Sẵn sàng du học – Thành công của một bộ phim là tạo được ấn tượng sâu đậm khó quên trong lòng khán giả. Có những bộ phim lâu nhưng chưa cũ như thế vẫn nở rộ hàng thập kỷ qua mà các mọt phim "cày đi cày lại" mà chẳng biết ngán.
Những năm trở lại đây là khoảng thời gian nở rộ của vương quốc nghệ thuật thứ 7. Hàng loạt hoa thơm cỏ lạ làng điện ảnh liên tiếp đổ bộ khiến các fan quay cuồng trong vòng xoáy đầy cuốn hút đó. Tuy nhiên, sẽ là một ý tưởng thú vị khi cùng "đổi gió" bằng việc tận hưởng những bom tấn ăn khách hàng thập kỷ trước. Dù được trình làng từ rất lâu nhưng các tuyệt phẩm này vẫn chiếm trọn trái tim khán giả mỗi khi xem lại bởi những cảnh quay kinh điển, những bài học nhân sinh ý nghĩa hay những điều bí ẩn khó có lời giải đáp, và quan trọng nhất là khi cả một trời ký ức quay về khiến fan rạo rực.
1. Ông tổ công viên khủng long Jurassic Park (Công Viên Kỷ Jura, 1993)
Đã rất nhiều phần của Công Viên Kỷ Jura nối tiếp nhau ra đời dậy sóng màn ảnh, nhưng khi nhắc đến tác phẩm này, gần như ai cũng sẽ nhắc đến bộ phim năm 1993 của đạo diễn Steven Spielberg .
Trong Công Viên Kỷ Jura, tại một hòn đảo giả tưởng có tên Isla Nublar, gần Costa Rica, một tỉ phú cho xây dựng nên một công viên khủng long giải trí. Khi xảy ra một sự kiện bất ngờ, gây ra cái chết của một nhân viên, vị tỉ phú kia, John Hammond (Richard Attenborough), cho mời ba chuyên gia đến thanh tra công viên để giúp các nhà đầu tư không cảm thấy lo sợ.
Các chuyên gia này bao gồm nhà cổ sinh vật học Alan Grant (Sam Neill), nhà cổ thực vật học Ellie Sattler (Laura Dern), và nhà toán học Ian Malcolm (Jeff Goldblum). Tất cả bọn họ đều hết sức bất ngờ khi được tận mắt chứng kiến khủng long thật, còn sống, được tạo ra từ ADN hóa thạch của khủng long gốc. Tuy nhiên, khi một nhân viên bất mãn có tên Dennis Nedry tắt nguồn điện của công viên để tìm cách ăn trộm phôi khủng long đi bán, lũ khủng long xổng chuồng, và khu công viên thanh bình bị biến thành một miền đất đầy rẫy chết chóc.
Đây là cuộc phiêu lưu mạo hiểm trong một công viên đầy rẫy khủng long đủ các thể loại chỉ trực chờ "xơi tái" những con người nhỏ bé lạc vào trong đó. Các cảnh phim gay cấn, thót tim là điều khiến bộ phim này giữ mãi được cảm tình của khán giả dù liên tiếp ra mắt nhiều phần sau đó.
2. Hiện tượng The Matrix (Ma Trận, 1999)
Được biết đến như một hiện tượng "bất thường" vào cuối thế kỷ 20, kể từ đó cho đến nay dấu ấn của The Matrix vẫn không có dấu hiệu bị phai mờ, thậm chí còn có nhiều ý kiến cho rằng nếu được ra đời vào thời điểm hiện tại thì có lẽ nó đã trở thành tác phẩm giả tưởng vĩ đại nhất mọi thời đại.
Đây là bộ phim khoa học giả tưởng về tương lai. Trong tương lai đó, Thomas, biệt danh là Neo (Keanu Reeves), một hacker luôn có cảm giác khác thường về thế giới thực. Cho tới khi người đàn ông tự xưng là Morpheus (Laurence Fishburne) tìm đến anh. Người đàn ông này nói cho anh biết, thế giới mà mọi người coi là thực chỉ là một chương trình giả lập để máy móc cai trị con người. Chỉ có một người có thể phá được Ma trận mà những người thật sống sót cuối cùng và những nhân viên Ma Trận đều cùng đi tìm. Người đó chính là anh – Neo.
Hai anh em đạo diễn Wachowskis đã mất 5 năm rưỡi để hoàn thành bộ phim theo đúng ý tưởng của mình. Sản phẩm cuối cùng được ra lò sau khi trải qua 14 kịch bản nháp, và 500 bản vẽ ý tưởng. Điều này cho thấy sự đầu tư cho bộ phim công phu như thế nào.
Ma Trận cũng chính là bệ phóng đưa tên tuổi của Keanu Reeves lên tầm cỡ ngôi sao ở Hollywood vào thời điểm bấy giờ. Hình ảnh một người đàn ông giơ tay lên chặn tất cả loạt đạn dễ như ăn bánh có lẽ đã khiến cho không biết bao nhiêu cậu bé phát cuồng sau nhiều năm phim được trình chiếu. Sở hữu vô vàn những ẩn dụ trong các hình ảnh, câu nói, tình tiết, biểu tượng nhân vật đã biến The Matrix trở thành một trong những bộ phim triết lý nhất trên màn ảnh rộng. Hơn nữa, cảnh quay "Thời Gian Đạn Bay" đã trở thành di sản lớn nhất của phim và được chế lại trong hơn 20 bộ phim khác suốt 3 năm sau khi The Matrix ra mắt.
Bộ phim là một cuộc hành trình dài 2 giờ 16 phút với đầy rẫy những pha hành động đã mắt, những câu thoại khó hiểu cùng với những dòng suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của phim. Đó cũng chính là điều thu hút khán giả xem đi xem lại bộ phim này.
3. Cố nhân làng zombie Shaun Of The Dead (Giữa bầy xác sống, 2004)
Shaun Of The Dead là bộ phim về chủ đề zombie của đạo diễn Edgar Wright. Nhân vật chính là chàng trai thu ngân siêu thị 29 tuổi Shaun (Simon Pegg thủ vai) sống với 2 người bạn thân, Ed (Nick Frost) và Pete (Peter Serafinowicz).
Shaun sống cuộc sống không hề có định hướng gì và nhận phải sự chán ghét từ những người xung quanh. Thậm chí, bạn gái anh là Liz (Kate Ashfield) cũng quyết định nói lời chia tay. Người bạn thân duy nhất của Shaun là Ed, một anh chàng hiện đang thất nghiệp. Buổi tối sau khi chia tay Liz, người bạn trọ của Shaun là Pete đã cầu xin Shaun hãy kết liễu cuộc đời anh ta. Sáng hôm sau, thành phố chìm trong đại dịch zombie.
Bộ phim không bắt người xem phải trăn trở quá nhiều về vấn đề nhân sinh vì đây là một bộ phim kinh dị hài. Yếu tố hài hước không khiến phim giảm đi giá trị so với những phim cùng thể loại mà còn tạo ra nét hấp dẫn lạ kỳ. Đạo diễn và biên kịch từng muốn ra tiếp phần hai nhưng lại thôi, vì ở phần một quá nhiều nhân vật chết rồi. Một lý do tưng tửng như chính bộ phim này vậy.
4. Phim hoạt hình Oscar Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn, 2001)
Đây có lẽ là cái tên đã quá thân quen trong tuổi thơ của rất nhiều người trên toàn thế giới. Spirited Away là một bộ phim hoạt hình kinh điển, được đánh giá là hay và ý nghĩa nhất của hãng sản xuất Anime của Nhật Bản Ghibli Studios.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện về cô bé 10 tuổi Chihiro. Trên chiếc xe ô tô chở cả gia đình về một làng quê (gồm có Chihiro và bố mẹ), bố mẹ Chihiro đi lạc vào vùng đất linh hồn. Bố mẹ Chihiro đã không cưỡng nổi hương vị của những món ăn tại đây mà không biết rằng đó là đồ ăn của các vị thần, vì thế họ bị biến thành heo và cuộc phiêu lưu của Chihiro bắt đầu, cô bé phải làm gì để cứu được gia đình của mình.
Trong chuyến hành trình đầy bất ngờ ấy, Chihiro đã gặp mụ phù thủy Yubaba – kẻ cai quản vùng đất linh hồn và kiếm sống bằng việc mở ra một nơi sinh hoạt giải trí cho 8 triệu vị thần. Yubaba lấy đi tên của mọi người và dần dần họ quên đi tên thật của mình, suốt đời làm việc cho bà ta.
Nhưng cuộc hành trình giải cứu cha mẹ của Chihiro không hề đơn độc khi cô bé đã gặp được vô số những người bạn, đầu tiên là Haku – cậu bé phù thủy, được coi là pháp sư ở vùng đất linh hồn, Kamaji – ông già chuyên pha chế dược liệu, Rin – cô hầu làm nhiệm vụ dọn dẹp, phục vụ khách; Zeniba-chị em sinh sôi với Yubaba; Vô diện hay Boh…
Cái hay của Spirited Away là ở chỗ bộ phim không cần quá nhiều lời thoại, mỗi người xem sẽ đều nhìn thấy một thông điệp gì đó mà phim muốn truyền tải, theo những cách riêng của họ. Không chỉ thành công ở Nhật Bản, bộ phim còn gây sốt toàn thế giới bởi những hình ảnh chất lượng cùng ý nghĩa thiết thực mà bộ phim mang đến cho người xem.
Sẽ chẳng tự nhiên Spirited Away lại rinh về nhiều giải thưởng đến thế và không phải ngẫu nhiên mà nó lọt vào top những phim xem hoài không chán.
5. Cuộc phiêu lưu sóng gió The Fifth Element (Nhân Tố Thứ 5, 1997)
The Fifth Element là một bộ phim hành động khoa học viễn tưởng của Anh được sản xuất năm 1997 do Luc Besson đạo diễn và đồng tác giả.
Ba trăm năm trước, một sức mạnh huyền bí được phong ấn tại một ngôi đền cổ trên sa mạc Ai Cập. Nó ẩn chứa bí mật về một sức mạnh huỷ diệt không thể chế ngự được, kết hợp từ các nhân tố thuỷ, hoả, thổ, phong trong tự nhiên và nhân tố thứ 5. Đây chính là nhân tố quyết định mang tính chất hoàn hảo nhất… Korben Dallas (Bruce Willis), một tài xế taxi của thành phố New York thế kỉ 23, tình cờ đón được một nữ hành khách rất đặc biệt, LeeLoo (Milla Jovovich).
Cô không biết nói tiếng Anh nhưng lại có một bộ não thông minh cực kì đáng nể. Luôn muốn tìm cho mình một người phụ nữ hoàn hảo, Korben không thể cưỡng lại được sự quyến rũ đầy hoang dã của LeeLoo. Anh càng không thể ngờ mình đang bị kéo vào một cuộc phiêu lưu đầy sóng gió. Và LeeLoo chính là nhân tố thứ 5 cần thiết đó. Đây sẽ là bộ phim tuyệt vời để các fan phim ảnh "làm quen lại" với Ai Cập đầy rẫy điều huyền bí.
6. Groundhog Day (Ngày Chuột Chũi, 1993) và bài học nhân sinh
Groundhog Day là một bộ phim có ý tưởng độc đáo, kể về Phil Connors (Bill Murray) – một phóng viên truyền hình được cử tới vùng Punxsutawney để đưa tin về ngày lễ Groundhog Day – Ngày Chuột Chũi nổi tiếng của người Mỹ.
Vốn là một kẻ có tính tình cáu bẳn và ích kỷ, Phil nhanh chóng hoàn thành công việc của mình trong sự bực dọc. Anh chàng cũng không quên để lại những lời mỉa mai đối với ngày lễ này. Phil quay về phòng trọ của mình, ngủ một giấc đến sáng và cực kỳ ngạc nhiên khi nhận ra mình đang sống đúng ngày Groundhog Day. Chu kỳ này lặp đi lặp lại mà anh không thể thoát được.
Phil bắt đầu nghĩ đến việc tự tử để chấm dứt chuỗi ngày vô nghĩa này. Anh thử mọi cách từ phi xe xuống vực, điện giật cho đến nhảy từ trên cao xuống nhưng tất cả đều thất bại. Mọi thứ đều bắt đầu lại vào 6 giờ sáng hôm sau. Phil nhận ra rằng có lẽ mọi thứ sẽ như thế này mãi mãi, anh quyết định sẽ trở thành một con người khác.
Phil sống hòa đồng, cư xử nhã nhặn, không còn ích kỷ và nhỏ nhen như trước. Cho đến một ngày, khi mọi thứ trở nên vô cùng hoàn hảo, danh tiếng của anh chàng Phil đã lan đi khắp vùng. Mọi người biết đến Phil như một anh chàng cực kỳ tốt bụng và có nhiều tài lẻ. Và rồi vào một buổi sáng đẹp trời nọ, có những thứ đã thay đổi.
Bộ phim khuyên con người ta nên trân trọng những gì mình đang có, biết giúp đỡ những người xung quanh, trải nghiệm những điều mà mình chưa bao giờ thử. Không nên sống quá ích kỷ, lãng phí thời gian mà bỏ quên mất những giá trị quanh mình. Điểm cộng lớn nhất của Groundhog Day – Ngày Chuột Chũi chính là ý tưởng của nó, khiến cho phim vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa tạo được sự khác biệt, khiến khán giả xem lại nhiều lần mà vẫn "thấm".
Như vậy, sau khi điểm lại những bộ phim trên, đâu là tác phẩm màn bạc khiến bạn vẫn bồi hồi mỗi lần xem lại?
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14