SSDH – Ăn ngủ cùng robot ròng rã 10 tháng trời từ khi manh nha ý tưởng đến lúc được xướng tên đội vô địch là một hành trình gian nan đầy thử thách của 3 chàng trai đến từ trường ĐH Lạc Hồng.
Dù năm đầu tiên đến với robocon, ba chàng trai sinh viên khoa cơ điện – điện tử, trường ĐH Lạc Hồng gồm Võ Quang Thu, Nguyễn Vương Quốc, Nguyễn Văn Cường đã tạo nên bất ngờ khi lần lượt chinh phục những đối thủ mạnh để bước lên đỉnh cao nhất của cuộc thi sáng tạo robocon châu Á – Thái Bình Dương (ABU), năm nay.
Từ bìa trái qua Quốc, Cường và Thu trên sân thi đấu tại Ấn Độ. Ảnh: Hoàng Vũ
LH – NVN được nhiều người nhớ đến không chỉ chức vô địch ABU mà còn tinh thần dân tộc khi đội tặng toàn bộ giải thường 1.400 USD của Hiệp hội truyền hình châu Á- Thái Bình Dương sau khi giành giải nhất cuộc thi toàn quốc cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.
Khác với các đội mạnh ở trường Lạc Hồng đều có kinh nghiệm qua các lần chinh chiến mùa trước, LH – NVN là đội tập hợp những người lần đầu đến với robot, chỉ một thành viên là “chân chạy việc” cho các anh khóa trước.
Đam mê robot từ hồi còn học phổ thông, song phải đến năm cuối đại học những tân kỹ sư này mới dám mạnh dạn lập nhóm để dự thi robocon. “Ba năm đầu tụi mình chỉ muốn trau dồi kiến thức, nắm vững kỹ năng trước chứ không vội vàng. Khi cảm thấy đủ khả năng nên mới thành lập đội chinh chiến”, Quang Thu nói.
Từ ý tưởng, bản thiết kế trên giấy đến các robot hoàn chỉnh là một quá trình kiên trì dài hơi. “Ban đầu đội có ý tưởng dùng cánh quạt quay để leo cột nhưng khi thực hiện thì thấy rất khó, các cảm biến gắn vào robot cũng không phù hợp nên phải thay đổi nhiều lần. Gần hai tháng, các robot mới có thể chạy được theo đề thi yêu cầu”, Quốc cho biết.
Các thành viên đội LH-NVN chỉnh sửa lại robot trước cuộc thi tại Ấn Độ. Ảnh: Hoàng Vũ
Là lính mới song từ khi nhà trường triển khai đề thi, tất cả các thành viên đều hăng say bắt tay vào công việc từ thiết kế, lên ý tưởng cho đến những cưa tiện lắp ráp cho các chú robot của mình. “Khi đọc đề cũng bỡ ngỡ lắm, song tận dụng những kiến thức học được trong 3 năm ở trường mình đã lập trình thành công các board mạch, cảm biến để điều khiển con robot chạy theo ý tưởng đề ra”, Quang Thu, phụ trách chính lập trình cho robot, chia sẻ.
Để chuẩn bị cuộc thi, các thành viên luôn phải ăn ngủ tại xưởng, lúc rảnh lại đi săn lùng các thiết bị công nghệ mới nhất tại chợ Nhật Tảo (TP HCM), các shop robocon trên mạng để phục vụ cho việc lắp rắp.
Ttân vô địch robocon châu Á – Thái Bình Dương từng suýt nữa phải dừng cuộc chơi tại vòng bảng trong cuộc thi toàn quốc khi thua trận ra quân với IME – ĐH Công nghiệp Hà Nội. Thu cho biết: “Cứ tưởng sẽ không còn cơ hội đi tiếp nhưng các thành viên luôn động viên nhau ra sân thì chơi hết mình ở 2 trận còn lại. Cuối cùng những cố gắng cũng được đền đáp, đội không những vượt qua vòng bảng mà đi đến chức vô địch một cách ngoạn mục”.
Sau khi kết thúc giải toàn quốc, các thành viên bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị thi đấu cho giải quốc tế. Từ lập trình đến các kỹ thuật cơ khí được thiết kế và làm lại hoàn toàn mới. “Để cho các robot nhanh và ổn định nhất, các thành viên phải tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, những lập trình đường đi phải được giải thuật để có phương án tối ưu cho lộ trình định sẵn”, Quốc tiết lộ.
Nói về cuộc thi robocon diễn ra tại Ấn Độ, Cường vẫn chưa quên cảm giác hồi hộp tại trận bán kết với Indonesia. Khi trận đấu bắt đầu, đối thủ vượt lên trước đến 3-4 giây. Nhưng với tâm lý ổn định, giữ vững chiến thuật chậm mà chắc, đội đã giành chiến thắng chỉ trong tích tắc.
“Lúc đội bạn đưa robot tự động đến cầu thang để leo về đích cũng là lúc chúng tôi đuổi kịp. Những bước chân leo thang dũng mãnh ở cú nước rút đã làm cả đội vỡ òa hạnh phúc”, chàng trai điều khiển robot bằng tay nhớ lại.
Thành viên đội robocon Việt Nam trên bục nhận giải vô địch cuộc thi năm nay. Ảnh: Thanh Thúy
Tại trận chung kết, khi Việt Nam được xướng tên vô địch ai cũng lặng người rồi bùng nổ cảm xúc khi có thể vượt qua đội Nhật Bản cực mạnh. Cả ba thành viên ôm chầm lấy nhau ngay trên sân đấu, những giọt nước mắt hạnh phúc thi nhau rơi khi chỉ tiêu trước lúc lên đường đặt ra đã đạt được sau 7 năm lỗi hẹn.
“Thành viên LH – NVN là những sinh viên chịu khó mày mò, sáng tạo và có một niềm đam mê cháy bỏng với robot. Không phải là đội thi mạnh nhất mà nhà trường hy vọng, song tâm lý ổn định và chiến thuật đúng đắn đã trở thành bí quyết dẫn đội đến chiến thắng cuối cùng”, thầy Lâm Thành Hiển, Hiệu phó trường ĐH Lạc Hồng, nhận xét.
Cũng theo thầy Hiển, để tạo một điểm tựa công nghệ robot vững chắc và đạt được thành công trong 5 năm qua, khi liên tiếp đạt giải nhất cuộc thi toàn quốc và các thứ hạng cao của cuộc thi sáng tạo robot châu Á – Thái Bình Dương, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc thực hành trong giảng dạy sinh viên thay cho phương pháp lý thuyết khô khan.
“Từ những sinh viên tham gia robocon, nhiều em đã trưởng thành và tự nghiên cứu ra rất nhiều máy móc công nghệ ứng dụng trong sản xuất, chuyển giao cho các công ty trong và ngoài tỉnh, có công việc ổn định sau khi ra trường”, ông hiệu phó nói.
Nguồn: Vnexpress