SSDH- Nhiều học sinh và sinh viên đang quá bận rộn cố gắng vào hoặc ra khỏi trường đại học, đến nỗi họ đánh mất mục tiêu quan trọng trong cuộc đời – tìm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp. Sự thiển cận này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cho dù mục tiêu tập trung vào trường học của bạn có tốt đến đâu, bạn vẫn có thể đánh mất công việc mơ ước nếu không bắt đầu nghĩ về cuộc sống sau đại học càng sớm càng tốt. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn 10 tips hàng đầu để có được việc làm hiệu quả sau khi tốt nghiệp.
-
Tạo dựng mối quan hệ
Nếu bạn không chú trọng việc lựa chọn chuyên ngành đại học, hẳn là bạn đã có ý tưởng trong đầu về những gì bạn muốn làm sau khi tốt nghiệp. Điều này giúp bạn có lợi thế để thực hiện một bước quan trọng khác và bắt đầu kết nối với các chuyên gia trong ngành của bạn. Đại học là nơi tuyệt vời để bắt đầu tạo dựng các mối quan hệ nghề nghiệp có thể mang lại lợi ích lớn cho sự nghiệp sau này. Thật không may, không phải tất cả sinh viên đều tận dụng những cơ hội này để làm quen với những người có khả năng giúp đỡ công việc tương lai của họ.
Trong nhiều trường hợp, sinh viên chưa tốt nghiệp không biết về những cơ hội kết nối sẵn có dành cho họ. Mặt khác, họ chỉ có tầm nhìn hạn hẹp về việc hoàn thành các yêu cầu về bằng cấp và tốt nghiệp thành công. Dù lý do là gì đi nữa, ngay từ đầu họ đã bỏ lỡ một trong những lợi thế quan trọng nhất khi theo học tại một cơ sở giáo dục đại học.
Hãy tận dụng tối đa trải nghiệm đại học của bạn bằng cách làm quen với các giáo sư, tham gia các câu lạc bộ sinh viên liên quan đến lĩnh vực bạn học và ghé thăm bộ phận dịch vụ nghề nghiệp của trường để theo kịp các cơ hội kết nối bổ sung. Khi bạn sắp tốt nghiệp, bạn cũng có thể cân nhắc việc tham gia một tổ chức chuyên nghiệp trong ngành bạn đã chọn. Các hiệp hội này thường chấp nhận đơn đăng ký thành viên của các sinh viên vẫn đang theo học trong lĩnh vực này. Việc tham gia một trong những tổ chức này sẽ mở rộng cơ hội kết nối của bạn bằng cách cấp cho bạn quyền truy cập độc quyền vào các hội nghị chuyên nghiệp, chuỗi bài giảng và các tài nguyên ngành khác.
[Tham khảo: Sinh viên tốt nghiệp nên tiếp tục học cao học hay xin việc làm?]
-
Nghiên cứu thị trường việc làm
Cơ hội có được việc làm sau khi tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là tình trạng hiện tại của thị trường việc làm trong ngành bạn đã chọn. Nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về nhân viên trong ngành, bao gồm nền kinh tế, xu hướng xã hội, công nghệ mới, v.v. Vì nhu cầu về nghề nghiệp luôn biến động nên bạn nên theo dõi những thay đổi này.
Bạn có thể trò chuyện với các chuyên gia trong ngành và đọc các ấn phẩm liên quan. Việc nghiên cứu này có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng chuyên môn bằng cách tuân theo các nhu cầu và xu hướng hiện tại trong lĩnh vực bạn dự định tham gia. Ví dụ: bạn có thể cần phải thay đổi kế hoạch học tập của mình và học thêm một chuyên ngành khác hoặc chứng chỉ cụ thể. Học thêm một chuyên ngành kép hoặc chuyên ngành phụ là điều bạn có thể thực hiện để đảm bảo mình có đủ năng lực cho các vị trí trong lĩnh vực được săn đón nhiều nhất sau khi tốt nghiệp.
-
Chuẩn bị CV
Cho dù bạn mới bắt đầu bước vào cánh cửa đại học hay sắp tốt nghiệp, thì bây giờ là lúc để bắt đầu viết CV. Không có tài liệu nào khác (ngoài bằng tốt nghiệp của bạn) quan trọng hơn đối với sự thành công trong nỗ lực tìm kiếm việc làm của bạn, vì vậy đừng trì hoãn nhiệm vụ quan trọng là xây dựng một CV ấn tượng.
Nếu là sinh viên năm nhất đại học, bạn có thể sẽ không có tất cả tài liệu cần thiết để xây dựng một bản lý lịch ấn tượng, nhưng bạn vẫn có thể bắt đầu quá trình này. Trên thực tế, việc hình dung xem bản lý lịch của bạn trông như thế nào cuối cùng có thể mang lại động lực bạn cần để thực hiện các bước đúng đắn tiếp theo như tham gia câu lạc bộ hoặc đi tình nguyện dành riêng cho ngành của bạn. Dù bạn làm gì, hãy chống lại mong muốn lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào trong CV bằng những sự thật nửa vời hoặc cường điệu — 3/4 nhà tuyển dụng có thể nhận ra lời dối trá của ứng viên khi họ đưa vào CV những thông tin không chính xác.
-
Xây dựng danh tiếng trên mạng
Cho dù bạn đang ở giai đoạn nào của quá trình tìm việc, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu xây dựng danh tiếng của bạn trên mạng. Ví dụ: nếu bạn bắt đầu quá trình này khi còn là sinh viên năm nhất đại học, thì trước khi tốt nghiệp, bạn đã xây dựng được khá nhiều danh tiếng tốt cho chính mình.
Quá trình xây dựng hình ảnh online có thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực của bạn, nhưng có một số nguyên tắc chung mà bạn có thể làm theo. Ví dụ: bạn có thể sử dụng LinkedIn để bắt đầu xây dựng CV trực tuyến và kết nối với các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực của bạn. Các nền tảng truyền thông xã hội khác như Twitter và Instagram có thể phù hợp hơn để theo dõi các xu hướng và người có ảnh hưởng trong ngành. Bạn thậm chí có thể cân nhắc việc xây dựng một trang web cá nhân chuyên dụng để thể hiện tài năng của mình cũng như nêu ra những sở thích và kế hoạch cho tương lai.
[Tham khảo: Top 10 công việc làm thêm bán thời gian tại trường dành cho du học sinh Mỹ]
-
Làm sạch trang cá nhân
Trong khi bạn online, hãy dành chút thời gian để dọn dẹp hồ sơ mạng xã hội của bạn và đổi mới hình ảnh bản thân như một nhân viên tương lai đầy triển vọng. Bất kỳ bài đăng nào có nội dung gây khó chịu đều cần phải được gỡ bỏ. Mặc dù bạn cảm thấy những nội dung đó rất bình thường, nhưng nhà tuyển dụng có thể coi chúng là biểu hiện của sự kém chuyên nghiệp.
Một cuộc khảo sát gần đây với các nhà tuyển dụng cho thấy hơn một nửa đã loại bỏ một ứng viên dựa trên hồ sơ mạng xã hội của họ. Và hãy nhớ – họ không chỉ dựa vào hồ sơ để đánh giá con người bạn. Các nhận xét được công khai trên mạng xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng xấu, vì vậy hãy tìm kiếm trên mạng bất kỳ điều gì bạn có thể đã đăng mà bạn sẽ không tự hào nếu phải nhắc đến trong một cuộc phỏng vấn xin việc.
-
Tích lũy kinh nghiệm làm việc
Nhiều sinh viên đại học lầm tưởng rằng họ phải có được bằng cấp trước khi có thể tìm việc đúng chuyên ngành. Tuy nhiên điều này không hề đúng. Trên thực tế, có rất nhiều cơ hội để bạn bắt đầu bước chân vào ngành bạn muốn khi nhận được bằng cấp chính thức và việc không tận dụng những cơ hội này là tự làm hại bản thân. Bạn có thể nhận một công việc dạy kèm hoặc làm tình nguyện viên tại một trung tâm chăm sóc sau giờ học. Dù được trả lương hay không, bất kỳ kinh nghiệm làm việc chính thức nào liên quan đến ngành của bạn đều xứng đáng được đưa vào CV.
-
Tận dụng dịch vụ tư vấn nghề nghiệp của trường
Các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp của trường đại học và cao đẳng nổi tiếng là những nguồn lực chưa được khai thác dành cho những sinh viên muốn thâm nhập vào thị trường việc làm sau khi tốt nghiệp. Những văn phòng này cung cấp nhiều nguồn tài nguyên vô giá cho những sinh viên muốn bắt đầu quá trình tìm việc làm.
Một số dịch vụ này bao gồm hỗ trợ sơ yếu lý lịch, chuẩn bị phỏng vấn, hội chợ nghề nghiệp và thậm chí cả dịch vụ thực tập và giới thiệu việc làm. Bạn cũng không cần phải đợi đến khi là học sinh cuối cấp mới tận dụng các dịch vụ này. Trên thực tế, bạn bắt đầu lập kế hoạch cho sự nghiệp tương lai của mình càng sớm thì cơ hội đạt được công việc mơ ước của bạn càng cao. Ngay cả khi là sinh viên năm nhất, bạn cũng có thể tận dụng các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp. Các cố vấn có thể tư vấn cho bạn những khóa học tốt nhất để tham gia và các chuyên ngành cần xem xét để chuẩn bị cho việc đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
[Tham khảo: Top các kỹ năng cần cho sự nghiệp tương lai năm 2030]
-
Thay đổi tư duy làm việc
Đôi khi, chìa khóa để đạt được mục tiêu là thay đổi suy nghĩ của bạn. Sinh viên đại học thường có một quan niệm sai lầm rằng quá trình chuyển đổi từ đại học sang lực lượng lao động là một quá trình liền mạch. Mặc dù một số sinh viên may mắn được tuyển dụng ngay cả trước ngày tốt nghiệp chính thức nhưng đây không phải là trường hợp đúng cho tất cả.
Việc điều chỉnh kỳ vọng của bạn về quá trình tìm việc có thể tạo ra sự khác biệt giữa việc nhanh chóng được tuyển dụng và việc phải ở trong tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp hàng tháng trời. Chiến lược tốt nhất là bạn hãy bắt đầu tìm kiếm việc làm với nhận thức rằng tìm việc làm thực chất là một công việc. Nhiệm vụ của bạn có thể sẽ bao gồm việc soạn thảo vô số thư xin việc, kiểm tra đi kiểm tra lại bảng tìm kiếm việc làm và phỏng vấn các nhà tuyển dụng tiềm năng. Hãy sẵn sàng làm việc chăm chỉ trong công việc gần như nghề nghiệp này và những nỗ lực của bạn có thể sẽ sớm được đền đáp với một công việc thực sự.
-
Tiếp cận mạng lưới cựu sinh viên
Bạn có dự định tham gia mạng lưới cựu sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp không? Nếu vậy, bạn sẽ có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu lớn về những có khả năng giúp đỡ bạn tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Thông thường, những sinh viên đã tốt nghiệp trước đây của một trường cao đẳng hoặc đại học luôn mong muốn giúp đỡ những sinh viên mới tốt nghiệp tìm được cơ hội việc làm, bao gồm cả việc gặp gỡ với những người cố vấn và nhà tuyển dụng tiềm năng.
Trường của bạn càng lớn thì mạng lưới cựu sinh viên của bạn càng rộng rãi, nhưng ngay cả những mạng lưới nhỏ cũng có thể có lợi. Để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này, bạn nên tham dự càng nhiều sự kiện của cựu sinh viên càng tốt và đảm bảo kết nối với bất kỳ người nào bạn đã gặp trên mạng xã hội. Bằng cách này, bạn sẽ tạo được một cơ sở dữ liệu ảo về các mối liên hệ chuyên nghiệp có khả năng giúp bạn có được một công việc tuyệt vời trong tương lai gần.
-
Đừng ngại chấp nhận công việc chưa ưng ý
Việc nhắm thẳng tới công việc mục tiêu là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng nếu bạn không nhận được lời mời làm việc như mong đợi sau vài tháng tìm kiếm, bạn có thể muốn điều chỉnh kỳ vọng của mình. Bạn có thể chấp nhận một lời mời làm việc không đáp ứng tất cả các tiêu chí của bạn và trong một số trường hợp, đó là điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình.
Suy cho cùng, không có nhiều công ty cung cấp các vị trí tốt cho sinh viên mới tốt nghiệp, vì vậy hãy học cách chấp nhận những công việc với chất lượng thấp hơn có thể mang lại lợi ích cho bạn về lâu dài, miễn là nó có liên quan phần nào đến nghề nghiệp mà bạn thực sự mong muốn.
Người dịch: Thu Huyền (SSDH)