Chiến lược học tập của chàng trai 8.5 IELTS – 1520 SAT

0

Sẵn sàng du học – Với những điểm số cao chót vót như SAT 1520 (đợt thi tháng 5/2017) và IELTS 8.5 (đợt thi tháng 7/2017), Trần Nhật Minh – Cựu học sinh trường Hà Nội Academy khiến nhiều người ngưỡng mộ. 

Càng bất ngờ hơn khi được biết đây là lần đầu tiên thi thật IELTS của Minh và anh chàng sinh năm 2000 này cũng có một hành trình học thi “ngược” đầy ắp những kinh nghiệm hay.

nhat-minh

Nhật Minh nhìn chững chạc hơn tuổi 17 và được thầy cô nhận xét có tinh thần quyết tâm cùng sự chủ động rất cao trong học tập. – Nguồn TTVN

Xin chào Nhật Minh, hành trình tới với IELTS và SAT của bạn bắt đầu như thế nào?

Từ lâu Mỹ đã là điểm đến du học mơ ước của mình. Xác định được mục tiêu này, bố mẹ cũng ủng hộ hết sức để mình bắt đầu sớm với SAT và IELTS. Mình chọn IELTS thay vì TOEFL bởi lẽ về giá trị thì 2 kì thi được công nhận như nhau. Mình lại có cảm giác phù hợp, tự tin hơn với IELTS vì được làm bài thi trên giấy và được thi nói với chuyên gia thật chứ không phải một chiếc máy tính.

Mình thấy hầu như các bạn đều bắt đầu với IELTS hoặc TOEFL trước rồi mới tới SAT hoặc học đồng thời song song cả hai. Nhưng mình lại thuộc tuýp muốn tập trung dứt điểm cái này rồi mới chuyển sang cái kia nên ở giai đoạn bắt đầu, mình cần quyết định “chiến” SAT hay IELTS trước.

Qua một số bài kiểm tra với thầy cô, mình được nhận xét là có trình độ tiếng anh nền tảng tốt, tức là tương đương khoảng 6.5 IELTS, đủ điều kiện để vào luyện thi SAT 1 (SAT) – chứng chỉ được coi là trở ngại lớn nhất. Và mình đã quyết định dồn sức chinh phục cái khó nhất trước này.

Minh có thể giải thích kĩ hơn vì sao đi ngược lại số đông để học thi SAT trước rồi mới tới IELTS?

Thực ra việc học cái gì trước hay học song song phụ thuộc vào năng lực, đặc điểm tính cách, hoàn cảnh học tập và tính toán công việc của mỗi bạn. Mình chọn SAT trước vì:

  • Mình không thể ôm nhiều việc một lúc nên chỉ chọn tuần tự từng cái một để dứt điểm.
  • Bản thân có nền tảng tiếng anh tương đối tốt từ các năm học cấp 2, đủ để có thể học thi SAT luôn mà vẫn hiệu quả.
  • Môi trường học chính khoá vốn quốc tế nên mình có điều kiện luyện Nghe – Nói thường xuyên, như vậy cũng là sự chuẩn bị tốt cho IELTS sau này.
  • Mình nghĩ rằng nếu đã xong được cái khó nhất trước thì khi quay lại cái dễ hơn, tức là tới với IELTS thì mình sẽ cảm thấy dễ thở, đơn giản hơn phần nào. Tâm lý lúc đó cũng nhẹ nhàng, mình sẽ có cơ hội ghi điểm cao.
  • Mình cũng muốn đầu tư cho SAT trước vì kì thi có ít cơ hội hơn, chỉ khoảng 4 đợt thi mỗi năm, trong khi IELTS có tới 2-3 đợt hàng tháng, rất linh hoạt. Xong SAT rồi sẽ thoải mái thời gian cho IELTS.

Dựa vào cảm nhận năng lực bản thân, kế hoạch hồ sơ du học và sự tư vấn thêm của chuyên gia, bạn có thể tính toán được việc học cái gì, vào lúc nào cho hiệu quả nhé!

Quá trình học theo Minh khó khăn nhất ở điểm nào?

Thực tế, trình độ của mình khi mới bắt đầu với IELTS và SAT cũng chỉ ở mức khiêm tốn chứ không khá giỏi. Quá trình học khó khăn nhất đó chính là vượt qua, thậm chí khai phá chính bản thân mình. Lần đầu tiên thi SAT mình chỉ đạt 1300/1600 (330/400 Reading, 310/400 Writing và 660/800 Toán). Chính cú “ngã ngựa” này đã làm mình bừng tỉnh và nhận thức ra nhiều điều. Cũng chính cú ngã này đã tạo đòn bẩy để mình nâng liền 1 lúc 220 điểm, nhảy tới con số 1520/1600 (360/400 Reading, 370/400 Writing và 790/800 Toán) trong lần thi thứ 2. Mình may mắn vì trên hành trình gian nan đã gặp được những thầy cô giáo thực sự tuyệt vời để lĩnh hội kho kiến thức sâu sắc và nguồn cảm hứng, ý chí học tập.

Người gắn bó quan trọng nhất đối với mình là cô Đặng Ngân Hà tại học viện anh ngữ 4WORDS. Mình tham gia khoá học chuyên sâu cùng cô sau 1 lần thi thật SAT chỉ đạt 1300 và chỉ biết qua một chút về IELTS. Mình có rất nhiều chính kiến và ban đầu rất tự tin vào những điều mà bản thân cho là đúng. Cách phân tích tư duy có vấn đề, ngữ pháp từ vựng cũng nhớ nhớ quên quên và hay phức tạp hoá vấn đề dẫn đến lệch lạc. Đây là những điểm yếu lớn nhất mà cô Ngân Hà đã “bắt bài” được để từ đó giúp mình điều chỉnh.

Cụ thể hơn vào hành trình chinh phục mức điểm 8.5/9.0 IELTS, chiến lược học tập mà cô giáo dành cho Minh như thế nào?

minh-nhat2

Chiến lược học tập chuẩn xác, sâu sắc đã giúp Nhật Minh tạo nên kỳ tích của chính mình. – Nguồn TTVN

Đối với học sinh có cá tính mạnh như mình, mình thấy cô đã hết sức nhẫn nại trong việc lắng nghe, giảng giải, và đặt câu hỏi để mình dần tự nhìn ra cái sai trong lối tư duy. Cách giải thích vấn đề, truyền đạt kiến thức của cô khiến mình “tâm phục khẩu phục” và hoàn toàn tin tưởng. Kể từ đó, mình bớt tự tin thái quá vào những quyết định cảm tính của bản thân mà thay vào đó là dồn sức cho việc phân tích tìm dẫn chứng, tuân thủ đúng chiến lược chiến thuật làm bài. Cách thức hệ thống hoá kiến thức của cô rõ ràng, gọn gàng, giúp mình tiếp thu, ghi nhớ và vận dụng mọi thứ đơn giản hơn. Chi tiết vào từng kĩ năng của IELTS, dưới đây là những kinh nghiệm đúc kết của mình:

  • Kĩ năng Nói (Speaking): Mình vốn phát âm khá tốt nhưng lại kém trong việc phát triển ý, không có tầm nhìn xa với những câu hỏi mang tính học thuật. Cô cũng phát hiện thêm 1 điểm yếu của mình đó là tông giọng trầm khiến người khác khó nghe, không phô diễn được phát âm và ngữ điệu. Đây cũng là lỗi mà nhiều bạn nam mắc phải. Chính vì vậy, mình được hướng tới việc bổ sung kiến thức xã hội, cách nhìn nhận vấn đề sâu sắc và đặc biệt là nâng tông giọng cho rõ ràng, truyền cảm. Một vấn đề quan trọng nữa là nói sao cho thật tự nhiên, không lộ ra việc dập khuôn, thuộc bài và tránh xa các template nói nhàm chán. Chiến lược này đã giúp mình mang về điểm số 8.5/9, vượt qua cả kỳ vọng của bản thân.
  • Kĩ năng Viết (Writing): Mình thường quen với xu hướng viết kiểu Mỹ tức là ngắn gọn, xúc tích. Tuy nhiên IELTS lại là thiên thướng Anh – Anh nên cô đã phải mất thêm nhiều thời gian giúp mình làm quen với lối văn phong này, coi trọng việc phát triển ý, kết nối ý, chứng minh luận điểm và sử dụng vừa đủ, hợp lý vốn từ vựng cũng như những cấu trúc câu phức tạp.
  • Kĩ năng Đọc (Reading): có vốn sẵn từ SAT nên khả năng suy luận logic, tìm dẫn chứng, vốn từ vựng và kĩ năng quản lý thời gian của mình khá tốt. Khi vào làm quen với IELTS thấy nội dung phần Đọc dễ thở hơn hẳn, không lắt léo và eo hẹp thời gian như SAT. Để làm xuất sắc phần Đọc này, cô cho mình làm quen các dạng câu hỏi mới và chiến lược xử lý từng loại câu. Thành quả cuối cùng mình đạt 9/9, điểm tuyệt đối cho kĩ năng này.
  • Kĩ năng Nghe (Listening): đây có lẽ là phần mình tự tin nhất, không gặp vấn đề gì nhiều. Tuy nhiên cô cũng phải hướng dẫn mình cách làm quen giọng Anh – Anh, luyện khả năng tập trung, nắm bắt thông tin và cực kỳ cẩn trọng.

Kế hoạch tiếp theo của Minh là gì?

Mình thấy mức điểm IELTS và SAT hiện tại là ổn rồi nên sẽ không thi lại nữa. Mình vừa tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch xa cùng gia đình để nạp lại năng lượng. Bước tiếp theo mình sẽ chiến đấu tiếp với hồ sơ du học, việc chọn trường, viết luận và nộp hồ sơ.

Mình cũng hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền thêm cảm hứng cho các bạn khác. Bạn không cần quá xuất sắc ở thời điểm bắt đầu. Chỉ cần hoài bão lớn, chọn điểm đến học tập thực sự chất lượng và tung hết sức mình là sẽ thành công. Thay vì một nỗi ám ảnh hay một cửa ải vượt mãi không qua, SAT và IELTS hay TOEFL hoàn toàn có thể trở thành một niềm vui thú để chinh phục đấy!

Cám ơn Minh về những chia sẻ hữu ích. Chúc Minh sớm nhận tin vui với các lựa chọn trường học mà bạn đang nhắm đến nhé!

Thái Hải (SSDH) – Theo TTVN

Share.

Leave A Reply