Sẵn sàng du học – Sống ở trên đời, những việc tốt-xấu, thật-giả là thứ không phải dễ dàng mà nhìn nhận công minh. Những kẻ bề ngoài đạo mạo thư sinh lại chỉ biết hại người, ma quỷ còn biết báo ơn.
Chuyện yêu ma, hồ ly, quái thú đã trở thành những chủ đề quen thuộc trong văn hóa và văn học dân gian Trung Quốc. Từ những văn sách thời cổ đại nổi tiếng như Sơn Hải Kinh cũng đã ghi lại rất nhiều chuyện liên quan đến ma quỷ, thần thú, hay yêu tinh. Các mẩu chuyện chí quái thời Lục Triều là một trong những tác phẩm văn học dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh kì quái, được lưu truyền rộng rãi và có sức ảnh hưởng lớn đến hậu thế.
Nói về tác phẩm liên quan đến ma quỷ, hồ ly trong văn học Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ra đời vào đầu triều Thanh. Gần một thế kỉ sau, những chuyện hồ yêu, ma mị ấy lại sống dậy với ngòi bút có phần thê lương, băng lạnh của Hòa Bang Ngạch với Dạ đàm tùy lục.
Dường như nỗi sợ hãi là thứ tồn tại duy nhất trong mối quan hệ giữa con người và yêu ma. Yêu quái, hồ ly, hay ma quỷ đều là phường xấu xa, tàn bạo; nên tránh càng xa còn tốt, đừng vì sân si mà rước họa vào thân. Nhưng nếu đọc Dạ đàm tùy lục, độc giả sẽ thấy những cái nhìn mới mẻ của Hòa Bang Ngạch về mối quan hệ đặc biệt này.
Ít ra, yêu ma còn biết trả nghĩa, con người chỉ biết lấy oán báo ân
Tác phẩm tập hợp hơn 100 câu chuyện dài ngắn khác nhau, viết theo thể văn ngôn, kể về những mối nhân duyên giữa con người với con người, con người với yêu ma, con người với hồ ly.
Ẩn sau trong những từ ngữ mang chút ma mị, có thể khiến người ta lạnh gáy là những bài học sâu sắc về triết lý nhân sinh, đạo xử thế ở đời. Phàm là người đọc sách, ai cũng nói chuyện nhân nghĩa. Nhưng đến cơn hoạn nạn, mới thấy lắm kẻ chẳng nhớ lời dạy của thánh hiền.
Chuyện của Lưu công là một ví dụ. Lưu công vốn là người ở phủ Phụng Thiên, dòng dõi thế gia, danh môn quý hiển, lại sung túc. Vốn tính tình hiếu khách, nên khoản đãi bạn bè không bao giờ thấy tiếc. Trong nhà lúc nào cũng nườm nượp khách khứa. Trong đó có một vị khách là tú tài họ Thôi, từ xa tới. Nghe tiếng tăm của Lưu công đã lâu, Thôi tú tài mạo muội yết kiến.
Từ đó trở đi, dăm ba bữa tú tài nghèo lại đến vay tiền. Người nhà họ Lưu đâm ra chán ghét, chỉ có Lưu công là không bận lòng gì.
Bỗng đâu, Lưu gia liên tiếp gặp mấy biến cố lớn. Của cải cứ thế đội nón ra đi, qua mấy năm đã không còn gì. Từ đó, khách khứa chẳng còn ai qua lại. Những người trước kia được Lưu công giúp đỡ, nay thấy ngài chỉ ngoảnh mặt làm ngơ. Một ngày nọ, Thôi tú tài năm xưa xuất hiện, sẵn sàng đem số tiền lớn cho Lưu công vay mượn để gây dựng lại cơ nghiệp.
Mấy năm sau, nhà họ Lưu lại trở về cảnh hào môn vinh quý như xưa. Lưu công mở tiệc khoản đãi và mời bằng được Thôi tú tài đến dự. Hàn huyên chuyện cũ, Lưu công mới ngỏ ý muốn kết thông gia với nhà họ Lưu. Thôi tú tài ấp úng từ chối, hồi lâu mới kể rõ sự tình. Hóa ra, tú tài họ Thôi kia vốn là một lão hồ ly, trước kia chịu ơn của Lưu công nên nay phải báo đáp.
Nuôi người làm công, ai cũng mong nô bộc là kẻ khôn lanh, tài trí; hoặc chí ít cũng thật thà, chẳng ai muốn nuôi một kẻ ngốc trong nhà. Khổ nỗi, tốt xấu trong tâm với minh mẫn trong trí đôi khi chẳng đi liền với nhau. Truyện Tráng tử (Chàng ngốc) là một minh chứng.
Có viên quan tên là Tạ Tế Thế nuôi ba người ở trong nhà, một kẻ giảo hoạt, một người thật thà, còn lại là một tên ngốc. Kẻ ngốc xưa nay không được trọng dụng, lại thường hay bị mắng mỏ, đúng như lẽ đời. Không may, Tạ đại nhân mắc tội bị giam vào ngục. Tên giảo hoạt đã trốn đi tự bao giờ, kẻ thật thà cũng xin đi vì không muốn bị vạ lây, chỉ duy có người đầy tớ ngốc nghếch là muốn ở lại bên chủ nhân. Lúc ấy, Tạ Tế Thế mới biết đâu là tình nghĩa đích thực ở đời.
Đằng sau những câu chuyện về yêu ma
Hòa Bang Ngạch sinh năm 1736 tự Nê Trai, vốn là con cháu người Mãn, thuộc dòng dõi Nhương Hoàng Kì. Ông nội của ông là Hòa Minh, từng giữ chức tổng binh ở các tỉnh Lương Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông. Khi còn nhỏ, Hòa Bang Ngạch đã theo ông nội đi khắp nơi, từ vùng Cam Túc, Thiểm Tây, đến Phúc Kiến, Quảng Đông.
Đi nhiều, tiếp xúc với đủ các tầng lớp xã hội nên tác giả có cơ hội nghe đủ các thể loại truyện kì ảo, quái dị. Kiến thức địa lý uyên thâm, rành rẽ của Hòa Bang Ngạch cũng được thể hiện một cách rõ nét trong Dạ đàm tùy lục.
Đến khi ông nội qua đời, tác giả mới về kinh thành để học trong trường dành cho con cháu quý tộc. Con đường học vấn của Hòa Bang Ngạch không mấy suôn sẻ. Năm 38 tuổi ông mới đậu cử nhân, từng giữ các chức tri huyện rồi đến phó đô thống. Nhưng ông vốn không hứng thú với chốn quan trường, chỉ muốn lấy sách vở làm niềm vui.
Năm 1779, Dạ đàm tùy lục được in lần đầu tiên dưới thời Càn Long. Tuy sống trong thời buổi thịnh thế của nhà Thanh, nhưng Hòa Bang Ngạch đã có những dự cảm không lành về sự suy vong của triều đại này. Cực thịnh rồi suy tàn, điều đó đã trở thành quy luật với các triều đại phong kiến. Vua tôi chỉ biết nhìn cảnh xa hoa ở kinh đô mà không biết vỗ về lòng dân, đó mới là gốc rễ của đất nước.
Trong Dạ đàm tùy lục, thường đề cập đến những vụ án oan, hay hào phú vì mắc oan mà cảnh nhà sa sút. Đó cũng là thực tế của xã hội ở những năm cuối thời Càn Long. Trong những vị án oan đó, thì nỗi oan của đám văn nhân chiếm một phần không nhỏ.
Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh mang đến một thế giới mơ mộng, hào nhoáng nơi xảy ra chuyện tình ái ly kì của người và hồ ly, có khuynh hướng của chủ nghĩa lãng mạn. Còn Dạ đàm tùy lục của Hòa Bang Ngạch lại khắc họa xã hội một cách trần trụi với văn phong có phần hơi sắc, lạnh; thể hiện rõ ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực.
Dạ đàm tùy lục không chỉ là câu chuyện kể mua vui cho người ta quên đi đêm dài. Trong những hỗn độn của thế giới hồ mị với yêu ma, dị quỷ ấy; người ta tìm thấy nhiều bài học quý để làm người. Sống trên đời, nhận ân phải trả ân, có oán phải báo oán, làm sai mà biết sửa thì càng đáng quý bội phần.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing