Sẵn sàng du học – Tất nhiên, đây chỉ là 4 trong số rất nhiều tác phẩm giúp điện ảnh Nhật Bản gây được tiếng vang lớn trên thế giới.
Nhật Bản là một trong những nền điện ảnh lớn nhất châu Á, nổi tiếng với những tác phẩm mang đậm ý nghĩa nhân văn và để lại dấu ấn mạnh mẽ với không chỉ khán giả mà còn giới phê bình. Hãy cùng điểm mặt 4 trong số những bộ phim kinh điển nhất của xứ Phù Tang mà chắc chắn, giới mộ điệu ai cũng từng xem hoặc từng nghe qua về chúng.
1. Shoplifters (2018)
Tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đã khiến cả thế giới chú ý khi vinh dự được xướng tên tại một trong những liên hoan phim danh giá nhất hành tinh – LHP Cannes lần thứ 71. Tác phẩm điện ảnh Shoplifters của đạo diễn tài ba Hirokazu Koreeda đã xuất sắc vượt qua rất nhiều đối thủ đáng gờm để giành lấy giải thưởng quan trọng nhất – Cành cọ vàng. Lần cuối cùng Nhật Bản chiến thắng giải thưởng này trước Shoplifters là cách đây 21 năm, với tác phẩm Unagi của đạo diễn Shohei Imamura.
Shoplifters là câu chuyện của những người con người dưới đáy xã hội tìm mọi cách để mưu sinh trong cuộc đời nhiều bất hạnh. Gia đình của Osamu (Lily Franky) kiếm kế sinh nhai bằng cách hành nghề ăn cắp vặt tại các siêu thị, cửa hàng địa phương; trong khi cô con gái lớn phải làm việc cho một câu lạc bộ phục vụ tình dục để đỡ đần bố mẹ. Cho đến một ngày, Osamu dẫn Juri (Miyu Sasaki), một bé gái vô gia cư đáng thương, về nhà và quyết định nhận nuôi cô bé. Ban đầu, các thành viên trong gia đình đã phản đối việc nhận nuôi Juri nhưng dần dần sau đó, mọi người bắt đầu cảm thương với số phận của cô bé và truyền dạy mánh nghề cũng như dành tình yêu cho Juri.
Được "nhào nặn" bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn Hirokazu Koreeda, Shoplifters cũng là một kiệt tác mang đậm phong cách điện ảnh của ông. Câu chuyện không quá đặc biệt nhưng vẫn mang đậm tính nhân văn trong từng cảnh quay, từng lời thoại, từng nhân vật. Không những khiến khán giả cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm gia đình, Shoplifters cũng khéo léo lồng ghép thông điệp ý nghĩa về một xã hội hiện thực Nhật Bản ẩn giấu nhiều góc khuất đằng sau vẻ ngoài phát triển.
2. Like Father, Like Son (2013)
Like Father, Like Son (Cha Nào, Con Nấy) cũng là một tác phẩm được nhớ đến nhiều khi nói về đạo diễn Hirokazu Koreeda. Cũng khai thác khía cạnh tình cảm gia đình nhưng Like Father, Like Sun lại xoay quanh một chủ đề khá mới lạ – chuyện trao nhầm con. Phim kể về gia đình của Ryota Nonomiya (Masaharu Fukuyama), một doanh nhận đang hưởng thụ cuộc sống vui vẻ bên vợ và cậu con trai lên sáu Keita (Keita Ninomiya). Mọi chuyện bỗng chốc thay đổi khi hai vợ chồng nhận được thông báo từ bệnh viện nơi Keita sinh ra và phát hiện sự thật rằng cậu bé không phải con ruột của họ. Do sai sót từ y tá, con ruột của hai người, Ryusei (Shogen Hwang), bị trao nhầm cho gia đình nhà Saiki (Lily Franky) – một gia đình lao động điển hình. Hai gia đình sau đó gặp gỡ để đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho hai đứa trẻ.
Mang đậm phong cách của Hirokazu Koreeda, Like Father, Like Son có cách khai thác và tạo dựng tuyến nhân vật nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Điều làm nên khác biệt cho tác phẩm này có lẽ là ở sự "tinh tế" trong từng phân cảnh. Không có kịch tính hay cao trào, cũng không khóc lóc quá đà, mọi nhân vật trong phim đều có diễn biến tâm lý rất chân thực: bình tĩnh đón nhận bi kịch, từ từ nhận thức hoàn cảnh và đắn đo trong những quyết định. Bên cạnh đó, Like Father, Like Son cũng được đánh giá cao khi miêu tả sự khác biệt, đối lập giữa hoàn cảnh hai gia đình, cách nuôi dạy con cái của họ cùng tính cách của hai đứa trẻ. Một cuộc hành trình ý nghĩa nơi những ông bố bà mẹ nỗ lực để kết nối với con cái bằng tình yêu thương chứ không phải bằng trách nhiệm.
3. Spirited Away (2001)
Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn) là một tác phẩm kinh điển của xưởng phim hoạt hình Ghibli. Đây là anime đầu tiên giành giải Phim hoạt hình hay nhất tại Oscar; đạt doanh thu kỉ lục, lên tới 289 triệu USD trên toàn thế giới.
Spirited Away kể về cuộc hành trình phiêu lưu của cô bé 10 tuổi nhút nhát Chihiro Ogino, trên đường chuyển nhà cùng gia đình thì không may bị lạc. Họ vô tình bước vào một thế giới ma thuật mà bố mẹ Chihiro kiên quyết khám phá. Tại đây, cô bé tìm thấy một nhà tắm công cộng tráng lệ và gặp được một chàng trai trẻ tên là Haku – người khuyên cô mau trở lại con sông trước khi trời tối. Thế nhưng, bố mẹ Chihiro đã bị biến thành heo khiến cô không thể vượt qua con sông khi thủy triều đang dâng cao và bị mắc kẹt trong thế giới linh hồn. Không còn cách nào khác, Chihiro phải nhờ đến sự giúp đỡ của Haku, trở thành một kẻ giúp việc trong nhà tắm công cộng dưới cái tên Sen để tìm lại con đường cứu bố mẹ rồi quay lại cuộc sống con người. Tại thế giới mới, Chihiro gặp không ít khó khăn thử thách nhưng cô bé không hề tỏ ra yếu đuối hay từ bỏ hy vọng quay lại như trước đây.
Đạo diễn Miyazaki Hayao không chỉ tạo nên những thước phim với nét vẽ độc đáo; tuyến nhân vật với tính cách, tâm lý rõ ràng, có nét đặc biệt riêng như chú bé rồng Haku, mụ phù thủy ghê gớm Yubaba, chị gái sinh đôi Zeniba hay Vô Diện,… mà còn gửi gắm nhiều giá trị giáo dục con người sâu sắc mà nổi bật chính là lòng yêu thương và sự dũng cảm. Tình yêu chân thành của Chihiro đã hóa giải cái ác của vùng đất linh hồn và sự dũng cảm đã đưa cô bé trở về với bố mẹ của mình.
4. Tokyo Monogatari (1953)
Tokyo Monogatari được coi là tuyệt tác phim gia đình những năm 1950. Bộ phim của đạo diễn Ozu Yasujiro được công chiếu năm 1953, mặc dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh ấn tượng nhất của điện ảnh Nhật Bản.
Bộ phim kể về chuyến hành trình lên Tokyo thăm con của hai vợ chồng Hirayama ở cái tuổi gần đất xa trời. Thế nhưng, mọi sự hồ hởi ban đầu nhanh chóng tan biến, thay vào đó là nỗi buồn khi họ nhận ra chuyến thăm của mình lại gây phiền hà cho con cháu. Con trai, con gái lấy lý do bận bịu công việc không có thời gian dành cho bố mẹ, cháu chắt cũng chẳng thèm để tâm đến ông bà,.. hai vợ chồng đành trở về nhà sau khi không chịu nổi những ồn ào tại khu suối nước nóng mà các con đẩy đến. Người duy nhất đối xử chân thành và tình cảm với hai vợ chồng ở Tokyo cuối cùng lại là vợ góa của con trai thứ – người đã qua đời trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tokyo Monogatari được xây dựng trên một cốt truyện vô cùng đơn giản đan xen những mâu thuẫn mà bất cứ gia đình nào cũng từng trải qua. Thế nhưng chính sự dung dị đó lại kéo người xem lại gần hơn với bộ phim; hòa theo mạch cảm xúc của từng nhân vật; cảm nhận những giá trị về cuộc sống gia đình, về tình cảm cha mẹ con cái giữa một xã hội nhiều bộn bề lo toan. Một tác phẩm giúp người xem soi thấy chính bản thân mình, chính câu chuyện của mình trong các nhân vật. Giống như những gì nhà phê bình phim người Mỹ Roger Ebert từng nói, dù đã ra đời hơn nửa thế kỷ nhưng những suy nghĩ trong Tokyo Monogatari vẫn luôn chân thực đối với quan hệ gia đình hiện đại.
Tất nhiên, trên đây chỉ là 4 trong số rất nhiều tác phẩm có thể lấy làm đại diện cho điện ảnh Nhật Bản. Nếu chưa từng xem qua một bộ phim nào trong số này, hãy thử dành thời gian để thưởng thức trọn vẹn chúng và có thêm nhiều cái nhìn thú vị về cuộc sống.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14