Sẵn sàng du học – Không chỉ phim Việt, Trung hay Hàn mới có bản phim remake (làm lại) hay, màn ảnh Hollywood cũng có không ít tác phẩm làm lại xuất sắc không thua kém gì bản gốc.
Nhắc đến trào lưu làm phim remake, nhiều khán giả chắc hẳn sẽ chau mày và thắc mắc rằng, có gì hay ho để khai thác lại một tựa phim có sẵn? Điện ảnh thế giới nói chung và Hollywood nói riêng đã chứng kiến thất bại thảm hại của không ít bản làm lại. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có nhà làm phim nào thành công khi "xào nấu" lại những tác phẩm kinh điển đã đi sâu vào lòng người. Dưới đây là những minh chứng cho thấy, không những làm tốt, các bản phim remake có khi còn xuất sắc vượt xa cả bản gốc.
Invasion Of The Body Snatchers (Cuộc Xâm Lăng Của Người Nhân Bản)
Trong những năm 1950, khi kỹ xảo vẫn chưa được áp dụng nhiều và cách làm phim vẫn còn khá thô sơ thì những tựa phim kinh dị như Invasion Of The Body Snatches (1956) đã được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, phải đến khi bản remake năm 1978 ra đời, tựa phim này mới được thay da đổi thịt. Từ một bộ phim kinh dị thuần túy, Invasion Of The Body Snatches đã trở nên ý nghĩa hơn nhờ chứa đựng những ẩn dụ xã hội sâu sắc đằng sau vỏ bọc là những phân cảnh máu me.
The Thing (Quái Vật Hồi Sinh)
Nếu như bản gốc The Thing from Another World (1951) chỉ mới dừng ở việc tạo ấn tượng tốt cho khán giả thì bản remake năm 1982 với tựa đề The Thing lại được xếp vào “hàng ngũ” những bộ phim kinh dị giả tưởng hay nhất mọi thời đại. Cho đến bây giờ, hiếm có tuyệt tác nào có thể vượt qua được The Thing trong khoản tạo ra một bầu không khí chết chóc, căng thẳng đến nghẹt thở và hiệu ứng kinh dị đến ám ảnh. Năm 2011, tựa phim này lại được làm lại một lần nữa nhưng cái bóng của phiên bản cũ lớn đến nỗi phiên bản phim mới nhất bị lu mờ dù áp dụng kỹ xảo hiện đại và nước phim "xịn" hơn.
Đạo diễn John Carpenter, người cầm trịch The Thing 1982 đã khai thác câu chuyện về một nhóm thám hiểm bị kẹt ở vùng núi tuyết hiểm trở, bị tấn công bởi những ký sinh trùng ngoài hành tinh có khả năng biến hình kì dị dưới một góc nhìn mới, kịch tính và kinh dị hơn nhiều.
Scarface (Gã Mặt Sẹo)
Phiên bản Scarface năm 1983 đã đưa bản gốc đen trắng năm 1932 lên một tầm cao mới. Nếu Scarface năm 1932 được đánh giá là tác phẩm kinh điển của màn ảnh Hollywood khi lần đầu tiên khai thác kỹ lưỡng những khía cạnh bạo lực của các băng đảng xã hội đen, thì bản remake năm 1983 lại trở thành một hiện tượng văn hóa, một dấu ấn không thể quên của điện ảnh thế giới trong những năm 1980. Đồng thời, bộ phim còn đưa Al Pacino với vai diễn Tony Montana trở thành cái tên có sức ảnh hưởng không kém gì Michael Corleone trong loạt phim The Godfather (Bố Già) lừng danh trong suốt hơn 30 năm qua.
Ocean’s Eleven (11 Tên Cướp Thế Kỉ)
Ocean’s Eleven (2001) là bản phim remake dựa trên tựa phim cùng tên (bản gốc sản xuất năm 1960) gây được tiếng vang lớn tại kinh đô điện ảnh Hollywood. Đã 17 năm trôi qua kể từ khi bản phim làm lại này ra mắt, thế nhưng khán giả vẫn không thôi thổn thức khi nhớ về màn trình diễn xuất sắc của dàn sao cực khủng như George Clooney, Julia Roberts, Matt Damon hay Brad Pitt trong phim.
Sự thật thì giữa phiên bản 2001 và 1960 không có nhiều sự liên hệ, chỉ có vai Danny Ocean của George Clooney có cái tên giống với nhân vật ở bản gốc. Việc xây dựng một kịch bản mới mẻ, thông minh, thêm thắt những món đồ công nghệ vào các cảnh quay cùng diễn xuất đỉnh cao của các tài tử nổi tiếng… đã giúp Ocean’s Eleven 2001 nhận được sự yêu mến của đông đảo người hâm mộ.
True Grit (Báo Thù)
Năm 1969, True Grit, bộ phim kể về hành trình đi tìm công lý của cô bé Mattie Ross sau khi người cha bị sát hại dã man lên sóng màn ảnh Hollywood đã khiến khán giả nhớ mãi không quên vì cốt truyện vô cùng ám ảnh. Phiên bản này là một thách thức không nhỏ đối với các nhà làm phim nếu muốn đem đến một bản remake xuất sắc, ít nhất là xuất sắc như bản gốc.
True Grit năm 2010 đã làm được điều này. Bằng lối kể chuyên nhẹ nhàng nhưng vẫn tạo được những đoạn cao trào, thắt nút mở nút một cách duyên dáng, anh em đạo diễn nhà Coen đã đưa đến một True Grit với hơi thở mới. Đó là lí do mà bộ phim dành được 10 đề cử giải Oscar năm 2011.
A Star Is Born (Vì Sao Vụt Sáng)
Hiếm có bộ phim nào được làm lại đến tận 4 lần như A Star Is Born (1937), điều này đã chứng minh sức sống mãnh liệt của tựa phim này. Mỗi phiên bản remake sẽ đem lại cho khán giả những ấn tượng khác nhau. Bản remake vừa công chiếu gần đây cũng vậy. Thay vì lu mờ trước "những người tiền nhiệm", bộ phim đã tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Lady Gaga và Bradley Cooper đã đem lại hình ảnh Ally và Jackson Maine vừa cũ vừa mới, đã hát trọn vẹn được những nốt mà chưa phần phim nào trước đó từng chạm tới. Sự thăng hoa trong diễn xuất của Lady Gaga đã giúp câu chuyện tình yêu cảm động trong ngành công nghiệp âm nhạc được chuyển tải một cách trọn vẹn, ám ảnh khôn nguôi.
Những tựa phim trên đã chứng minh một điều rằng, phim remake dù dựa trên những nguyên liệu cũ nhưng vẫn sẽ đủ sức mang lại một món ăn tinh thần với hương vị mới mẻ, cuốn hút cho khán giả. Không chỉ vậy, "món ăn" mới đó còn có sức sống bền bỉ qua thời gian, không bị lu mờ bởi cái bóng quá lớn của bản gốc.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14