Sẵn sàng du học – “Ung thư không phải là chấm hết mà là động lực để mình tiếp tục cống hiến, sống lạc quan và yêu đời hơn”, đó là lời chia sẻ của cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng (giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Chư Prông, Gia Lai. Một cô giáo mà gần 10 năm trước, bác sĩ đã “bó tay” vì căn bệnh ung thư tụy đã di căn.
10 năm hành trình đi tìm bục giảng
Vừa bước qua cái tuổi 18, cô học sinh lớp 12 Nguyễn Lữ Thu Hồng đã nuôi hoài bão về nghề giáo viên với ước mơ được đứng trên bục giảng. Cầm trên tay bộ hồ sơ tuyển sinh đại học, Hồng đã không suy nghĩ mà điền ngay vào trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn.
Sau hơn 1 tháng đăng kí nguyện vọng, Hồng luôn tập trung vào ôn tập để bước vào 3 kì thi quan trọng trong đời học sinh. Lúc đó, bất chợt cô bé lớp 12 bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng. Khi đi khám, gia đình hết sức bàng hoàng khi nhận tin, Hồng đã bị căn bệnh ung thư tụy và đã di căn. Nằm viện được một tháng, Hồng được gia đình đưa Hồng với những hy vọng mỏng manh.
Trở về nhà, trước mặt là 3 kì thi, sau lưng là những lời động viên mong Hồng nghỉ học để tập trung chăm sóc sức khỏe. Nhưng với hoài bão nghề giáo, Hồng vẫn tiếp tục ôn tập và đăng kí thi cuối cấp lớp 12, tham gia thi tốt nghiệp phổ thông và “vượt ải” cánh cửa đại học thành công. Bố mẹ thì đi tìm khắp các phương thuốc đông tây y… để cho Hồng uống với mong muốn điều kì diệu sẽ đến với cô bé tuổi 18.
Dù biết mình đang mang trong mình căn bệnh có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào nhưng Hồng vẫn lên đường ra Quy Nhơn để tham gia 4 năm đại học. Ngày tháng dần trôi qua, cuộc sống của Hồng là chuỗi ngày ngày vui vẻ, khỏe mạnh. Cô bé ấy luôn vui cười, tràn đầy khát khao sống và cống hiến những gì mình còn làm được…
Lữ Hồng tâm niệm: “Từ khi mắc bệnh, em nhìn những người đang còn điều trị, kể cả những người đã ra đi thì thấy mình đang còn rất may mắn. Cũng vì vậy, em quên dần đi bệnh tật và làm mọi thứ để thực hiện ước mơ. Đồng hành với nó là tiếng cười lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Chắc có lẽ vậy mà gần 10 năm nay căn bệnh không tái phát và ước mơ trở thành một cô giáo đang dần thành hiện thực.”.
Năm 2013, Hồng ra trường với tấm bằng Cử nhân Sư phạm. Nhưng một lần nữa cô lại bị thử thách trên hành trình đến với ước mơ nghề giáo. Lúc đó, chỉ với tấm bằng, Hồng không xin được chỗ dạy nên em đã về mở một lớp gia sư. Ngôi nhà nhỏ trong hẻm hàng ngày vẫn vang vọng những tiếng học trò học cùng cô giáo trẻ say sưa giảng bài. Rồi những bài thơ, truyền ngắn do Lữ Hồng sáng tác được học sinh ngồi chăm chú nghe.
Hơn 3 năm làm gia sư ở nhà, năm 2016, Lữ Hồng đã xin hợp đồng tại một ngôi trường ở thành phố. Cũng trong năm đó, Hồng đã mạnh dạn đăng kí thi tuyển viên chức và cô đã đậu vào dạy ở một ngôi trường vùng khó tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Mỗi tuần cô Hồng phải vượt gần 50km vào xã Ia Piơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) để dạy môn Ngữ Văn cấp 2.
Đưa tiếng cười vào thơ văn
Tuy phải dạy ở một ngôi trường vùng sâu, nhưng trong Lữ Hồng luôn có đam mê văn thơ nên cô thường sáng tác những bài truyện ngắn, thơ để gửi lên các báo. Sau khi một số tác phẩm được đăng lên báo, cô tiếp tục mở rộng viết những bài viết về chính nghề giáo viên vùng sâu. Nơi mà cô và các đồng nghiệp khác đang từng ngày “gieo chữ” cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô giáo Lữ Hồng bộc bạch: “Từ hồi sinh viên em đã có một niềm đam mê với văn, thơ. Tuy nó không đúng vần, đúng điệu hay kết cấu nhưng em chỉ muốn gửi vào đó những cảm xúc thật của chính mình. Hơn nữa là những điều em muốn gửi gắm trong cuộc sống để mọi người như em có thể đọc, chia sẻ để cùng hướng đến một cuộc sống vui vẻ, lạc quan…”.
Sau mỗi đêm soạn xong giáo án, Lữ Hồng lại mở cuốn sổ tay của mình để ghi lại những câu chuyện về tình thầy trò. Từ đó, tạo ra những âm điệu thơ khắc họa chân thực về cuộc sống và hành trình của những cô giáo “bám bản”. Chỉ trong năm 2018, Hồng đã tìm trên mạng địa chỉ của một số tờ báo nhằm gửi những bài viết của mình. Đáp lại những nỗ lực của cô giáo trẻ, nhiều tờ báo, tạp chí như báo Gia Lai, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Quân đội nhân dân, báo Phú Yên, Quảng Nam… hàng tuần đều đăng tải những bài viết, bài thơ cô gửi về cộng tác.
Từ những bài viết, bài thơ cô đăng tải trên mạng, báo Thanh Niên đã âm thầm kết hợp cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn với sự hỗ trợ của nhà thơ Văn Công Hùng đã sưu tập và in tặng cô tập thơ “Một mai thức dậy”, tác giả Lữ Hồng. Đọc những vần thơ cô viết không phải là một sự u buồn mà là cuộc sống tươi vui. Những câu thơ gắn kết giữa con người với thiên nhiên và nêu cao những mối quan hệ bình dị như tình thầy – trò, tình cảm cảm gia đình…
Cá Domino (SSDH) – Theo dantri