Bạn trẻ xuất sắc ở nước nhà nhưng “trượt dốc” khi du học…

0

Sẵn sàng du học – Cộng đồng du học sinh chắc hẳn không còn xa lạ với những chia sẻ kể về việc các bạn trẻ đi du học không theo nổi môi trường học mới dù rằng họ là vốn những người đạt điểm rất cao đầu vào.

Không ít sinh viên quốc tế bị trầm cảm, căng thẳng dẫn đến lựa chọn tiêu cực như tự tử tăng lên cao. Dễ nhận thấy, họ thường có 3 điểm chung: điểm đầu vào rất tốt, không thích ứng được với môi trường ngôn ngữ mới, đa phần là châu Á như Trung Quốc, Việt Nam…

Vậy tại sao lại có thực trạng này?

Những quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc thường coi trọng thành tích. Vì vậy đa phần các sinh viên đều chú trọng vào việc đạt kết quả cao trong việc học. Họ tích lũy và đưa ra rất nhiều chương trình rèn luyện và phương pháp nhằm mục tiêu tạo kết quả cao trong thi cử.

Trong các phần thi như IELTS, TOEFL, GRE, MAT, SAT… thì số lượng sinh viên Trung Quốc đạt điểm cao rất nhiều. Kết quả học tập của họ rất tốt nên cũng được nhận vào các trường danh tiếng.

Tuy nhiên, cách học đó cũng có điểm yếu. Đó chính là nó thiếu đi tính sáng tạo, sự linh động và khả năng thích nghi. Chính điều đó đã làm cho các sinh viên này khi đến Mỹ sẽ rất bỡ ngỡ.

Thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ. Họ rất giỏi học thuật, nhưng lại rất kém trong giao tiếp. Vì vậy, họ khó tìm được nhịp điệu chung trong cuộc sống mới tại các nước như Anh, Mỹ…

Bên cạnh đó, họ không theo kịp được bài giảng trên lớp. Và do thói quen được học theo chương trình định sẵn, được chỉ bảo phải làm gì để được điểm cao nên họ gặp khó khăn với cách dạy chỉ hướng dẫn kiến thức nền tảng và bắt sinh viên phải tự tìm hiểu thêm như ở Mỹ.

Đó là lý do người Mỹ thích dùng từ Instructor (người hướng dẫn) hơn là Teacher (giáo viên) cho các thầy cô cấp trên trung học. Những điều này gây ức chế tâm lý và ảnh hưởng đến năng lực. Có lẽ không du học sinh nào không ít nhiều trải qua cảm giác này.

Thứ hai là sự kỳ vọng vào thành tích rất lớn ở bản thân và ở người thân. Sự kỳ vọng này là nguồn động viên và cũng là nguồn thuốc độc. khi sự kỳ vọng không được đáp ứng, nó sẽ trở thành sự thất vọng. Khi bên cạnh không có ai để vực dậy, các bạn với tâm lý yếu sẽ dẫn đến những con đường giải thoát tiêu cực rồi cứ thế “trượt dốc”…

Bản thân Khoa cũng có giai đoạn trầm cảm và nghi ngờ chính mình. Chuyện đó xảy ra trước khi đi du học. Thời học sinh, Khoa luôn nằm trong top học sinh giỏi của trường và là học sinh giỏi cấp thị xã.

Lòng tự hào của mình càng được củng cố hơn khi Khoa trúng tuyển vào lớp Cử nhân Tài năng Khoa Toán Tin trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP. HCM vào năm 2004. Lớp chỉ có 16 người thôi trên tổng số 300 tân sinh viên.

Tuy nhiên, khi bắt đầu học là cả một sự mài giũa kinh hoàng. Không kể đến việc kiến thức khó hơn nhiều so với lớp ngoài, mình còn đối mặt với việc phải học chung với một đám thiên tài từ các trường Phổ thông năng khiếu, chuyên Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong… Có nhiều bạn là học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, 2 bạn từng đoạt huy chương bạc Toán quốc tế.

Biết là mình không sánh nổi, thế nhưng cứ khi nào thầy cho bài mới thì mình đưa cái mặt ngu ra, còn tụi bạn thì bàn luận sôi nổi kiểu như thể vấn đề nằm ở mức độ tối nay ăn ở đâu vậy.

Ngay cả khi được giải thích cặn kẽ mình vẫn phải mất không ít thời gian để hiểu ra. Vậy đó, tự tin của mình bay biến mất. Nhiều khi còn tự hỏi quyết định vào lớp này có sai lầm không. Và cái cảm giác tự tị, mất tự tin đó luôn theo mình rất lâu.

Khoa tốt nghiệp đại học trong 4 năm như kế hoạch. Nhưng kinh nghiệm đó theo Khoa đến cuối đời. Có lẽ nhờ nó mà Khoa vượt qua thời gian đầu khủng hoảng ở Mỹ.

Kỹ sư Khoa Trần (tác giả bài viết) cùng gia đình nhỏ của anh tại Mỹ.

Kỹ sư Khoa Trần (tác giả bài viết) cùng gia đình nhỏ của anh tại Mỹ.

Khoa cũng gặp nhiều rào cản khi qua Mỹ. Ngôn ngữ là cái lớn nhất. Khoa là người hòa đồng và rất chịu nói chuyện, nhưng với cái giọng trầm và nói nhanh thì quả thực hơi khó cho người nghe.

Tuy nhiên, Khoa hiểu tiếng Anh là kỹ năng và kỹ năng được mài dũa qua rèn luyện. Vậy nên Khoa không ngại nói sai. Nói sai vài lần thì Khoa ráng đánh vần. Sau đó người ta sẽ chỉ Khoa nói lại. Lần sau không bị sai từ đó nữa.

Đó là cách Khoa vượt qua mặc cảm khi mình ngang nhiên đối đầu với nó. Cô giáo nhận xét Khoa tiến bộ rất nhanh dù là người có giọng nặng nhất lớp.

Khi qua Mỹ, điều buồn nhất là bơ vơ, không có người thân hay bạn bè. Do đó Khoa đặt việc kết bạn lên hàng đầu. Một trong những cách kết bạn hay nhất là chia sẻ. Khoa luôn là người chủ động chia sẻ như sách, ebook, tài liệu… Kết quả bao giờ cũng như nhau. Các bạn khác rất quý mình và luôn sẵn lòng chia sẻ lại những điều họ có.

Những người bạn này cùng Khoa trải qua quãng đời sinh viên ở Mỹ. Cùng học nhóm, cùng thức thâu đêm ôn bài thi, cùng làm hồ sơ cá nhân, cùng tìm việc làm…

Khi đi học thì rõ ràng thầy giảng trên lớp người ta nắm 60%, còn mình thì 30-40% là quý rồi. Đọc sách chính là cách Khoa tăng tỉ lệ này lên. Và sự thật vì đọc sách Khoa vượt qua hết 1 bằng đại học và 1 bằng thạc sĩ ở Mỹ. Khoa luôn chỉ lại bài và tham gia thảo luận.

Khoa không ngại học chung với người chậm hơn mình và luôn sẵn sàng hướng dẫn lại. Vì Khoa tin chia sẻ là cách ôn tập kiến thức tốt nhất. Hướng dẫn một người hiểu từ căn bản giúp mình hiểu sâu hơn rất nhiều.

Và các bạn biết không, cái cảm giác thấy tụi bạn Mỹ chịu đựng cái giọng trầm đầy bản ngữ của mình mà vẫn tập trung nhìn để nghe mình hướng dẫn thật là dễ chịu. Và thấy họ hiểu được vấn đề mình càng vui hơn.

Có lẽ các bạn nghĩ chắc tại cái miệng anh “lanh” quá, em thì ít nói nên chịu thôi. Không đâu. Giao tiếp cũng là một kỹ năng các bạn ạ. Người Mỹ họ rất giỏi giao tiếp và Khoa học được nhiều thứ bằng cách quan sát họ. Khoa cũng từng tham gia một khóa huấn luyện về nói chuyện cá nhân và nói trước công chúng. Những kỹ năng này dùng hoài không hết.

Rốt cuộc thì khi ra trường, các bạn cũng cần tìm mạng lưới, phỏng vấn và đi làm đúng không. Vậy thì kỹ năng giao tiếp cần học ngay và luôn. Rèn luyện lúc đi học là tốt nhất, vì bạn không phải trả một cái giá nào cả. Còn hơn là phải chịu mất cơ hội việc làm chỉ vì yếu giao tiếp.

Vài dòng chia sẻ (vài đâu mà vài), chúc các bạn thành công và tìm thấy niềm vui mỗi ngày.

Khoa Trần tốt nghiệp ngành Toán Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư Dầu khí tại trường University of Houston (Mỹ) sau đó học tiếp cao học ngành Kỹ sư cơ khí.

Anh ra trường năm 2018 và được nhận vào làm tập đoàn Voith của Đức trụ sở bang North Carolina, Mỹ. Hiện đang làm Kỹ sư Phát triển tự động hóa, bộ phận Nghiên cứu và Phát triển ở đây.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Nước Anh

Share.

Leave A Reply