Sẵn sàng du học – Suốt quãng đường từ trường về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về buổi học. Tôi nhận thấy tâm hồn mình đã trải qua bao nhiêu cảm xúc: đôi chút tự hào về đất nước tôi đang sống và học tập; buồn và xúc động về số phận của những nạn nhân phân biệt chủng tộc hiện nay; rung động sung sướng như những bông hoa chớm nở đón ánh nắng ban mai đầu hè khi được nghe những lời khuyên của thầy về cuộc sống…
- Xem thêm: Câu chuyện nước Mỹ: Cái duyên không ngờ
- Xem thêm: Câu chuyện nước Mỹ (2): Hạnh phúc đến từ đâu?
– Thầy ơi, trong bài học về “American Dream” (giấc mơ Mỹ) hôm nay, thầy sẽ cho sinh viên nghe nhạc gì ạ?
Lấy cớ hỏi cho sinh viên nhưng thật ra tôi đang muốn thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Suốt đoạn đường từ văn phòng đến lớp học, tôi cứ tự hỏi trong đầu “hôm nay mình sẽ được thưởng thức nhạc gì đây, hồi hộp quá đi”. Tôi đặc biệt thích cách thầy lồng ghép âm nhạc vào bài giảng. Thầy luôn gợi mở nội dung bài học bằng âm nhạc. Mười phút đầu giờ, sinh viên sẽ có cơ hội để mặc tâm hồn mình phiêu du theo những bản nhạc trữ tình, giàu ý nghĩa.
Tôi cũng như các em sinh viên quốc tế có lẽ chỉ biết đến âm nhạc Phương Tây và âm nhạc của chính quê hương mình thôi. Nhưng thầy, như một vị sứ giả, đã đưa tâm hồn tôi đến với âm nhạc của những nền văn hóa thật xa lạ. Bạn có biết ai là ‘Tâm hồn xứ sở Lebanon”, hay ai là “Đại sứ của các vì sao” không? Đó chính là Fairuz, bà là nghệ sỹ đã dùng âm nhạc để kết nối sự đa dạng văn hóa, chính trị của Lebanon- một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.
– Em đã bao giờ nghe tên Al Johnson chưa? Đây là một nhân vật rất có ảnh hưởng trong lịch sử làng giải trí nước Mỹ đấy. Thầy vừa nói vừa chỉ vào mấy bức ảnh của Al Johnson trong một tài liệu phát cho sinh viên hôm nay.
– Em chưa nghe đến cái tên này bao giờ ạ? Nhìn mấy bức ảnh này thì em đoán, ông ấy nối tiếng lâu lắm rồi.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy kiến thức xã hội của mình thật nông cạn. Một nhân vật nổi tiếng như vậy, mà cái tên đối với tôi thật xa lạ. Dường như nhìn thấu “nỗi xấu hổ” trong lòng tôi, thầy từ tốn trả lời:
– Không sao đâu em. Rất nhiều người Mỹ đã quên ông rồi. Người ta nhanh quên lịch sử lắm em ạ. Thầy hài hước trả lời.
– Hôm nay, thầy sẽ dùng hình ảnh Al Johnson để minh họa cho những giá trị của “American Dream” (giấc mơ Mỹ). Al Johnson là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong làng giải trí Mỹ đầu thế kỷ 20. Là một người Do Thái nhập cư, bằng tài năng và nỗ lực làm việc chăm chỉ, ông đã hòa nhập được vào xã hội Mỹ và đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Chính ông là người đã mang âm nhạc của người Mỹ gốc Phi như Jazz, Ragtimes, và Blues đến với người da trắng. Và cách ông làm mới đặc biệt làm sao. Ông bôi mặt đen, và trình diễn âm nhạc của người Phi ở các sự kiện âm nhạc cho người da trắng.
Tại thời điểm ấy xung đột sắc tộc giữa người da đen và da trắng lên rất cao nên người da đen không được phép trình diễn âm nhạc. Ông không tin vào thuyết da trắng thượng đẳng (white supremacy), và luôn nỗ lực đưa giá trị của người da đến đến với cộng động người Mỹ trắng. Theo tiêu chuẩn xã hội, và đạo đức hiện nay, bôi mặt đen là một hành động phân biệt chủng tộc, nhưng vào thời đó lại được chấp nhận.
– Vâng. Em cảm thấy rất may mắn vì được làm trợ giảng cho thầy kỳ này, em đã học được rất nhiều điều về cuộc sống và xã hội. Các sinh viên cũng thích lắm thầy ạ. Hôm qua, có năm sinh viên đến gặp em, các em đến từ khoa Cơ khí, Sinh học và Khoa học Chính trị. Các em tâm sự với em, khóa học đã giúp các em nhận ra rằng, thế giới này rất đa dạng, và nhiều điều thú vị để học hỏi.
Vừa nói đến đó, cánh cửa phòng học 100 mở toang ra. Tiếng bước chân rộn ràng cùng tiếng trò chuyện huyên náo của những khuôn mặt trẻ măng chỉ tầm mười chín, hai mươi tuổi át hẳn tiếng nói của hai thầy trò chúng tôi. Thật lạ, khi nhìn các em, khao khát trở thành một giáo sư như thầy lại cháy bỏng trong tôi.
Sau khi giúp thầy sắp xếp tài liệu, tôi tìm cho mình một chỗ ngồi giữa lớp- một vị trí “đắc địa” giúp tôi dễ quan sát, và tiện đi lại lắng nghe sinh viên thảo luận khi cần thiết. Ngay khi giọng hát vui nhộn của Al Johnson trong ca khúc “Carnival Time” vang lên, tôi nghe thấy tiếng thì thầm:
-Nhạc hay quá, ai đây nhỉ?
Âm nhạc quả là có sức mạnh kỳ diệu. Không cần thầy nhắc nhở, cả hội trường im phăng phắc chăm chú lắng nghe tiếng nhạc jazz đang vang lên.
Khi tiếng nhạc kết thúc, thầy giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động âm nhạc, xã hội có ảnh hưởng của AL Johnson. Sau đó, thầy đặt câu hỏi:
-Theo các em, cuộc đời của Al Johnson cho ta thấy những giá trị gì của nước Mỹ và giấc mơ Mỹ?
Sinh viên thay nhau đưa ra ý kiến. Em thì cho rằng, đó là chủ nghĩa cá nhân, nơi con người được theo đuổi những giá trị riêng . Em khác thêm vào “Nước Mỹ là vùng đất của những cơ hội, nếu ta có tham vọng, chỉ cần ta làm việc chăm chỉ, ta sẽ có cơ hội thành công”. Một em mang dáng hình Á Đông phát biểu “nước Mỹ là vùng đất của người nhập cư và tự do tôn giáo”.
-Các em nói đúng rồi đó. Thầy chỉ muốn tổng hợp lại một chút thôi. Giá trị nước Mỹ gắn liền với chủ nghĩa cá nhân nơi mỗi cá nhân được khuyến khích theo đuổi tham vọng, đam mê của bản thân, nơi quyền của mỗi cá nhân được bảo vệ; nước Mỹ là vùng đất của cơ hội; nước Mỹ trân trọng những cá nhân làm việc chăm chỉ, có tham vọng, tự tạo động lực cho bản thân; nước Mỹ là vùng đất của những người nhập cư; nước Mỹ là nơi người ta có thể sống chung với các tôn giáo khác nhau; nước Mỹ là đất nước đa chủng tộc; tinh thần Mỹ là tinh thần vui vẻ và lạc quan.
Chợt tâm trạng thầy trùng xuống. Im lặng trong giây lát, thầy tiếp tục:
– Nhưng nước Mỹ cũng là đất nước của những phức tạp về chủng tộc, tôn giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử, vấn đề chủng tộc luôn nhạy cảm và nhức nhối. Hiện nay, vấn đề đó vẫn không thôi rỉ máu.
Rồi thầy chiếu hình ảnh Balbir Sodhi, một người đàn ông theo đạo Sikh (Tôn giáo độc thần được sáng lập cách ngày nay hơn 500 năm trong địa hạt tỉnh Pubjab- nay là Ấn Độ và Pakistan), đầu quấn chiếc khăn truyền thống của những người đàn ông theo đạo này, và mang một bộ râu rậm rạp. Trong bức ảnh, ông đang cười và bế cậu con trai rất đáng yêu và kháu khỉnh.
-Người đàn ông này sinh ra ở Ấn Độ, ông đến Mỹ năm 1989 mang theo khát khao thành công và hạnh phúc. Nhờ làm việc chăm chỉ, ông đã sở hữu được một trạm xăng ở thành phố Phoenix, Arizona. Nhưng thật đáng buồn, sau vụ khủng bố ngày 11/9, nhiều người Mỹ đã muốn trả thù một cách điên rồ. Một buổi sáng, khi đang dọn cỏ trước sân nhà, ông đã bị một kẻ “yêu nước điên rồ” bắn chết. Dựa vào ngoại hình, quần áo ông mặc và chiếc khăn đội đầu của người theo đạo Sikh, hắn đã nhầm lẫn ông là một người Đạo Hồi Arab. Thật buồn phải không các em, một người nhập cư có tham vọng đến với nước Mỹ vì tin vào giá trị của vùng đất này, cuối cùng lại bị giết chết để lại một người vợ và năm đứa con.
Tôi đã chảy nước mắt khi nghe thầy kể câu chuyện này. Ước mơ về một thế giới hòa bình của Nelson Madela, hay Mahatma Gandhi- những người tin vào đấu tranh bất bạo động và sự đang dạng của xã hội- vẫn còn “viễn vông”, xa xôi lắm. Cả hội trường im lặng, có lẽ các em cũng đang trong tâm trạng xúc động như tôi.
– Câu chuyện buồn này còn dạy cho ta một điều rằng: Nhiều khi người ta có những quyết định điên rồ, vì họ đã quá vội vàng đưa ra hành động ngay khi vừa tiếp nhận thông tin/ dữ liệu về người và sự việc xung quanh. Để các em có thể có những quyết định đúng đắn trong cuộc sống, thầy muốn giới thiệu với các em “Ladder of Inference” (Xin tạm dịch là “Thang đưa ra quyết định”).
“Thang đưa ra quyết định” mô tả quá trình suy nghĩ mà ta trải qua, từ khi ta tiếp nhận thông tin/ dữ liệu đến khi đưa ra quyết định. Nếu để ý các em sẽ thấy, cùng một sự vật, sự việc nhưng mỗi cá nhân lại có những kết luận khác nhau. Mỗi người trong chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của sự việc dựa vào phông nền văn hóa, niềm tin và kinh nghiệm của bản thân.
Thang này có nhiều nấc: ta QUAN SÁT hiện tượng, sự vật, rồi ta LỰA CHỌN những thông tin từ những gì ta quan sát được, sau đó ta GÁN Ý NGHĨA cho chúng (theo kinh nghiệm và văn hóa của ta), ta ĐƯA RA GIẢ THUYẾT, rồi ta đưa ra QUYẾT ĐỊNH, và cuối cùng là HÀNH ĐỘNG. Kẻ giết Balbir, chỉ thu thập dữ kiện (ngoại hình, quần áo của Balbir), rồi dựa vào niềm tin và kinh nghiệm của bản thân hắn đưa ra giả thuyết rằng ông là môt người đạo hồi, chẳng chần chứ hắn lao thằng lên nắc thang cuối cùng- quyết định bắn Balbir.
Bây giờ, các em hãy chia nhóm (mỗi nhóm 3-6 người) thảo luận về bức tranh sau. Dựa vào những thông tin em nhìn thấy trong bức tranh, hãy đưa ra giả thuyết về con người này (tính cách, nghề nghiệp, vân vân), và cuối cùng hãy cho biết các em quyết định thích hay không thích người này. Nếu ai trong các em nhận ra nhân vật này, thì hãy giữ bí mật nhé.
Nói xong, thầy chiếu hình ảnh một người phụ nữ Nam Á đeo kính đang cười mỉm, trên đầu bà trùm một chiếc khăn màu xanh dương, bà cũng đeo đôi khuyên tai nhỏ, và một chiếc vòng cổ hạt nhỏ xanh nhạt. Thoáng nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ, có em đã nói to “Em không thích bà ấy”.
-Em ra quyết định vội vàng quá, đừng bỏ qua các nấc thang mà trèo lên ngọn thang thế chứ. Thầy cười và trả lời một cách hài hước.
Tôi thích nhất là các giờ thảo luận trong lớp. Tôi sẽ đi quanh lớp, lắng nghe các em tranh luận và đặc biệt cách các em thương lượng để đưa ra ý kiến cuối cùng của nhóm. Thấy một nhóm sáu em đang tranh luận gay gắt, tôi tiến đến và hỏi:
-Thế các em nghĩ thế nào về bà ấy?
-Mark nói là nụ cười của bà ấy cho thấy bà ấy là một người phụ nữ hẹp hòi và ghê gớm. Em lại không thấy vậy, theo em đây là một phụ nữ phúc hậu. Chúng em nghĩ bà ấy giàu có vì chiếc khăn bà ấy trùm, và đồ trang sức mà bà ấy đeo trên người. Trong nhóm em, có ba người thích và ba người không thích bà ấy.
Tò mò và thích thú trước suy nghĩ của sinh viên, tôi lại tìm đến một nhóm khác, gồm ba em đến từ ba châu Lục khác nhau: Mỹ, Á và Âu. Các em thay nhau trả lời tôi:
-Quần áo, và trang sức cho em thấy bà ấy là người giàu có, còn khuôn mặt và nụ cười lại biểu lộ vẻ hào phóng, tốt bụng.
-Không, tớ nghĩ bà ấy trông độc ác, nhìn cách bà ấy cười thì biết. Tớ không thích người phụ nữ này. Một em khác xen vào.
Thật kỳ diệu. Cả lớp, em nào cũng tiếp nhận những dữ liệu và thông tin giống nhau, nhưng mỗi em lại có cảm xúc, giả thuyết và kết luận khác nhau. Đúng như lời thầy nói với sinh viên: cùng một sự việc nhưng mỗi người có thể có những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau dựa vào phông nền văn hóa, niềm tin và kinh nghiệm cá nhân.
Trước khi hết giờ, thầy “bật mí” với sinh viên:
-Người phụ nữ này là Sheikh Hasina, thủ tướng Bangladesh, một chính trị gia rất có ảnh hưởng ở quốc gia này. Người ta hoặc là rất yêu quý bà hoặc là rất căm ghét bà. Trước khi kết thúc buổi học, thầy muốn nhắn nhủ với các em một điều: đừng “trèo thang” một cách vội vàng, hãy ở những nấc thang đầu tiên thật lâu, ít nhất cho đến khi các em chắc chắn về kết luận của mình và cách các em đi đến kết luận ấy.
Thầy chân tình, và nhiệt thành đưa lời khuyên cho sinh viên như thể một người cha già đang truyền lại kinh nghiệm sống quý báu cho những đứa con thơ chập chững bước vào cuộc sống.
-Thầy ơi, thầy có bí quyết gì để ở thật lâu dưới các nấc thang đầu tiên không ạ?
-Trước hết, các em hãy để ý xem mình hay bỏ qua những nấc thang nào. Các em có thầy mình đưa ra những giả định về người/ sự vật một cách dễ dãi không? Các em có chỉ chọn những thông tin phù hợp với niềm tin, kinh nghiệm của bản thân rồi đưa ra quyết định không? Khi tìm ra được những “nấc thang” mình hay bỏ quên, hãy tập suy nghĩ thật chậm và cẩn thận ở “nấc thang” suy luận đó. Một bí quyết nữa mà thầy muốn chia sẻ với các em đó là: hãy luôn lắng nghe người khác. Đó là nền tảng để tôn trọng sự khác biệt trong xã hội. Thầy kết thúc buổi học bằng câu nói đầy tính nhân văn.
Suốt quãng đường từ trường về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về buổi học. Tôi nhận thấy tâm hồn mình đã trải qua bao nhiêu cảm xúc: đôi chút tự hào về đất nước tôi đang sống và học tập; buồn và xúc động về số phận của những nạn nhân phân biệt chủng tộc hiện nay; rung động sung sướng như những bông hoa chớm nở đón ánh nắng ban mai đầu hè khi được nghe những lời khuyên của thầy về cuộc sống.
Thái Hải (SSDH) – Trương Thanh Mai/(Từ ĐH Arizona, Mỹ)