SSDH – Cùng nói tiếng Anh nhưng người Mỹ và Anh khác nhau khá nhiều trong vốn từ, cách đọc, viết lẫn ngữ pháp.
Bạn không nên ngạc nhiên khi bị nhận xét là phát âm “kỳ cục” hoặc lạ tai khi nói tiếng Anh ở một đất nước nào đó lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự khác biệt về từ vựng, giọng Anh ở mỗi quốc gia là thách thức với tất cả.
American English (Anh-Mỹ) và British English (Anh-Anh) khác nhau ở nhiều điểm như vốn từ vựng (vocabulary), cách viết (spelling), đọc (pronunciation) và ngữ pháp (grammar).
Ảnh: Grammarly.
Vốn từ vựng (vocabulary)
Một số từ vựng chỉ xuất hiện trong Anh-Mỹ mà không có trong Anh-Anh và ngược lại. Chẳng hạn, “lady bug” /ˈleɪ·diˌbʌɡ/ có nghĩa “con bọ rùa” trong Anh-Mỹ nhưng không có trong Anh-Anh. “Anorak” /ˈæn.ə.ræk/ chỉ loại áo khoác ngoài cản được gió, mưa và có mũ trùm đầu trong Anh-Anh nhưng người Mỹ hầu như không dùng từ này.
Bên cạnh đó, một số từ xuất hiện ở cả hai nước nhưng có nghĩa khác nhau. Ví dụ: người Anh xem “Are you all right?” là một cách nói xin chào, hệt như câu “Hello” hay “How are you?”. Nhưng người Mỹ lại xem đây là một câu hỏi thăm thực sự khi thấy người đối diện ốm hay vừa gặp phải một tai nạn nhỏ…
Một ví dụ khác cho thấy sự khác biệt là “pants”. Nếu người Mỹ hiểu rằng “pants” là quần dài, cùng nghĩa với từ “trousers” (“trousers” ít được dùng) thì người Anh lại hiểu đây là “underwear” – quần lót.
Hãy cẩn thận với từ “pants” trong Anh-Mỹ và Anh-Anh. Ảnh: Highfashionmagazine.
Cách viết (spelling)
Bạn có thể nhận ra sự khác biệt trong cách viết với một vài quy luật như:
- Anh-Mỹ có xu hướng bỏ chữ “u” trong nhiều từ. Người Anh viết “colour”, “armour”, “humour” còn trong tiếng Mỹ là “color”, “armor”, “humor”.
- Các động từ của Anh – Mỹ có đuôi “ize” còn Anh-Anh là “ise”, ví dụ: “realize – realise”, “organize – organise”.
- Thứ tự các chữ cái cũng có thể bị đảo lại, chẳng hạn “theater”, “center” trong Anh-Mỹ tương ứng với “theatre”, “centre” trong Anh-Anh.
Cách đọc (pronunciation)
Bạn có thể biết người đối diện đang nói tiếng Anh-Mỹ hay Anh-Anh nhờ cách phát âm. Trọng âm một số từ có thể thay đổi. “Adult” có trọng âm 2 với Anh-Mỹ (aDULT) nhưng có trọng âm ở âm tiết đầu (Adult) với Anh-Anh. “Weekend” có trọng âm một (WEEKeend) với Anh-Mỹ nhưng có trọng âm 2 với Anh-Anh (weekEND).
Một điểm khác biệt nữa là người Mỹ có xu hướng nói hết những âm “r” xuất hiện trong từ còn người Anh lại thường bỏ đi nếu chúng nằm cuối. Cách phiên âm của “car” trong Anh-Mỹ và Anh-Anh lần lượt là /kɑːr/ – /kɑː/.
Người Mỹ còn có xu hướng thay đổi phụ âm trong một từ, hoặc bỏ qua phụ âm ấy để có thể nói nói nhanh và dễ dàng hơn, ví dụ: “water” được nói như “wa-der” – âm /t/ đổi thành /d/, còn “mountain” được nói như “moun-nn” – “tai” bị bỏ qua.
Ngữ pháp (grammar)
Trong Anh-Anh, bạn phải dùng thì hiện tại hoàn thành để miêu tả sự việc vừa xảy ra, ví dụ:
– I’ve broken your vase. Will you forgive me? (Con vừa lỡ tay làm vỡ cái bình. Mẹ bỏ qua cho con chứ ạ?)
Người Mỹ cũng có thể sử dụng thì hiện tại hoàn thành trong trường hợp vừa rồi hoặc đơn giản hóa nó đi với thì quá khứ đơn:
– I broke your vase. Will you forgive me?
Nguồn: Vnexpress