Anh: Hướng dẫn xin trợ cấp học phí dành cho du học sinh

0

SSDH – Nếu bạn là du học sinh và có ý định học tập tại UK, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách thức xin tài trợ học phí cũng như các lựa chọn tài trợ khác nhau.

 

young-friends-from-diverse-cultures-races-taking-photo-making-happy-faces_166273-262

 

Vương quốc Anh là một lựa chọn phổ biến của sinh viên trên toàn thế giới và cũng là nhà của một số trường đại học danh tiếng nhất.

Mặc dù quá trình chuẩn bị cho việc học tập ở một đất nước khác rất thú vị nhưng hẳn sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản. Có quá nhiều thứ phải lo nghĩ, đặc biệt là vấn đề tài chính. Vì vậy bạn cần phải nghiên cứu các lựa chọn tài trợ khả dụng trước khi sang Anh để tránh những lỗi lầm không đáng có. Dưới đây là danh sách tất cả những gì bạn cần quan tâm khi lên kế hoạch tài chính cho bản thân.

Những loại chi phí nào cần được quan tâm?

Học phí

Học phí thường được ghi chú rõ ràng trên website của trường và sẽ khác nhau tùy theo từng chuyên ngành và khóa học. MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) thường là ngành có mức học phí cao nhất.

Tại UK có 2 mức học phí: phí dành cho sinh viên trong nước (thấp hơn) và phí dành cho du học sinh (cao hơn). Trường đại học sẽ dựa trên những tiêu chí nhất định để xem xét bạn phải trả loại phí nào. Vì vậy nếu cho rằng bạn đã đạt tiêu chí đó, hãy liên lạc ngay với đội ngũ tuyển sinh của trường để xác nhận bạn nhé.

Ngoài ra, bạn cũng cần phải tìm hiểu học phí của mỗi khóa học có cố định hay không. Một số khóa học yêu cầu mức học phí cố định, tuy nhiên chi phí của một số khác lại tăng theo mỗi năm.

[Tham khảo: Những điều cần đặc biệt lưu ý khi du học Anh]

Tài liệu khóa học

Website của trường thông thường sẽ ghi chi tiết nếu khóa học của bạn yêu cầu phụ phí cho các chuyến tham quan doanh nghiệp hoặc phí nghiên cứu đối với sinh viên sau đại học.

Giáo trình cũng có thể khá đắt, vì vậy hãy tìm hiểu xem liệu bạn có thể mượn sách từ sinh viên khóa trước hoặc sử dụng app Perlego hay Kortext.

Nhiều sinh viên đã chuẩn bị laptop khi lên đại học, đây cũng là điều mà bạn nên cân nhắc nếu chưa có loại thiết bị nào tương tự.

Chi phí sinh hoạt

Loại phí này sẽ khác nhau tùy vào vùng miền hoặc cách sống bạn chọn. Hầu hết các trường đại học sẽ cung cấp thông tin về phí sinh hoạt trung bình của sinh viên. Chi phí này sẽ bao gồm nhà ở, bảo hiểm, phương tiện đi lại và giải trí…

Phí thuê nhà bên ngoài không phải lúc nào cũng rẻ, nhưng bạn nên tìm hiểu nó nếu cả gia đình bạn có ý định chuyển đến sống cùng. Hãy thận trọng khi tìm thấy một số nơi ở giá rẻ, vì thông thường mức phí đó chưa bao gồm tiền ga, điện, nước và mạng internet.

Phí nhập cư liên quan

Nhiều du học sinh sẽ cần phải xin visa để sang học tập tại Anh. Khi đăng ký visa, bạn cũng cần phải cung cấp tài liệu sao kê ngân hàng hoặc thư bảo đảm tài chính để chứng minh bạn có đủ khả năng chi trả tiền sinh hoạt của mình.

Hầu như mọi trường đại học ở Anh đều có một đội ngũ tư vấn nhập cư miễn phí, vì vậy hãy tận dụng dịch vụ này nếu bạn cần giúp đỡ.

[Tham khảo: Những điểm mới của hệ thống visa du học Anh]

Những chi phí khác

  • Tiền đặt cọc chỗ ở. Nếu bạn quyết định thuê ngoài thì điều này cần được lưu tâm, một số nơi có thể yêu cầu đặt cọc 6 tháng.
  • Chi phí đi lại và máy bay
  • Phí kiểm tra Covid-19 trước khi nhập cảnh
  • Giao động tiền tệ

Tìm kiếm tài trợ học phí bằng cách nào?

Quỹ tài chính sinh viên UK

Do quỹ hỗ trợ sinh viên của chính phủ Anh phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng cư trú, nhiều du học sinh không thể đăng ký loại trợ cấp này.

Trợ cấp gia đình và tiền tiết kiệm

Hầu hết mọi du học sinh ở UK đều tự chu cấp cho bản thân. Bất cứ loại tiền nào bạn đang có đều sẽ được tính vào thu nhập của bạn, bao gồm tiền tiết kiệm hay tiền bố mẹ và người thân gửi cho bạn.

Làm thêm ở UK

Ngoài thời gian trên giảng đường và thời gian tự học, bạn có thể dành thời gian đi làm thêm. Đây là một cách rất tốt để trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như kiếm thêm thu nhập khi sống tại Anh.

Hãy tìm hiểu các cơ hội việc làm từ trường đại học trước khi tự thực hiện nghiên cứu. Các trường đại học sẽ cung cấp thông tin về mức lương tối thiểu ở UK cũng như các loại thuế.

Ngoài ra bạn cũng nên tìm hiểu kĩ quy định của trường về số giờ làm thêm của sinh viên cũng như giới hạn khi đi làm thêm theo điều kiện của visa.

[Tham khảo: Du học sinh đã tìm việc làm thêm tại Anh như thế nào?]

Học bổng ngoài trường

Mặc dù chính phủ và các trường đại học ở Anh đều cấp học bổng, bạn không nên quá trông chờ vào nó bởi học bổng này thường chỉ chiếm một số phần trăm trong tổng số học phí bạn phải trả.

Học bổng cũng thường có tỉ lệ cạnh tranh rất cao và chủ yếu dành cho đối tượng sinh viên sau đại học.

Bạn có thể tham khảo thông tin học bổng từ các nguồn sau: StudyUK của Hội đồng Anh (British Council), Chevening Scholarships, Marshall Scholarships và Commonwealth Scholarships,…

Lên kế hoạch chi tiêu

Sau khi đã tìm hiểu đủ thông tin về các loại chi phí, điều tiếp theo bạn cần phải làm chính là lên kế hoạch chi tiêu.

Tuy nhiên, đôi khi sẽ có những chi phí phát sinh mà bạn không thể dự trù đến. Hãy thực hiện nghiên cứu ngay từ bây giờ vì có thể những thông tin mà bạn tìm được sẽ giúp ích cho bạn về sau. Chúc bạn may mắn!

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply