Sẵn sàng du học – Dạy học cho học sinh vùng dân tộc đã khó, nhưng để dạy được tiếng Anh còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, cô giáo Phạm Thị Hương Thảo đã có phương pháp dạy học riêng, giúp các tiết học tiếng Anh trở nên sinh, hấp dẫn và hiệu quả đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Tích cóp “Vốn liếng”
Sinh năm 1988, hiện cô Phạm Thị Hương Thảo đang là giáo viên dạy bậc THCS của Trường tiểu học &THCS Thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái).
Được biết, cô Thảo từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái – chuyên ngành tiếng Anh Thương Mại và Du lịch.
Trước khi trở thành giáo viên tiếng Anh, cô Thảo từng làm lễ tân cho Khách sạn Châu Long ở huyện Sapa (Lào Cai).
Vì thế cô Phạm Thị Hương Thảo có điều kiện được tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài, nên khả năng giao tiếp của cô khá ổn. Cũng nhờ công việc này, mà cô cũng hiểu được phần nào về văn hóa của các nước phương tây có sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Tất cả những điều đó đã được cô tích cóp thành “vốn liếng” để sử dụng vào công việc dạy học của mình.
Cô Phạm Thị Hương Thảo cho biết: Ước mơ của cô là được làm giáo viên, được đứng trên bục giảng. Vì vậy khi biết được huyện Mù Cang Chải có chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên tiếng Anh, cô đã làm hồ sơ dự tuyển.
Tháng 7/2014, cô trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức này và được phân công về làm giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Chải. Sau đó đến tháng 9/2016 cô được luân chuyển về Trường tiểu học & THCS Thị trấn Mù Cang Chải.
Theo cô Phạm Thị Hương Thảo, khó khăn lớn nhất mà giáo viên vùng cao gặp phải đó là cơ sở vật, trang thiết bị dạy học còn nhiều hạn chế. “Đặc biệt với môn tiếng Anh, nếu cơ sở vật chất không đáp ứng đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy – học của thầy và trò.
Ngoài ra sĩ số học sinh trong một lớp khá đông, trình độ lại không đồng đều, thậm chí còn chênh lệch nhau rất nhiều đã trở thành rào cản và áp lực cho thầy, trò chúng tôi” – cô Phạm Thị Hương Thảo chia sẻ.
Sử dụng 3 ngôn ngữ trong một tiết học
Trước những khó khăn trên, cô Phạm Thị Hương Thảo luôn trăn trở, làm thế nào để trong tiết học tiếng Anh, cách tiếp cận bài vừa mới, vừa dễ và phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh. Không còn cách nào khác là phải tự thân nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy học.
“Trước khi lên lớp, tôi nghiên cứu kỹ bài học, phân tích các nhóm đối tượng học sinh theo trình độ, năng lực để có phương pháp giảng bài phù hợp, hiệu quả.
Trong quá trình dạy, tôi tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh ở các mức độ khác nhau để không học sinh nào chủ quan trong quá trình học tập” – cô Phạm Thị Hương Thảo trao đổi.
Cũng theo cô Phạm Thị Hương Thảo, để phát triển được các kĩ năng của học sinh, trước hết giáo viên vừa phải hướng dẫn, vừa phải giúp đỡ, động viên các em tự học, tự tìm ra phương pháp học tập hiệu quả cho mình
Cô Phạm Thị Hương Thảo cũng đã biết cách tạo động lực để học sinh dân tộc yêu thích môn tiếng Anh. Chẳng hạn như: Động viên các em học tiếng Anh để đạt được thành tích cao trong học tập, hoặc học tiếng Anh để thay đổi cuộc sống của các em, và có thể giúp các em kiếm thêm tiền bằng các công việc sử dụng tiếng Anh vì du lịch ở huyện Mù Cang Chải cũng đang trên đà phát triển với nhiều khách Tây đến tham quan.
Theo kinh nghiệm của cô Phạm Thị Hương Thảo, dạy học sinh dân tộc, giáo viên nên biết tiếng của người bản địa để bổ trợ cho bài giảng của mình.
Sở dĩ như vậy là vì các em chưa hiểu hết nghĩa của tiếng Việt, nên nếu giáo viên biết tiếng dân tộc sẽ giảng giải giúp các em hiểu được bản chất của từ vựng trong tiếng Anh; Từ đó sử dụng giao tiếp theo đúng hoàn cảnh.
“Chẳng hạn như: Nếu muốn giúp học sinh đầu cấp có thể nhanh chóng tiếp thu kiến thức bài học, tôi đã kết hợp sử dụng cả 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt – Tiếng Mông và Tiếng Anh khi cùng hướng đến một nội dung.
Khi học sinh đã quen dần với việc nghe – nói và phương pháp học tiếng Anh thì giáo viên sẽ dần giảm bớt việc giải thích bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt cho các em“- cô Phạm Thị Hương Thảo bật mí.
Mặt khác, theo cô Phạm Thị Hương Thảo, rất nhiều các em phát âm từ không đúng do đặc trưng về khẩu hình ngôn ngữ, vì thế giáo viên cần kiên trì hướng dẫn.
Giáo viên cũng có thể hình thành các nhóm, các cặp đôi để học sinh giúp đỡ và sữa chữa cho nhau, sau đó kiểm tra lại, nhận xét cho các em. Khi kiểm tra từ vựng, giáo viên kiểm tra theo các tiêu chí: Cách viết, nghĩa của từ và cách đọc của các em.
“Ngoài ra, để các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, tôi tổ chức các trò chơi đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với mỗi bài học, đáp ứng yêu cầu học mà chơi – chơi mà học của học sinh” – cô Phạm Thị Hương Thảo trao đổi.
Cá Domino (SSDH) – Theo dantri.com.vn