Sẵn sàng du học – Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Hong Khaou "Lilting" là câu chuyện về hai con người vượt qua rào cản ngôn ngữ để đồng cảm và học cách chấp nhận nỗi đau khi đương đầu với bi kịch.
Ngay từ cái tên, Lilting (Thế Giới Thứ Ba) đã để cho người xem biết trước đây sẽ là một bộ phim đồng tính khá "hiền" nếu so với các tác phẩm dữ dội cùng đề tài. Đó là một từ tuyệt đẹp, diễn tả khoảnh khắc ai đó ngân nga một ca khúc, lúc đọc lên cũng thấy dịu dàng trong lòng. Nhịp điệu du dương ấy cũng chính là giai điệu của tác phẩm, với trung tâm là ba con người khác biệt về thế hệ, giới tính, chủng tộc. Với ngân sách vẻn vẹn 120 ngàn đô la, màn ra mắt của đạo diễn Hong Khaou đã chạm đến những cảm xúc tinh tế nhất từ mất mát, mặc cảm văn hoá, thấu hiểu và quan trọng nhất, tình yêu.
Trong phim, Ben Whishaw vào vai Richard một chàng trai trẻ đã thuê phiên dịch viên (Naomi Christie) nhằm tác hợp cho Junn (Trịnh Phối Phối) một người phụ nữ già Trung Quốc – Cambodia và người tình Anh quốc của bà (Peter Bowles). Sau này chúng ta mới được biết rằng Richard là người yêu của Kai, con trai bà Junn. Kai (Andrew Leung) đã chết trong một tai nạn, chỉ còn tồn tại trong ký ức và tưởng tượng của cả Junn và Richard. Sự ra đi của Kai bỏ lại bà mẹ lạc lõng trong viện dưỡng lão tại nơi đất khách quên người, mà bà thì lại không nói được tiếng Anh. Lilting để dành bí mật này đến lúc cuối mới tiết lộ, trong khi bóc tách tâm lý của những nhân vật còn sống, những người đang học cách sống với cuộc đời mới khi người thân yêu của họ không còn nữa.
Có thể thấy dù tồn tại như một dạng ký ức, hình ảnh của Kai như một chất keo dính gắn kết mạch truyện của bà Junn và Richard lại với nhau. Được thủ vai bởi nam diễn viên Andrew Leung, Kai cùng một lúc đóng hai vai: đứa con ngoan và người tình ngọt ngào. Bởi cái chết đã ngăn cản anh được "come out" – công bố giới tính của mình với mẹ, Kai để lại nhiều day dứt bởi bà Junn sẽ không bao giờ được nghe một câu trả lời rõ ràng từ con trai, và bà phải học cách chấp nhận sự thật đó một mình.
Với sở trường hoá thân vào các vai tình cảm, nam diễn viên đồng tính Ben Whishaw đã để lại cho khán giả nhiều xúc cảm trong vai người bạn trai đau khổ. Chi tiết anh tần ngần đứng trước bức tường của viện dưỡng lão của Junn cho thấy một nội tâm bị giằng xé giữa đồng cảm và mệt mỏi. Vẻ gầy gò, mong manh, chiếc cằm run rẩy cùng đôi mắt thuỷ tinh buồn vô hạn, Ben cho thấy chân dung một người tình khốn khổ vì mất mát.
Anh biết bà Junn không ưa mình, ngay từ những cố gắng đầu tiên bắt chuyện. Đó không phải chỉ là rào cản về ngôn ngữ. Bà Junn chưa thể chấp nhận câu chuyện về con trai mình và "người bạn tốt" của nó, lại càng không muốn tin rằng con trai đã không còn nữa. Thế nhưng anh vẫn tiếp tục cố gắng làm mọi cách để có thể kết nối được với người phụ nữ "cảu nhảu" đó, với tất cả sự nhẫn nại và tử tế mà chỉ có thể ký giải bằng tình yêu quá lớn dành cho Kai. Richard đã mở rộng cửa chào đón Junn và Alan, đã mở lòng để người phụ nữ châu Á kia vượt qua định kiến.
Sau khi người phiên dịch Vann được cử đến, những rạn nứt và xa lánh ban đầu dần được hoá giải. Những đoạn hội thoại cảm động và thấm thía mà Junn và Richard trao đổi đã cho thấy họ cùng chia sẻ tình yêu với Kai như thể đang nói về một người sống, thế nhưng tận đáy lòng cả hai đều hiểu đã có thứ gì vụn vỡ không thể hàn gắn lại được. Chúng ta không biết được bi kịch của Kai đã diễn ra như thế nào, cuộc sống của hai mẹ con lúc mới đầu tới Anh ra sao, thế nhưng ta hiểu được nỗi đau và tình cảm của họ. Trong khi các sự kiện được tiết chế xuống mức tối thiểu, thì khán giả như chìm lấp trong rất nhiều cảm xúc mà Hong Khaou đem đến cho Lilting.
Ở đó, ta biết được cảm giác lạc lõng của bà Junn khi theo chồng (người Trung Quốc, gốc Pháp) tới một đất nước xa lạ như Anh quốc, rồi sự gần gũi giữa hai mẹ con khiến Kai khó có thể mở lời về giới tính của mình dù Richard đã nhiều lần khuyên nhủ. Còn đó là gánh nặng chăm sóc cha mẹ già trong khi vẫn phải lo toan cho cuộc sống của riêng mình.
Vai diễn Junn được trao cho Trịnh Phối Phối, người được biết tới với khán giả đại chúng qua tác phẩm Ngoạ Hổ Tàng Long. Giống như Junn, bà cũng là một người "theo chồng bỏ cuộc chơi" khi từ đỉnh cao sự nghiệp diễn xuất như một đả nữ màn ảnh, nữ diễn viên đã theo chồng sang Mỹ vào những năm 70. Trịnh Phối Phối đã diễn tả được cái cô đơn của kẻ xa xứ như cái cây già bị bứt khỏi ruộng đồng, đem tới một nơi xa lạ. Việc từ chối học tiếng Anh chỉ làm cho bà thêm cự tuyệt với văn hoá phương Tây, thế nhưng sau vẻ ngoài khó gần đó là một người phụ nữ ấm áp, vui tính.
Nhìn chung, Lilting là một bản nhạc buồn với một vài chấm phá tươi sáng, đặc biệt là trong những đoạn hồi tưởng. Kai như thứ ánh nắng ấm áp mà Richard và Junn đã sưởi chung mà giờ đây họ phải tìm cách sống với cuộc đời lạnh lẽo đi vài phần. Bà Junn thích ở lỳ trong căn phòng một mình, còn Richard trở nên lặng lẽ hơn. Nhịp phim khá chậm khiến nhiều khán giả thiếu kiên nhẫn có thể muốn buông xuôi.
Với một câu chuyện đặc biệt, thông điệp đồng tính không chỉ là tất cả khi nói về Lilting. Bộ phim đã chỉ cho chúng ta thấy cách con người đối phó với mất mát bằng cách tạo ra những ký ức mới. Mỗi lần nghĩ về Kai, cả Junn và Richard đều dường như cố gắng thêm thắt vào quá khứ khiến các kỷ niệm mỗi lần nhớ về lại mỗi khác. Như lần cuối bà Junn thấy con trai mình, mỗi lần nhớ về thì sự tương tác lại có đôi chút khác biệt. Khaou nhấn mạnh điều này bằng cách thỉnh thoảng đóng băng một khung hình và phóng to nó, như thể đó là một bức ảnh chụp. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng chính những điều nhỏ bé ấy đã làm nên vẻ đẹp cho tác phẩm.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14