“The Imitation Game”: Tài năng và bi kịch của thiên tài giải mã Alan Turing

0

Sẵn sàng du học – Không cần các tình tiết cao trào hay hiệu ứng sống động, bộ phim "The Imitation Game" về nhà toán học – thiên tài giải mã Alan Turing vẫn đủ được bình chọn là phim khoa học tiểu sử mà ai cũng nên xem ít nhất một lần.

Không phải ngẫu nhiên mà The Imitation Game (tựa Việt: Người giải mã) lại được nhận đề cử Oscar 2015 cho hạng mục "Phim hay nhất". Và chắc chắn cũng không phải ngẫu nhiên mà vai chính Alan Turing được xem là một trong những vai diễn xuất thần nhất của nam diễn viên Benedict Cumberbatch. Bởi lẽ chính bản thân câu chuyện về nhà toán học vĩ đại Alan Turing, con người đã bền bỉ và thầm lặng chiến đấu trong cuộc chiến giải mã suốt thế chiến thứ 2, đã là một câu chuyện đủ sức lấy đi nước mắt người xem, dẫu bộ phim không thuộc dòng phim tình cảm lãng mạn.

ssdh-the-imitation-game

 

1. Chân dung con người hay một cỗ máy?

Bộ phim mở đầu bằng lời kể của chính nhân vật Alan Turing (Benedict Cumberbatch thủ vai) ở thời hiện đại, tức năm 1952, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt và Turing bị bắt giam do có quan hệ đồng tính – một việc được xem là phạm pháp lúc bấy giờ. Dẫu là phim tiểu sử lấy đề tài về chiến tranh, thế nhưng dưới bàn tay của đạo diễn tài hoa Morten Tyldum, bộ phim không hề khô khan mà thậm chí còn cuốn hút người xem đến mức không thể rời màn hình dù chỉ nửa phút và tập trung theo dõi cuộc chiến trí tuệ giải mã Enigma của Alan Turing cùng nhóm các nhà giải mã Hut 8.

Trong thời kỳ Thế chiến II, quân Đức sử dụng máy Enigma để liên lạc nhờ sự bảo mật tối ưu của loại máy mã hóa ưu việt này. Từ những thông tin cơ bản như dự báo thời tiết trong ngày cho tới những thông điệp quan trọng như ý đồ tác chiến, vị trí đặt tàu, thời gian tiến hành chiến dịch… đều được phe phát xít Đức trao đổi sau khi đã mã hóa qua máy Enigma. Để có thể chiến thắng cuộc chiến này, việc giải mã Enigma là một nhiệm vụ tối quan trọng đối với phe Đồng Minh. Tại Anh, nhiệm vụ ấy được giao cho một nhóm nhà toán học, ngôn ngữ học và giải mã tại trung tâm Bletchley Park, gọi tắt là dự án MI6. Tâm điểm của dự án tuyệt mật ấy là nhà toán học thiên tài lập dị Alan Turing, thuộc nhóm giải mã Hut 8 trong dự án MI6.

ssdh-the-imitation-game1

Trong thực tế, nhà toán học vĩ đại, cũng là cha đẻ của trí thông minh nhân tạo, cho rằng một con người không khác gì một cỗ máy cho đến khi họ thực sự chứng minh được họ là con người. Và quả thật như vậy, theo chân Turing suốt chiều dài của bộ phim, người xem không chỉ chứng kiến được quá trình cân não trong việc sáng tạo nên máy giải mã Enigma, nền tảng của khoa học máy tính và trí thông minh nhân tạo sau này, mà còn dõi theo quá trình Turing vật lộn với chính bản ngã của mình, bước ra khỏi những định kiến và trở thành một con người thực thụ.

Đó là một Alan Turing sống khép mình với các mảng kí ức chắp nối về người bạn thơ ấu và mối tình đồng tính lý giải cho bản tính lập dị sau này của ông. Đó là Alan Turing trông thật cứng nhắc và kiêu căng nhưng thẳm sâu bên trong là một tâm hồn nhiều tổn thương và cũng có khao khát được sống, được yêu thương và được cống hiến như những con người bình thường khác trong xã hội. Thế nhưng mặc cho những đóng góp lớn lao trong cuộc chiến, đến cuối đời, Turing vẫn phải đối mặt với kết cục bi thảm chỉ vì bị gắn mác "phạm tội" quan hệ đồng tính thời bấy giờ.

Với cấu trúc ba hồi: quá khứ (thời thơ ấu của Alan Turing tại trường học), hiện tại (công việc giải mã Enigma trong thế chiến) và tương lai (1952, sau thế chiến và Alan Turing phải đối mặt với cáo buộc thực hiện hành vi quan hệ phạm pháp) được đạo diễn khéo léo đan xen vào nhau, chân dung Alan Turing hiện lên một cách rõ nét nhất với những nét tính cách, suy nghĩ "thô" nhất nhưng cũng "con người" nhất.

Người xem chỉ có thể gặp Christopher trong ký ức thời niên thiếu của Turing (Alex Lawther đảm nhiệm vai thời trẻ), khi cậu học sinh thông minh này thường xuyên bị các bạn học trêu đùa và bắt nạt bởi tính cách đặc biệt. Trong đám bạn cùng lứa, chỉ có mình Christopher đứng ra che chở và ở bên Turing và cũng chính cậu là người đã đưa nhà toán học tương lai bước vào con đường giải mật mã. Những mẩu giấy chuyền tay, những dòng mật mã chỉ hai người hiểu… tất cả những phân cảnh nhỏ ấy là đủ tinh tế để khắc họa sự tác động của ký ức thời niên thiếu lên tính cách khép kín sau này của Alan Turing, mà không cần phải xuất hiện bất kì một phân cảnh nóng nào khi bộ phim được xem là đề cập đến chủ đề LGBT.

ssdh-the-imitation-game2

 

2. Tái hiện cuộc chiến không bom đạn

Nhắc về đề tài chiến tranh, người xem dễ dàng liên tưởng đến những cuộc chiến vào sinh ra tử trên chiến trường với súng ống, đạn dược. Thế nhưng đến với The Imitation Game, đó là một cuộc chiến thầm lặng, không có tiếng súng đạn, không máu me thấm đẫm từng phân cảnh, nhưng vẫn hồi hộp và đủ khiến người xem bị ám ảnh về sự kinh hoàng của thế chiến. "Cứ vài giây trôi qua lại có ba người lính thiệt mạng trên chiến trường bởi Enigma", lời nói sắc lạnh của giám đốc tình báo MI6 là một lời tuyên bố mở ra cuộc chạy đua thời gian của nhóm người giải mã.

Để giải mã Enigma, nếu có một đội giải mã 10 người làm việc theo cách truyền thống tức là thử từng khả năng một 24/7, thì phải mất 20 triệu năm để thử hết các khả năng đó. Và Alan sớm nhận ra điều đó hoàn toàn không thể. Đến cuối ngày khi tiếng đồng hồ điểm nửa đêm, mọi nỗ lực giải mã của nhóm đều đổ sông đổ bể. Kẻ thù chính của nhóm giải mã không phải là phe phát xít với dàn máy bay vẫn lượn mỗi ngày trên đầu, mà là tiếng "tích tóc" chậm rãi của kim đồng hồ. Cứ mỗi một phút giây qua đi, bên ngoài lại có bao nhiêu mặt trận thất thủ, bao nhiêu người vô tội phải hy sinh. Để chiến thắng cuộc chiến này, Alan buộc bản thân phải chế tạo ra chiếc máy có khả năng lọc mọi thông tin nhiễu và nhả ra kết quả chính xác trong khoảng thời ngắn nhất. Và đó là lý do cỗ máy Christopher nhằm giải mã Enigma được ra đời.

ssdh-the-imitation-game3

Bên cạnh nhân vật chính Alan Turing, từng nhân vật khác trong đội giải mã cũng được khắc họa với từng nét tính cách nổi bật, dẫu ít đất diễn. Đó là hình ảnh một vị chỉ huy quân đội cứng nhắc Stewart Menzies (Mark Strong), một Hugh (Matthew Goode) nghiêm túc trong công việc, nóng tính nhưng tốt bụng, một John (Allen Leech) hòa nhã, điềm đạm, nhưng đầy tính toán đến cô gái duy nhất của đội giải mã Clarke (Keira Knightley) đầy sự đồng cảm, thấu hiểu với Alan Turing, thông minh vượt bậc hơn hẳn cánh đàn ông nhưng vẫn phải chịu sự quản giáo, định kiến từ gia đình và xã hội.

ssdh-the-imitation-game4

Đi qua từng lớp lan của bộ phim, Alan Turing dần hiểu được ý nghĩa của tinh thần đồng đội, của việc quan tâm và cả sự tin tưởng vào những người xung quanh mình, được thể hiện qua các mối quan hệ của Alan Turing với các nhân vật khác trong đội giải mã. Trong cuộc chiến đầy căng thẳng đó, vẫn có những câu chuyện giữa người với người khiến người ta phải suy nghĩ về, khóc một chút, cười một chút và nhẹ nhõm khi cuối cùng mọi thứ cũng qua đi.

3. Ai cũng xứng đáng được công nhận

Bộ phim được xây dựng trên phông nền phim mang màu sắc hoài cổ, dịu dàng, trầm mặc, đậm chất Anh quốc kết hợp cùng chất nhạc chậm rãi, nhẹ nhàng và trầm buồn. Với những yếu tố nghệ thuật tinh tế được lồng ghép vào phim, hình ảnh Alan Turing hiện lên rõ ràng hơn và thật hơn.

ssdh-the-imitation-game5

Có những phân đoạn thuở còn đi học bị bắt nạt, những buổi nghỉ trưa một mình nghiên cứu cỗ máy giải mã và vẽ nên phác đồ treo đầy tường trong thế chiến, hay lúc bật khóc vì phải đóng lại cỗ máy Christopher ở cuối phim, đều là những lát cắt tưởng chừng rời rạc nhưng lại là linh hồn của cả bộ phim. Chúng khiến cho hình ảnh một Alan Turing trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn, dễ thấu hiểu và đồng cảm hơn. Không chỉ là nhà toán học kiêu căng lập dị, khó gần, mà ẩn sâu bên trong là những tâm sự chưa bao giờ được bày tỏ, những nỗi buồn được khỏa lấp và một trái tim cần và biết yêu thương cho dù bên ngoài có sự khác biệt với những người xung quanh.

"Đôi khi những người mà chẳng ai nghĩ rằng họ sẽ làm được gì lại chính là những người làm nên những điều không ai có thể tưởng tượng" (Nguyên tác: "Sometimes it is the people no one imagines anything of who do the things no one can imagine") là thông điệp chính mà bộ phim muốn truyền đạt đến tất cả mọi người. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, mỗi người đều sẽ có những khiếm khuyết của riêng mình. Nhưng những khiếm khuyết ấy khiến mỗi cá nhân trở nên đặc biệt theo cách của riêng họ và chúng ta cần phải tôn trọng sự khác biệt ấy. Và như vậy, ai cũng xứng đáng được công nhận, dù họ là ai, có quá khứ thế nào hay xuất thân ra sao, khi họ thực sự muốn dành cuộc đời để cống hiến hết mình cho xã hội.

ssdh-the-imitation-game6

 

Bên cạnh đó, bộ phim còn được cộng đồng LGBT vinh danh vì đã truyền tải một câu chuyện cảm động và rất đời về nhà toán học – người giải mã vĩ đại Alan Turing đến với đông đảo khán giả. Riêng từ Benedict Cumberbatch, anh đã mong bộ phim có thể giúp Alan Turing gột rửa thanh danh và được tôn vinh đúng với những gì ông đã đóng góp.

Bộ phim vẫn còn những điểm không hoàn hảo, thế nhưng như vậy lại càng khiến câu chuyện về một Alan Turing khác biệt trở nên chân thật và đáng xem hơn bao giờ hết. Trong tháng của niềm tự hào – "Pride month" – dành để tôn vinh sự đa dạng của các xu hướng tính dục trên toàn thế giới, mời bạn cùng xem lại The Imitation Game như một cách mở lòng, cởi bỏ quan niệm khắt khe về vấn đề giới tính trong xã hội hiện đại.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply