Sẵn sàng du học – Các tác phẩm phim ảnh xuất sắc đôi khi còn ẩn giấu tầng nghĩa chìm ẩn dụ về lịch sử, triết học, tâm lý… dưới lớp vỏ hành động, kinh dị.
Có những bộ phim xem một lần là quên ngay, nhưng cũng có các tác phẩm để lại cho khán giả nhiều suy ngẫm. Không ít trong số đó khiến chúng ta trăn trở vì không thể hiểu được tường tận ý đồ của các nhà làm phim, hoặc cảm thấy dường như đã bỏ sót thứ gì đó mà không thể phát hiện ra. Đó là khi những bộ phim xuất sắc được xây dựng trên nền tảng triết học đánh động vào tiềm thức con người mà khán giả không thể phát hiện ra ngay từ đầu.
Cùng tìm hiểu xem những thông điệp bất ngờ mà 7 bộ phim dưới đây ẩn giấu là gì nhé.
1. Mad Max: Fury Road
Thông thường những bộ phim hành động bom tấn ít khi đi kèm với nội dung "sâu đíp", thế nhưng Mad Max: Fury Road chắc chắn là một ngoại lệ mà bạn không thể bỏ qua. Nếu nhìn kỹ vào các thành tố cấu tạo nên bộ phim, hẳn khán giả sẽ rất bất ngờ bởi chúng tượng trưng cho chính các khía cạnh nhân cách của chúng ta. Nếu như Furiosa là bản thể con người, thì Max là tiếng nói nội tâm, cũng như những cuộc đào thoát chính là nỗi sợ, trái đất xanh là giấc mơ của con người. Điều đó lý giải tại sao khi thưởng thức Mad Max, chúng ta có cảm giác như mảnh đất được hồi sinh, đánh động tới mọi cảm xúc, giác quan bởi đây chính là khúc nhạc mà mỗi con người đều trải qua.
2. Schindler’s List
Cô bé với chiếc áo măng tô đỏ chính là biểu tượng của Schindler’s List. Hình ảnh em lạc lõng bước đi giữa sự hỗn loạn và chết chóc của chiến trường, rồi cái kết đau lòng đã bóp nghẹt trái tim của mọi khán giả. Theo đạo diễn Steven Spielberg, bé gái với chiếc áo đỏ tượng trưng cho dòng máu đã đổ của người Do Thái còn đám đông chính là những quốc gia và lực lượng đã thờ ơ với tội ác diệt chủng: "Tại Mỹ, Liên Xô và Anh, người ta biết những chuyện mà Đức Quốc xã đã làm với người Do Thái nhưng không ai làm gì cả. Đó là một kết cục bi thảm mà ai cũng thấy nhưng không ai lên tiếng."
3. Interstellar
Những khán giả để ý kỹ có thể thấy hai tông màu chủ đạo của bộ phim là xanh dương (tượng trưng cho bầu trời, không gian và sự vĩnh cửu) và nâu đất (tượng trưng cho Trái Đất, thời gian). Hai nhân vật cha con trong câu chuyện cũng thường xuyên thay đổi màu trang phục cho phù hợp với thông điệp của họ trong từng cảnh quay.
Bộ phim thêm vào đó còn được xây dựng xung quanh một cấu trúc khá thần thoại: giấc mơ về sự vĩnh cửu, những con người nhỏ bé vật lộn trong hỗn loạn và sự cứu rỗi tối thượng. Dầu vậy với các nhân vật rất "người", Interstellar vẫn đem tới sự gần gũi cho khán giả.
4. Shutter Island
Đạo diễn Martin Scorsese ngay từ đầu đã cài cắm những chi tiết tinh tế cho chúng ta biết rằng nhân vật chính là một bệnh nhân tâm thần chứ không phải là một viên thanh tra như anh ta tưởng: vẻ căng thẳng trên khuôn mặt của những viên cảnh sát, sự thờ ơ của người y tá khi được chất vấn, sự vụng về của cô Kearns… Dường như họ đang che giấu thứ gì đó, thế nhưng chỉ đến khi phim kết thúc và khán giả có thời gian xâu chuỗi lại các sự việc, chúng ta mới phát hiện ra những biểu hiện bất thường kia đều có lý do cả!
5. Black Swan
Nhiều người nghĩ rằng Black Swan là bộ phim nói về chứng tâm thần phân liệt đa nhân cách của vũ công ballet Nina và nhân cách đen tối "Lily" của cô ấy. Lily trong tiếng Hebrew cũng có nghĩa là "bóng tối". Thực tế là Black Swan lại mượn hình tượng vũ công ballet để nói về hai mặt của nghệ thuật: sáng tạo và hủy diệt. Chỉ khi cán cân sáng tạo – hủy hoại được cân bằng thì ở đó sự hoàn hảo mới được sản sinh.
6. The Walking Dead
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao một series về xác sống như The Walking Dead thì có gì mà khán giả mê mẩn tới tận gần chục mùa phim qua cả thập kỷ chưa? Đó là bởi loạt phim này không chỉ mô tả thế giới của những xác sống, mà còn là thế giới thu nhỏ của những hình thái xã hội trong lịch sử con người – từ chế độ nô lệ cho tới dân chủ. Qua mỗi tập phim người xem lại được thấy cách mà con người tự tạo lập xã hội thu nhỏ để tồn tại – đây cũng là một điểm thú vị không nên bỏ qua khi nhắc tới The Walking Dead.
7. Fight Club
Điều này chưa từng được xác nhận nhưng là một giả thuyết mà rất nhiều fan của Fight Club tin là đúng: đó là không chỉ Tyler Durden của Edward Norton và Brad Pitt là một mà ngay cả Marla Singer (Helena Bonham Carter) cũng chính là nhân cách khác của Tyler. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy Marla và Tyler của Brad Pitt giống nhau khi đều hút thuốc như ống khói, cùng để kiểu tóc, cùng đeo nhẫn. Trong khi đó, Marla và Tyler của Norton thì đều sống trong khách sạn, cùng tham gia những buổi họp cộng đồng (self-help course) và ti tỉ những thứ tương tự. Nói cách khác, Marla chính là hiện thân của tính nữ trong một Tyler Durden còn đang phải vật lộn với sự định danh nam tính của mình.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14