Sẵn sàng du học – Alessandro Ford trở thành du học sinh châu Âu đầu tiên ghi danh vào trường Đại học Kim Nhật Thành ở Triều Tiên và đã có thời gian sinh sống, học tập thú vị ở quốc gia này.
Với phần đông dân số trên thế giới, Triều Tiên là một đất nước khá bí ẩn, khép kín và tách biệt với thế giới. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt được phép nhập hoặc xuất cảnh dưới sự giám sát chặt chẽ của quân đội. Vậy nên việc du học đến quốc gia này là điều khá bất ngờ với nhiều người.
Tuy nhiên, mọi sinh viên quốc tế đều có thể đăng ký du học tại Triều Tiên, nhưng không phải ai cũng được chính phủ đồng ý cấp thị thực (visa). Tại Đại học Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng chỉ có 90 sinh viên nước ngoài mà hầu hết là du học sinh Trung Quốc.
Sinh viên người Bỉ, Alessandro Ford đã có một gap year (năm nghỉ ngơi cho bản thân sau khi tốt nghiệp trung học) thú vị khi trở thành du học sinh châu Âu đầu tiên ghi danh vào Đại học Kim Nhật Thành (Bình Nhưỡng, Triều Tiên) – một đất nước được coi là bí ẩn và cô lập nhất thế giới.
Alessandro Ford tới Triều Tiên du học nhờ sự sắp xếp của bố, ông Glyn Ford, cựu thành viên đảng Lao động của nghị viện châu Âu và từng có nhiều chuyến công tác ngoại giao đến Bình Nhưỡng. Anh đã sở hữu một blog cá nhân riêng chia sẻ những trải nghiệm thú vị sau 5 tháng học tập và sinh sống tại quốc gia này.
Ford nói: “Cha thường đùa rằng nếu tôi không đưa ra quyết định được, ông sẽ gửi tôi tới Triều Tiên”.
Ford lần đầu tiên tới Triều Tiên trong hai tuần vào kỳ nghỉ hè năm 15 tuổi. Trong thời gian đó, cậu đã bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viên. Tuy nhiên, chàng trai trẻ vẫn rất quan tâm tới đất nước này.
Cuộc sống du học thú vị tại đất nước Triều Tiên:
Ford tiêt lộ, sinh viên tại trường Kim Nhật thành đều là con cháu Đảng viên, quan chức cấp cao của chính phủ hoặc quân đội, gia đình giàu có hay tầng lớp có thế lực. Phần lớn sinh viên là dân thành phố, chỉ một số đến từ nông thôn.
Trong thời gian bốn tháng học tại Triều Tiên, Ford phải chi hơn 4.600 USD gồm tiền ăn và ở. Anh được phép giao lưu với thế giới bên ngoài bằng cuộc điện thoại 10 phút với mẹ một lần mỗi tuần với giá cước hơn 3 USD một phút.
Điều đáng chú ý là mọi hoạt động của anh đều được kiểm soát chặt chẽ trong khuôn khổ. Ford sống trong phòng ký túc xá khá đơn giản và ghép nhóm với những học sinh được tuyển chọn đặc biệt. Anh chia sẻ ký túc xá của mình khá sạch sẽ, thoải mái nhưng cũng có vài điều kỳ lạ như nhà vệ sinh ngồi xổm và không dùng vòi hoa sen. Tuy nhiên, vào mùa đông khi nhiệt độ ngoài trời là -20 độ C, ký túc xá lại không có nước nóng trong hai tuần.
Sự khác biệt văn hoá
Theo Ford, rào cản duy nhất giữa cậu và sinh viên bản địa là ngôn ngữ và mọi cuộc nói chuyện đều phải dưới góc độ người Triều Tiên. Một vài sinh viên Triều Tiên biết tiếng Anh được sắp xếp ở trong ký túc xá dành cho các bạn nước ngoài để giúp họ hoà nhập.
Anh chia sẻ, những người dân ở đây được chia làm hai kiểu: một số vô cùng tò mò về cuộc sống ở nước ngoài từ đời sống, âm nhạc, giá cả thuê nhà…, một số khác lại chẳng có chút quan tâm nào.
Tại đây, anh được tham gia vào nhiều hoạt động văn hoá, ngoại khoá thú vị. Anh cũng thường xuyên chơi bóng đá, đi dã ngoại, tiệc tùng với một nhóm bạn.
Ford cũng chia sẻ về những nét đặc biệt của sinh viên Triều Tiên. Họ nói không với việc tình dục trước hôn nhân và những thứ như ma tuý, nhạc rock'n'roll rất xa lạ. Họ cũng là những người rất thuần khiết, coi trọng gia đình và đất nước.
Ford học ngành Triết học tại Đại học Bristol, Anh sau khi kết thúc thời gian học tập ở Triều Tiên và khoảng thời gian ở đây sẽ là những trải nghiệm khó quên đối với anh.
Thái Hải (SSDH) – Theo Sao Star