Sẵn sàng du học – Tiến sỹ văn học Đoàn Hương một lần nữa lại gây sóng gió trong dư luận, khi bà tham gia một cuộc trò chuyện trên VTV với đề tài chính xoay quanh đề xuất “tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai”.
Bà đã nói về việc Anh rời EU và từ đó, đưa ra nhận định tầm quan trọng của Anh ngữ sẽ không còn lớn nữa, do đó nếu chỉ dồn vào tiếng Anh là không ổn.
Thực tế, điều bà Đoàn Hương nói là chưa chuẩn, chưa trúng, chưa đúng nhưng dù gì nó cũng chỉ là giới hạn của một nhận định cá nhân mang tính chủ quan. Và tất nhiên, khi người đọc, người xem cảm thấy cái không đúng, không trúng ấy nó nghịch lỗ tai mình, họ sẽ cảm thấy khó chịu. Từ cái khó chịu đó, bà Đoàn Hương thành đối tượng bị “ném đá” là điều cũng dễ hiểu.
Sẽ có người nói bà Đoàn Hương dại dột khi nhận lời các cuộc phỏng vấn, trò chuyện dễ thành tâm điểm của sự cuồng nộ trong dư luận. Điều họ nói có lý. Bà Đoàn Hương đã từng tham dự cuộc phỏng vấn nói về "cải tiến" chữ của ông Bùi Hiền. Dù bà không bảo vệ cái đề án ấy, thậm chí bà còn chỉ ra những cái chưa đúng của nó, nhưng bà đề cao thái độ làm khoa học của ông Bùi Hiền. Song, sự khách quan của bà Đoàn Hương không đủ bảo vệ bà trước dư luận. Rất may, hình như bà không chơi Facebook nên cũng chẳng bị ảnh hưởng từ nó là mấy.
Nhưng nhìn vào cái cách bà Đoàn Hương lựa chọn cuộc phỏng vấn và đối thoại, tôi phải thừa nhận rằng bà đã có một sự "dại dột cần thiết". Thậm chí, tôi xem hành động ấy của bà là dũng cảm. Bà đã dũng cảm lên tiếng đúng lĩnh vực của mình, khi các đơn vị phỏng vấn, đối thoại với bà đang mong mỏi nhất một ý kiến của một chuyên gia. Mà nếu nói về ngôn ngữ, rõ ràng bà Đoàn Hương là chuyên gia. Bà là một chuyên gia về Ngữ văn, với học vị tiến sỹ đàng hoàng. Và bà khiến tôi đặt câu hỏi: “Các chuyên gia hiện nay đang ở đâu khi xã hội cần họ nhất?”.
Trong một cuộc tranh luận khoa học trên mạng xã hội gần đây của một nhóm những người trẻ yêu một môn khoa học có sự chỉ trích rất gay gắt (bằng học thuật) đối với vài bài viết về khoa học của một người trẻ nổi danh. Trên diễn đàn, nhiều người chỉ ra rằng các giới thiệu khoa học của người trẻ nổi danh kia là ngụy khoa học, với những tài liệu không chính xác được sử dụng làm nền tảng.
Thậm chí, họ còn chỉ ra được những chỗ nào là đạo văn, và họ cho rằng sự nguy hiểm của các bài viết giới thiệu khoa học thường thức thiếu chuẩn xác ấy lại tạo ra niềm tin vững chắc đối với những độc giả hâm mộ của người trẻ kia, để họ cho rằng đó chính là khoa học chân xác. Lo ngại thứ ngụy khoa học gây nên những hiểu biết sai lệch trong cộng đồng, họ đã lên tiếng và từ đó tạo ra tranh cãi dữ dội giữa hai phe: bên chỉ trích và phe cổ động viên hâm mộ của tay bút trẻ kia.
Đọc cuộc tranh cãi ấy, tôi thấy mình nên có chút trách nhiệm và tôi đã liên hệ với một tiến sỹ đúng chuyên ngành khoa học ấy. Tôi nhờ tiến sỹ này tham gia bằng một bài viết minh định chân-ngụy để chấm dứt sự tranh cãi. Tôi đã nghĩ rằng bằng uy tín lâu năm của mình, ý kiến chuyên gia của vị tiến sỹ nọ sẽ có sức nặng. Nhưng điều tôi nhận được chỉ là sự từ chối khéo, đại ý “bận lắm, với cả ngại tham gia mấy việc như thế”.
Điều khiến tôi thất vọng hơn cả là vị tiến sỹ nọ thực ra không hề bận rộn gì. Vị ấy đã nghỉ hưu và ngày nào cũng lên Facebook bày tỏ quan điểm của mình về mọi vấn đề xã hội, từ chính trị đến thể thao, đa số toàn những lĩnh vực mà vị ấy thiếu thông tin, dữ kiện và thậm chí là cả kiến thức.
Từ câu chuyện của vị tiến sỹ tôi quen và của bà Đoàn Hương, tôi nhận ra rằng đang tồn tại một chủ nghĩa lạm bàn thái quá trong xã hội đương thời. Cái gì chúng ta cũng cấp cho mình cái quyền bàn luận, bình luận bất chấp ta có hiểu biết đủ về nó hay không. Trong khi đó, việc mình rành rẽ nhất thì mình lại im lặng, thờ ơ đến mức vô trách nhiệm.
Chúng ta cần xem lại chính mình. Để xã hội văn minh hơn, cần lắm những "dại dột" dũng cảm như kiểu của Tiến sỹ Đoàn Hương. Và cần hơn nữa là việc đọc thật kỹ, nghe thật kỹ điều người khác nói, kể cả nó có nghịch nhĩ đến mức nào. Ném hòn đá đi thì dễ, nhưng thu lại hòn đá thì khó. Và hòn đá, nhiều khi nó chuyên chở luôn cả nhân cách của chính mình.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo VNCA