Sẵn sàng du học – Không chỉ sở hữu ngoại hình sáng, thông minh, Đinh Hữu Đức còn làm được nhiều điều quá lớn lao so với tuổi 15 của cậu ấy. Những suy nghĩ, chiêm nghiệm của cậu về cuộc sống cũng trưởng thành hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.
Đinh Hữu Đức hiện tại đang học lớp 9 của trường Concordia Hanoi International. Đây là một trường Quốc tế Mỹ tại Hà Nội, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo giáo trình của Mỹ. Tại đây, Đức liên tiếp nhận được danh hiệu Honor Roll, là danh hiệu dành cho các bạn học sinh đạt GPA trên 3,5 (Điểm GPA của Đức là 3,92-4.0). Ngoài ra Đức cũng được nhà trường lựa chọn vào National Junior Honor Society – là hội học sinh xuất sắc nhất trường.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Đức đó là một cậu bé nhanh nhẹn, thông minh, vui tính, hay cười. Suốt buổi nói chuyện, Đức luôn bảo: Đời mình từ trước đến nay chưa bao giờ biết buồn. Tôi tin điều đấy là đúng, bởi Đức có một tâm hồn rất đẹp, ngay từ bé, cậu đã luôn muốn tổ chức thật nhiều các hoạt động xã hội để có thể giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Với Đức, khi cho đi càng nhiều thì những điều mình nhận lại càng nhiều hơn. Mới 15 tuổi nhưng Đức chín chắn, trưởng thành hơn với bạn bè cùng trang lứa.
13 tuổi tổ chức dự án ăn chay song ngữ 1000 người tham gia, 15 tuổi thực hiện dự án kết nối Đại sứ quán Mỹ về việc thắt chặt sử dụng súng, hạn chế xả súng trường học tại Mỹ
Năm 13 tuổi, Đức đã tự mình đứng ra tổ chức Hội chợ ẩm thực chay song ngữ Anh – Việt – một hoạt động thuộc dự án Heathy Vegetarian Lifestyle nhằm mục đích cổ động phong trào ăn chay, sống lành mạnh để bảo vệ động vật và sức khỏe con người. Hội chợ này thu hút hơn 1000 người tham gia. Nhờ Vietgetarian, Đức đoạt giải thưởng $1000 từ Ivycation – một trung tâm tư vấn du học, dành cho dự án được tổ chức xuất sắc nhất. Đức cũng đã bắt đầu ăn chay trường từ nhiều năm nay.
Và năm 2018, khi bước sang tuổi 15, cậu bạn này tiếp tục tổ chức dự án kết nối với ĐSQ về việc nên thắt chặt luật sử dụng súng tại Mỹ, giảm thiểu tối đa việc xả súng ở trường học, gây ra những tai nạn thương tâm cho các học sinh.
Những điều Đức đã và đang làm có thể nói là quá lớn lao so với một cậu bé 15 tuổi, khi bạn bè vẫn đang trong vòng tay gia đình.
Chào Đức, bạn có thể chia sẻ ý tưởng kết nối với ĐSQ về việc nên thắt chặt luật sử dụng súng tại Mỹ, giảm thiểu tối đa việc xả súng ở trường học bắt nguồn từ đâu và bao giờ?
Kể từ khi học ở trường Concordia, mình đã được nhà trường rất cởi mở chia sẻ các thông tin về tình hình xả súng tại Mỹ. Mình vẫn còn nhớ hồi lớp 6 khi lần đầu tiên được nghe về việc lạm dụng súng ở Mỹ và những vụ xả súng đã ngày càng gia tăng với tần suất chóng mặt. Thú thật là mình rất lo lắng về vấn đề này, vì mình luôn mong muốn được sang Mỹ để học tập và theo đuổi giấc mơ của mình.
Cho đến những vụ xả súng vào trường học gần đây, mình nhận ra rằng nếu mọi người chỉ lo lắng, rồi chia sẻ bằng những lời cầu nguyện tới các nạn nhân và gia đình của họ thì sẽ không bao giờ là đủ. Nếu chúng ta thực sự mong muốn thay đổi điều gì đó trong xã hội mà chúng ta đã, đang và sẽ sống, chúng ta sẽ phải lên tiếng và hành động, thay vì chỉ chờ đợi và làm theo những người khác. Mình cũng đã xem các bạn học sinh khác ở Mỹ diễu hành để lên tiếng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn của chính các bạn. Mình thực sự rất ấn tượng.
Đấy cũng chính là lý do mình nảy sinh ra ý tưởng muốn tổ chức tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong những cuộc xả súng đó, xin phép để được gặp gỡ và chia sẻ với Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam. Đây là cơ hội để mình lắng nghe ý kiến của ĐSQ về vấn đề này, và qua đó cũng muốn đưa ra ý kiến để các học sinh Việt Nam cùng ký online vào đơn kiến nghị về việc thắt chặt luật sử dụng tại Mỹ.
Nhà trường, gia đình, bạn bè có phản đối khi bạn nêu ra ý tưởng này?
Bố mẹ thường luôn lắng nghe và phân tích các ý tưởng của mình (mặc dù không phải lúc nào cũng ủng hộ ngay). Nếu chứng minh được mục đích rõ ràng, thì bố mẹ luôn ủng hộ và hỗ trợ cho các ý tưởng của mình. Nhà trường thì hầu như luôn để bọn mình có cơ hội để thử sức và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ xã hội.
Mặc dù cũng có 1 số ít ý kiến phản đối, vì nạn xả súng này đang diễn ra ở Mỹ, chứ không phải ở Việt Nam nhưng bọn mình vẫn tiếp tục. Vì mình luôn nghĩ chúng ta phải cùng biết lên tiếng cho một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn, bất kể là ở Việt Nam, ở Mỹ hay bất cứ đất nước nào. Những nạn nhân trong các cuộc xả súng trường học ở Mỹ gần đây đều trong độ tuổi của mình. Ở trường học, giờ đây ngoài việc học kiến thức, các bạn còn phải học cách tránh đạn, và đến trường trong tâm trạng sợ sệt rằng không biết mình có phải là nạn nhân kế tiếp hay không? Điều này thực sự không công bằng. Mình rất muốn chúng ta cùng lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các bạn, để các bạn được đến trường trong cảm giác an toàn và vui vẻ.
Các bạn dự định sẽ trao đổi gì với ĐSQ Mỹ trong buổi gặp mặt?
Đối với ĐSQ Mỹ, bọn mình muốn trình bày ý kiến đối với việc thắt chặt nạn xả súng ở Mỹ. Bọn mình cũng muốn lắng nghe ý kiến của ĐSQ Mỹ về vấn đề này trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nên làm gì để thay đổi việc lạm dụng súng như thế nào? Liệu đây có phải là đã đến lúc để thay đổi một số điều trong Hiến pháp Mỹ, vì Hiến pháp được xây dựng từ năm 1791, trong khi xã hội đã thay đổi chóng mặt từ đó đến nay.
Mình đang đại diện cho tất cả các bạn học sinh đồng trang lứa nói lên tiếng nói của bọn mình để có một môi trường học an toàn, lành mạnh
Các hoạt động bên lề dự án sẽ diễn ra như thế nào?
Vào 10h sáng ngày 20/4, bọn mình sẽ diễu hành ra ngoài trường Concordia Hanoi International. Sau đó bọn mình sẽ có 17 phút yên lặng để tưởng niệm 17 bạn học sinh đã bị mất trong cuộc xả súng gần đây nhất tại Parkland, Mỹ. Rồi bọn mình sẽ có bài phát biểu cho toàn thể giáo viên và học sinh của trường và cuối cùng, chúng mình sẽ đến ĐSQ Mỹ để thảo luận.
Nhà trường đã hỗ trợ các bạn ra sao trong dự án này?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là nhà trường đã ủng hộ và tạo điều kiện để bọn mình có thể thực hiện ý tưởng của mình. Nhà trường cũng hỗ trợ không chỉ địa điểm và các trang thiết bị cần thiết, mà trường còn phân công giáo viên hướng dẫn, tư vấn và đi cùng bọn mình đến ĐSQ Mỹ.
Bạn có nghĩ rằng dự án này quá lớn lao so với bản thân bạn không?
Thành thật mà nói là có. Đây là sự kiện mang tính xã hội và rất quan trọng với mình. Gặp gỡ ĐSQ Mỹ và được trình bày ý tưởng trực tiếp với Ngài Đại Sứ là một điều gì đó quá to lớn, nó làm mình càng muốn chuẩn bị thật kỹ vì cảm giác như là bọn mình đang đại diện cho tất cả các bạn học sinh cùng trang lứa, được lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của chính bọn mình để được học tập trong một môi trường an toàn hơn.
Kế hoạch của các bạn sau khi gặp ĐSQ Mỹ là gì?
Sau cuộc gặp gỡ với ĐSQ Mỹ, mình sẽ bắt đầu tạo một đường link trên mạng, để các bạn học sinh có thể ký đơn kiến nghị online. Mục tiêu của mình không chỉ lên tiếng cho việc thắt chặt nạn xả súng tại Mỹ, mà mình rất muốn truyền cảm hứng, tạo động lực cho các bạn học sinh Việt Nam khởi động các dự án của riêng mình để hỗ trợ cộng đồng, mà cụ thể chính là môi trường trường học của các bạn (ví dụ: nạn bạo hành trong trường học, rồi gần đây là hàng loạt các vụ thầy giáo cưỡng bức học sinh, rồi các tệ nạn khác trong trường học…).
Theo bạn, ý nghĩa lớn nhất mà dự án mang lại là gì?
Đầu tiên xuất phát từ mong muốn các bạn học sinh ở Mỹ có một môi trường an toàn hơn để học tập. Với sự hỗ trợ, dù là bé nhỏ, của các bạn học sinh đến từ Việt Nam, biết đâu những kiến nghị này có thể được chính quyền Mỹ cân nhắc.
Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng hơn nữa của sự kiện này đối với mình, chính là mình muốn cổ vũ, khuyến khích các bạn học sinh Việt Nam bắt đầu các dự án xã hội của mình. Thay vì chỉ tập trung vào các hoạt động như chơi game, tụ tập cho những hoạt động không lành mạnh, các bạn có thể hướng đến các hoạt động hỗ trợ cộng đồng – bản chất là cho chính cộng đồng, xã hội mà các bạn đang sống được tốt đẹp, lành mạnh hơn.
Trẻ em vẫn là trẻ em cho đến khi người lớn bắt chúng đối diện với những áp lực của chính họ
Bạn có nghĩ rằng cha mẹ Việt Nam hiện nay đang đặt quá nhiều áp lực, kỳ vọng lên con cái họ?
Mình nghĩ trẻ em vẫn là trẻ em cho đến khi người lớn bắt chúng đối diện với những áp lực của chính họ. Cha mẹ nên lùi lại một bước, nhìn lại con mình, làm bạn và thấu hiểu con. Cha mẹ thì luôn muốn tốt cho con, nhưng không phải lúc nào, và ai cũng có thể hiểu cái gì là tốt nhất cho con họ. Suy cho cùng, mọi người đều phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, nên cha mẹ cũng nên lắng nghe và để con cái được lên tiếng.
Đẩy quá nhiều áp lực vào 1 người sẽ rất nguy hiểm. Hãy để bọn mình có không gian riêng để phát huy năng lực sáng tạo của chính mình, để bọn mình tự tìm kiếm đam mê, năng lực, cũng như điểm yếu thực sự của mình, qua đó bọn mình có thể phát triển toàn diện và mạnh mẽ nhất.
Mình nghĩ tốt nhất con cái nên thể hiện những gì mình muốn. Và hi vọng các bố mẹ cũng hãy biết làm bạn, lắng nghe và chia sẻ cùng con. Tuy nhiên bản thân các con cũng nên lắng nghe ý kiến của bố mẹ, vì dù sao bố mẹ cũng là người lớn, đã có nhiều trải nghiệm hơn mình.
Cảm ơn Đức vì buổi trò chuyện vô cùng thú vị này.
Một trong những lý do khiến Đức có thể thoải mái theo đuổi những ước mơ và bày tỏ quan điểm của riêng mình, đó là Đức may mắn có cả bố và mẹ đều rất tâm lý, hiểu và luôn đồng hành cùng con. Đặc biệt là mẹ của Đức, chị Phạm Thanh Hương không chỉ là chỗ dựa, mà còn là người luôn lắng nghe, ủng hộ những ý tưởng của con trai mình. Những quan điểm, chia sẻ của chị về cách dạy con luôn được cộng đồng đón nhận rất tích cực.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14