Sẵn sàng du học – Nguyễn Đăng Minh Thảo, Lê Yên Thanh, Phạm Hy Hiếu là 3 chàng trai Việt từng gây sốt khi liều lĩnh từ chối các công ty hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft để tự thân gây dựng cho mình một sự nghiệp riêng.
Với suy nghĩ dù làm việc cho các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, nhận mức lương khủng, ưu đãi cả đời mà nhiều người trên thế giới luôn khát khao, mơ ước, nhưng vẫn chỉ là đi làm thuê, làm giàu cho người khác, nhiều bạn trẻ Việt đã từ chối những lời mời hấp dẫn từ Google, Facebook, Microsoft để khởi nghiệp, tạo dựng sự nghiệp riêng cho bản thân mình.
Bỏ qua Facebook, Google, khởi nghiệp thành công ở thung lũng Silicon
Nguyễn Đăng Minh Thảo (1991) từng hai lần tốt nghiệp thủ khoa (trường cấp 2 và cấp 3) tại Mỹ, nhận học bổng toàn phần của nhiều trường đại học. Năm 18 tuổi, Minh Thảo đã chọn ĐH danh tiếng Stanford để theo học. Anh chàng này còn xuất sắc trở thành gương mặt trẻ vinh dự nhận được bằng khen của Tổng thống Mỹ – "Presidential Award".
Sở hữu hai tấm bằng cử nhân Toán và Công nghệ thông tin, Minh Thảo được 2 "ông lớn" là Google và Facebook mời về làm việc nhưng quyết định từ chối để khởi nghiệp, theo đuổi ước mơ riêng của mình.
9X Việt này đã liều lĩnh khởi nghiệp tại Silicon Valley và gặt hái được những thành công nhất định. Thảo đang là giám đốc công nghệ của một công ty với mục đích kết nối nhà du lịch nữ toàn thế giới, công ty này được đánh giá rất cao từ các nhà đầu tư Mỹ ở thung lũng Silicon.
Minh Thảo chia sẻ: "Làm việc cho những công ty công nghệ lớn hay làm khởi nghiệp, bạn sẽ đều học được rất nhiều điều. Với mình thì việc lựa chọn con đường nào là khá dễ dàng vì khởi nghiệp là ước mơ của mình.
Mình học được thực sự rất nhiều trên con đường khởi nghiệp. Làm khởi nghiệp, mình phải trau dồi kiến thức rất thường xuyện, đưa ra quyết định, mắc sai lầm rồi lại cố gắng đi tiếp và học từ những sai lầm đó…
Về công việc, mình cũng mở rộng kiến thức rất nhanh, quản lý đội ngũ trong nhóm, xây dựng sản phẩm, không chỉ về công nghệ mà còn về thiết kế trải nghiệm người dùng để đạt mức tối ưu".
Từ chối mức lương gần 140 triệu đồng/tháng từ Google
Lê Yên Thanh sinh ra và lớn lên ở An Giang, cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Lê Yên Thanh được mệnh danh là "chiến binh săn giải thưởng", với gần 100 giải thưởng tin học trong nước và quốc tế: "Nhân tài Đất Việt", "Gương mặt trẻ tiêu biểu 2015", "Giải Nhất cuộc thi Lập trình sinh viên Quốc Tế ACM/ICPC khu vực châu Á 2015"…
Thanh còn giành được một trong ba vị trí thực tập tại tập đoàn Google nhưng cũng từng từ chối mức thu nhập 6.000 USD/ tháng để trở về Việt Nam thực hiện ước mơ start-up của mình với dự án "Umbala – Đấu trường ngôi sao".
Theo chia sẻ của chàng trai này, quyết định rời Google để về Việt Nam là không hề đột ngột với bản thân. Bởi từ thời sinh viên, Thanh chỉ mong muốn được đi làm cho các công ty lớn để học hỏi thêm và sẽ theo đuổi con đường start-up khi có đủ khả năng và tìm được cơ hội thích hợp.
"Môi trường làm việc trong nước chắc chắn sẽ không thể nào bằng như ở Google hay Facebook nhưng bù lại mình sẽ có môi trường va chạm nhiều hơn để học hỏi được nhiều thứ và phát triển bản thân. Mình có thể học cách tự đối phó với những tình huống và từ đó hoàn thiện bản thân hơn".
Đối với Thanh thì 600 USD hay 6.000 USD không quá quan trong vì với mức thu nhập như vậy cũng không phải thấp. Điều Thanh mong muốn khi làm start-up là có thể được làm chủ, là người xây dựng nền móng chứ không muốn trở thành người sơn tường cho thành công của người khác.
Từ chối cả Facebook, Google lẫn Microsoft
Phạm Hy Hiếu được học bổng toàn phần Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sau khi đoạt Huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009 tại Đức lúc đang theo học Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP HCM.
Nghe theo lời bố mẹ, Hiếu từ chối NUS và ở nhà một năm luyện thi TOEFL và SAT, chuẩn bị bài luận để xin học bổng toàn phần của Đại học Stanford (Mỹ) và được chấp nhận.
Ba năm đầu ở Stanford, chàng du học sinh này tìm hiểu khắp các trang web tuyển dụng của Google, Facebook, Microsoft, Apple, Vmware, Dropbox và ngay cả những công ty ít nổi tiếng hơn vào lúc đó như Snapchat, Whatsapps.
Hồi năm hai, Hiếu đã vượt qua vòng phỏng vấn tuyển thực tập sinh của Google. Lúc này, các nhân viên của Google đọc hồ sơ của ứng viên và quyết định xem kinh nghiệm, tính cách của ai hợp với đề án của họ để tuyển. Hiếu đã không được nhận vì lý do thiếu kinh nghiệm, và vì "không hợp với đề án".
Ngay sau đó, Hiếu được Google mời thực tập nhưng chàng trai này từ chối: "Tôi muốn thông qua sự từ chối của mình, gửi cho các nhà tuyển dụng của Google thông điệp rằng tôi nghĩ họ đang thiếu tôn trọng đối với các ứng viên".
Không chỉ có Apple, Microsoft cũng quan tâm đến kết quả công trình nghiên cứu của Phạm Hy Hiếu. Đó là lý do mà Microsoft gửi đến cậu lời mời vào nhóm phát triển Cortana – phần mềm trợ lý ảo của hãng này.
Facebook của Mark Zuckerberg cũng có cùng sự quan tâm khi mời cậu sinh viên người Việt đến làm việc để phân tích các bài đăng của người dùng bằng nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, thay vì chọn một trong số những công ty này với mức lương khủng, Hiếu lại theo đuổi chương trình tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon với học bổng toàn phần.
Tháng 3/2016, lại một lần nữa Google gửi lời mời đến Hiếu trong dự án phát triển các ứng dụng của mạng neuron Google Brain. Nhận thấy "gã khổng lồ tìm kiếm" có sự thay đổi trong chính sách tuyển thực tập sinh đồng thời khá hứng thú với dự án, Hiếu quyết định sẽ cộng tác với tập đoàn này một năm trước khi bắt tay vào nghiên cứu sinh tại Đại học Carnegie Mellon.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn