cảm nhận và thấu hiểu ngôn ngữ, con người và đất nước nói ngôn ngữ đó.
Vậy, khi các bạn học học bất kỳ ngoại ngữ nào, theo thiển ý của tôi, trước khi học, hãy thử tìm hiểu xem ngôn ngữ đó có phim ảnh, âm nhạc, con người và lịch sử nào hay.
Hãy thụ hưởng điều hay từ những câu chuyện của ngôn ngữ, và khi bạn say mê rồi, dù là Anh, Pháp hay ngôn ngữ nào, bạn cũng sẽ “yêu” nó! Hãy học yêu ngoại ngữ!
Theo: Giaoduc