SSDH – Cô gái 9X Linh Đoàn không chỉ tạo dấu ấn bằng thiết kế thời trang của riêng mình, mà còn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi từng được Vogue Italia danh tiếng bầu chọn vào Top 200 gương mặt thiết kế trẻ trên toàn thế giới.
Linh được tiếp xúc với thời trang khá sớm. Bố mẹ là chủ hiệu may nên ngay từ hồi nhỏ, Linh đã muốn theo đuổi con đường thời trang. “Linh không thể tưởng tượng ra, mình sẽ như thế nào nếu không phải là một nhà thiết kế.
Thời trang đã trở thành một phần trong cuộc sống, con người mình. Tất cả mọi thứ xung quanh đều mang lại cảm hứng thời trang cho mình”, Linh nói.
Mặc dù vậy, không phải ngay lúc đầu, bố mẹ đã chấp nhận ủng hộ ước mơ của Linh mà hướng cô theo học ngành kinh tế.
Nhớ lại những ngày đầu sang Anh du học, lúc đăng ký học A – Level, Linh đã chọn 5 môn: Toán, Kinh tế, Mĩ thuật, Thiết kế đồ họa và Nhiếp ảnh (khá nặng so với các bạn vì mọi người thường chỉ học 3 môn).
Để theo đuổi đam mê thời trang, Linh đã liều mình giấu bố mẹ học tập các môn chuyên ngành.Để theo đuổi đam mê thời trang, Linh đã “liều mình” giấu bố mẹ học tập các môn chuyên ngành.
Học xong năm đầu của A – Level, Linh đã giấu bố mẹ và tự ý bỏ 2 môn Toán và Business vì muốn dành nhiều thời gian hơn cho 3 môn nghệ thuật. Lúc bố mẹ biết được thì cũng đã quá muộn để thay đổi, nên Linh vẫn tiếp tục được theo học cái mình thích.
Linh chia sẻ: “Bố mẹ đã rất giận vì cho rằng Linh đang theo đuổi giấc mơ viển vông. Điều này làm Linh buồn nhưng vẫn kiên trì theo đuổi sở thích của mình.
Hết khóa học A-level, Linh đc hiệu tưởng trao bằng khen The best student of Art and Graphic Design và được tuyển thẳng vào đại học thay vì phải học thêm một năm nền tảng theo lẽ thông thường. Lúc này, bố mẹ mới hoàn toàn tin tưởng khả năng và ủng hộ lựa chọn của Linh”.
Từ Tuần lễ thời trang lớn đến danh hiệu nhà thiết kế trẻ của Vogue
Trong thời gian theo học tại Anh, Linh có cơ hội thực tập cho hai thương hiệu thời trang lớn là Temperley London và Osman. Những ngày đầu, Linh chỉ được giao những việc nhỏ nhặt: bưng bê, đưa đồ…
Nhưng qua một lần Osman (chủ thương hiệu) muốn tìm người biết vẽ kĩ thuật trên máy, Linh đã nắm bắt ngay cơ hội. Từ đó, Linh được bố trí một góc làm việc cố định và chuyên vẽ lại bản kĩ thuật của những mẫu thiết kế cho công ty.
“Ngoài ra, mình còn dựng lại họa tiết vải theo ý tưởng của Osman… Linh khá may mắn so với các thực tập sinh khác vì được làm việc trực tiếp với ông chủ thương hiệu này”, Linh bày tỏ.
Cũng chính quãng thời gian đấy, Linh được tham gia hai mùa London Fashion Week, để rồi trải nghiệm một quá trình học hỏi và sự căng thẳng, vất vả.
Linh cho biết: “Đó là những ngày gần như thức trắng đêm giúp nhà thiết kế hoàn thành bộ sưu tập. Mỗi thương hiệu sẽ mất ít nhất vài tháng để lên kế hoạch và chuẩn bị cho bộ sưu tập mới. Và tất cả những công sức bỏ ra, được đổi lại bằng 10 phút trên sàn diễn.
Kỉ niệm mình không bao giờ quên trong mùa London Fashion Week Spring/Summer là ngay sát giờ diễn khoảng 15 phút, một mẫu mới, do di chuyển vội vàng đã bị hư phần chi tiết trên áo. Osman đưa áo cho Linh và nói: “Bạn có 5 phút để sửa hoạt tiết thêu này”. Mình vừa làm, tay vừa run nhưng cuối cùng rất vui vì hoàn thành nhiệm vụ”.
Cùng với kết quả học tập và thực tập, Linh và 3 bạn trong khóa được thầy giáo chọn tham gia Vogue Talent của Vogue Italia. Song sau khi gửi hồ sơ tham dự, Linh trở về Việt Nam và quên bẵng, cho đến một ngày nhận được điện thoại người bạn cũ du học ở Milan thông báo.
Bạn ấy đã thấy bộ sưu tập của Linh trong quyển tạp chí Vogue, cùng với bầu chọn Top 200 gương mặt thiết kế trẻ trên toàn thế giới.
Linh bộc bạch: “Ngày hôm đấy có lẽ là một trong những ngày hạnh phúc nhất của Linh. Cảm giác bao nhiêu công sức, những đêm không ngủ để làm bài trong quãng thời gian đại học được đổi lại bằng một điều mà mình chưa bao giờ dám nghĩ đến”.
Sau khi tạp chí ra, Linh đã nhận được rất nhiều thư mời làm việc và diễn show nhưng Linh từ chối, chọn ở lại Việt Nam. Lý giải cho điều này, Linh cho biết:
“Mình nhận thấy thời điểm đó về Việt Nam là cơ hội tốt nhất cho bản thân phát triển. Bên cạnh đó, mình là người cầu toàn, muốn được làm theo ý mình chứ không phải ngồi một chỗ và làm theo sự chỉ đạo của người khác. Mình không thích sự gượng ép hay gò bó”.
Cá tính không trộn lẫn và cái tôi trong thời trang
Học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ quãng thời gian thực tập, Linh đã táo bạo thực hiện kế hoạch lớn trong 3 tháng về nước. Hè năm 2013, Linh đã lên kế hoạch chuẩn bị và tìm hiểu thị trường, cách tạo dựng một thương hiệu ở Việt Nam.
“Thời điểm ấy, Linh chưa biết nhiều về thị trường trong nước, cũng như những nhà cung cấp nguyên liệu, nhưng rất may mắn, mình đã được bạn bè giúp đỡ”.
Sau 2 tháng tự mình làm mọi công việc và 30 ngày bán thử, Linh đã rút ra rất nhiều bài học, có thêm kinh nghiệm cũng như am hiểu hơn về thị trường Việt Nam. Do đó, sau khi về nước Linh đã bắt tay luôn vào việc gây dựng thương hiệu mang tên mình .
Đối với Linh, thời trang là sự sáng tạo, niềm đam mê và không có giới hạn. “Nó còn là sự phù phiếm và đằng sau sự phù phiếm ấy là rất nhiều những hy sinh, đánh đổi. Và mỗi nhà thiết kế đều cần có cái “tôi” của riêng mình. Nếu như không có cái “tôi” trong thời trang cũng chẳng khác gì một người không có tâm hồn cả”.
Theo Linh, thời trang Việt Nam đang ngày càng phát triển và đa dạng nhưng còn thiếu một chút “nghệ thuật” mà điều này, xuất phát từ tính thương mại.
“Bản thân Linh cũng vậy, vừa kinh doanh, vừa làm nghệ thuật, mình phải cố gắng để vừa mắt số đông, mà vẫn giữ được “ chất” của mình trong đó”, cô gái 9X tài năng này khẳng định.
Nguồn: Dantri