SSDH – Hãy điểm qua những nguyên nhân khiến mình vẫn “tệ” tiếng Anh để khắc phục nó một cách triệt để.
Làm bất kì điều gì đều phải có đam mê và mục đích, học tiếng Anh hay các môn học khác cũng vậy, tại sao môn tiếng Anh lại là môn học mà bạn “ngán” nhất, hay vì sao sau bao nhiêu năm học tiếng Anh mà vẫn chẳng cải thiện được tí nào cả. Chẳng ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của nó trong thời đại bấy giờ, thậm chí bạn không chỉ trang bị cho mình một mà phải có càng nhiều ngôn ngữ càng tốt.
Trước sự hội nhập mở cửa của đất nước, ngoại ngữ là cách duy nhất để bạn hợp tác và phát triển, dưới bất kì hình thức nào thì tiếng Anh vẫn là lợi thế cực lớn của bạn. Trước khi tìm cho mình những người thầy giỏi, những trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng thì bạn nên tự vạch ra những nguyên nhân khiến mình học mãi nhưng vẫn “đâu lại hoàn đấy”. Hãy điểm qua những nguyên nhân khiến mình vẫn “tệ” tiếng Anh để khắc phục nó một cách triệt để.
Vì bạn ghét nó… nên tất nhiên là nó cũng “ngoảnh mặt” với bạn
Có bao giờ bạn cảm thấy mình rất thích môn tiếng Anh chưa ? Hay có khi nào bạn miệt mài hàng giờ liền để nghiền ngẫm với cuốn sách Anh hay chưa ? Nếu chẳng bao giờ mảy may đến nó hay có chăng đi nữa cũng là sự ép buộc thì tất nhiên là môn tiếng Anh của bạn chẳng thể khá lên được. Điều đơn giản nếu bạn muốn nó “đối tốt” với bạn thì bạn phải nâng niu nó hằng ngày.
Tiếng Anh hay bất kể điều gì đi chăng nữa cũng rất cần sự tương tác qua lại. Nên ngay bây giờ hãy dành nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Anh, bạn cần phải xem như đó là một sở thích và không thể không có nó mỗi ngày. Tập cho mình một thói quen luôn dành thời gian cho việc học tiếng Anh, dù ít hay nhiều, dù cho bạn thảnh thơi hay bận rộn đều phải “quan tâm” đến nó.
Học vì điểm
Học vì điểm hay nói cách khác là học theo kiểu ép buộc. Bạn muốn cày ngày cày đêm để đạt được điểm số thật cao. Hay như những sinh viên, cả năm học chẳng “đoái hoài” gì đến nó, đến khi còn 2 tháng cuối cùng lại vùi đầu vào học, như thế bạn có cố gắng đến mấy cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Cách học theo kiểu ép buộc như vậy chẳng có nghĩa lí gì cả, đặc thù của môn ngoại ngữ rất khác, nên nếu không có sự đầu tư khoa học thì công sức của bạn cũng chỉ đổ xuống sông xuống bể mà thôi. Thế mới có câu chuyện học tiếng Anh ngần ấy năm nhưng chẳng “bập bẹ” được câu tiếng Anh nào khi gặp người ngoại quốc.
Điểm số thì cao thật đấy, các kì kiểm tra điểm cũng thuộc hàng khá giỏi… nhưng học sai phương pháp nên học đâu quên đó. Bạn học chỉ để đi thi, rồi vứt nó sang một bên và tiếp tục học phần khác phục vụ kì thi sắp đến. Và cứ thế, điểm thì cao thật nhưng đằng sau đó là chẳng còn đọng lại gì trong đầu cả. Và ngày ra trường bạn vẫn thắc mắc tại sao mình luôn học tiếng Anh, điểm thi cũng không đến nỗi tệ… sao lại chẳng “bập bẹ” được câu nào ?
Đặc thù riêng biệt của môn ngoại ngữ
Môn ngoại ngữ thực ra không quá khó như bạn nghĩ, mọi thứ sẽ rất đơn giản nếu như bạn biết được bản chất của nó. Ngoại ngữ nói chung hay tiếng Anh nói riêng đều là môn học không đòi hỏi nhiều về tư duy mà chủ yếu là bạn nhớ lâu và vận dụng nó như thế nào mà thôi. Nó hoàn toàn khác với những môn học còn lại, nếu Toán cần tư duy logic, Văn cần có cảm xúc thì Ngoại ngữ lại cần sự chăm chỉ. Nó là ngôn ngữ dùng để giao tiếp, nên cơ bản nó đã được làm giản đơn hết sức có thể để mọi người có thể sử dụng linh hoạt.
Môn học này nếu bạn có học nhiều thật nhiều cũng không được, thỉnh thoảng học cũng không được mà phải học nó mỗi ngày một ít, học theo kiểu tích lũy và phương pháp học nó là bạn phải kết hợp giữa việc học và ôn luyện. Hãy đảm bảo rằng học đâu nhớ đó chứ không nhất thiết bạn phải học nhiều. Hãy nhớ rằng nó rất chóng quên !
Học từ vựng đơn lẻ
Đây là phương pháp học của rất nhiều người, đặc biệt là những người vừa mới làm quen với tiếng Anh hay muốn học nó theo kiểu “cấp tốc”. Tất nhiên là việc nhớ nghĩa của từ vựng thì rất tốt, nó không có gì là sai cả. Nhưng như thế lại vô tình kéo theo việc chúng ta lãng phí thời gian mà lại rất nhanh quên. Nhiều người sử dụng nghĩa từ vựng để “lắp ghép” nó thành một câu tiếng Anh theo “phiên bản” tiếng Việt, và tất nhiên là nó sai hoàn toàn về mặt ngữ pháp.
Bởi vậy, thay vì bạn học một từ đơn lẻ, hãy thử học nguyên văn một câu hoàn chỉnh, bạn sẽ vừa nhớ lâu, nhớ được nhiều từ vựng mà không sợ nó sai về mặt ngữ pháp. Chỉ cần 1 từ, bạn sẽ có hàng chục câu tiếng Anh thông dụng liên quan đến, đó là một cách học giúp bạn tiết kiệm thời gian mà lại tránh được sai sót ngữ pháp cơ bản.
Học phải đi với hành
Chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi vì sao lại có nhiều người cho rằng học tiếng Anh rất chán, vì đơn giản bạn chưa biết được lợi ích của nó. Bạn đi học, ngồi nhà nghiền ngẫm nhưng cuối cùng lại…cũng chỉ để biết. Tức là bạn thiếu sự thực hành nên không biết học tiếng Anh có nghĩa lý gì ? Sau này khi bạn đi nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều khách du lịch ngoại quốc hay làm việc với đối tác nước ngoài, bạn mới thấy “công dụng” của tiếng Anh.
Điều đáng nói ở đây là bạn phải luôn thực hành nó, dù ở bất kì nơi đâu, lúc nào ? chỉ cần bạn có cơ hội. Vì sao những người bán rong không qua trường lớp ở các điểm du lịch lại nói lưu loát tiếng Anh giao tiếp đến thế ? đơn giản là họ được tiếp xúc hằng ngày. Vậy nên chúng ta chưa giỏi được tiếng Anh, cũng là do chúng ta thiếu thực hành, khuyến khích bạn nên vận dụng nó nhiều hơn để hoàn thiện tất cả kỹ năng cần thiết.
Nguồn: Trí Thức Trẻ