Ấn tượng lần đầu đón tết cùng người dân bản xứ

0

SSDH – Những đợt gió thổi mạnh, tuyết rơi nhè nhẹ làm lòng người lâng lâng, những ngọn núi xanh lam nhấp nhô phía xa, mặt hồ nước phẳng lặng không gợn sóng, thiên nhiên đẹp một cách giản dị. Chúng tôi đã đón năm mới ở một nơi như vậy đấy – đảo “Olkhon” kì diệu.

 

Ấn tượng lần đầu đón tết cùng người dân bản xứ 1

 

Sau một chặng đường dài đầy mệt mỏi chúng tôi – những du học sinh đất Việt đã đặt chân lên hòn đảo “Olkhon” – hòn đảo lớn nhất trên hồ BaiKal. Cái ấm áp của tình người đã xua tan cái lạnh, cái mệt mỏi của những vị khách từ xa. Người dân đón tiếp chúng tôi nồng hậu bằng những cái ôm chặt, những cái bắt tay gặp gỡ…, hòn đảo nhìn bình yên với những nóc nhà san sát, tuyết phủ trắng khắp nơi. Chẳng đợi lâu, chúng tôi cùng những người dân nơi đây chuẩn bị cho thời khắc chuyển giao sang năm mới.

 

Chúng tôi mang theo những nguyên liệu để làm món ăn quen thuộc của đất nước mình, không gì cao sang, chỉ là nem và bánh phồng tôm dễ làm. Nhìn bàn tiệc thịnh soạn, bên cạnh những đĩa salat Nga, cá sống muối, súp khoai tây thì món ăn Việt không phô trương, lặng lẽ thể hiện cái hồn dân tộc Việt.

 

Ấn tượng lần đầu đón tết cùng người dân bản xứ 2

 

Cũng vui mừng lắm, khi nhìn người ta ăn món ăn Việt một cách ngon lành, họ hỏi tôi về nem và bánh phồng tôm. Tôi hỏi bạn có cảm nhận gì khi ăn món ăn Việt Nam, một khách nga trả lời : ‘”Rất ngon, tôi chưa hề ăn một loại bánh nào ngon như bánh phồng tôm của đất nước các bạn”. Còn một khách Nhật tỏ ra thích thú và kể “Tôi đã sang Việt Nam hai lần, tôi  rất thích món ăn Việt Nam. Tôi cũng đã từng ăn phở, phở cũng rất ngon”. Có lẽ bánh phồng tôm là món ăn hết sức đơn sơ bình dị của mỗi gia đình Việt Nam, nhưng khi đến với người nước ngoài, nó trở nên lạ lẫm và mang hương vị đặc biệt, họ sẽ biết đến Việt Nam như một đất nước nhỏ xinh, khó quên như hương vị của những món ăn cổ truyền.

 

Một không khí ấm áp mà du khách nào cũng cảm nhận được – đậm chất phương tây, đó là những thức uống và  món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến. Rượu sâm-panh nhè nhẹ tỏa hương cùng ánh nến nhưng hòa vào đó là tình cảm chân thành của những người dân bản địa, của những người con xa xứ từ khắp 4 phương trời.

 

Ấn tượng lần đầu đón tết cùng người dân bản xứ 3

 

Vâng, thế giới cũng như nhỏ hẹp lại, đến từ các nước khác nhau thật đấy nhưng chúng tôi trò chuyện cùng nhau và thêm hiểu rõ hơn về văn hóa của từng nước. Thời khắc đáng nhớ có lẽ là khi chuyển giao sang năm mới, tất cả cùng hồi hộp chờ đợi và kim đồng hồ điểm 12h, pháo hoa bắn rộn ràng, chúng tôi chúc nhau những điều tuyệt vời nhất dành cho năm mới. Ai ai cũng vui mừng và phấn khởi, trong lòng mỗi đứa con đất Việt lại nhớ về quê hương, lòng nao nao ngóng chờ tết âm lịch, cái tết cổ truyền dân tộc mình.

 

Sau thời khắc đón năm mới, những vị khách ngồi quây quần bên bàn tiệc và trò chuyện thâu đêm, trẻ con thì cùng nhau nô đùa, chia nhau những chiếc kẹo xinh nhiều màu sắc. Lễ tết là dịp thể hiện những món ăn truyền thống, những điệu nhảy lãng mạn mà được rất nhiều người dân nơi đây yêu thích. Chúng tôi được hòa mình vào những điệu nhạc, những tiếng đàn kì bí mộng mị, tưởng như được trở về một thế giới xa xưa…cội nguồn của những nét đẹp văn hóa phương tây. Vẫn là như thế đấy, những nét đẹp cổ truyền hiện hữu ngay trên nền một đất nước hiện đại.

 

Những ngày sau đó mọi người bắt đầu đi làm với một niềm hứng khởi mới, trên môi những đứa bé vẫn nở nụ cười thấp thoáng dưới trời đầy tuyết rơi.Chúng tôi phải trở về với lòng đầy tiếc nuối. Hồn người như bị níu giữ bởi cảnh vật, chẳng muốn về đâu nhưng biết làm sao được. Hẹn “Olkhon” vào một ngày gần nhất.. Xe ô tô lại bắt đầu chuyển bánh, tạm biệt những con người hiền lành đôn hậu, tạm biệt vùng đất chúng tôi vẫn gọi là thiên đường…

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí

 

Share.

Leave A Reply